Người dân Trung Quốc đang trở lại cuộc sống thường nhật sau khi chính phủ quyết định dừng chiến lược Zero Covid-19 vào giữa tháng 12/2022. Mọi người lên kế hoạch cho các chuyến đi du lịch, ăn tối hay quay trở lại trung tâm mua sắm.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, người dân nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không còn chi tiêu mạnh tay như trước.
Ăn uống và giải trí
Sau 3 năm đóng cửa, người tiêu dùng Trung Quốc đang ra ngoài vui chơi, thể hiện một phần trong việc ra ngoài ăn uống. Chi tiêu cho ăn uống tại các nhà hàng đang quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19, nhưng vẫn chưa đạt mức cao nhất.
Haidilao - một trong những chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc - ước tính đạt doanh thu hàng ngày trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng một vừa qua vượt năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu tại các nhà hàng kinh doanh dịch vụ lẩu tụt rất xa so với năm 2021.
Catherine Lim - nhà phân tích cấp cao về người tiêu dùng và công nghệ của Bloomberg Intelligence - nhận định nỗi sợ hãi Covid-19 của người tiêu dùng Trung Quốc đang tan biến. Tuy nhiên, những lo ngại về triển vọng nền kinh tế hiện “khiến họ thận trọng hơn trong chi tiêu tùy ý”, bà nói.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chứng kiến tiêu dùng bùng nổ trong nhiều lĩnh vực, nhưng động lực này giảm dần trong bối cảnh có những lo ngại kéo dài về Covid-19, số ca cúm gia tăng và lo lắng nền kinh tế sẽ đi về đâu sau thời kỳ phong tỏa.
Điều này thể hiện qua phòng vé. Người Trung Quốc đổ xô đến rạp chiếu phim trong bảy ngày nghỉ lễ, với doanh thu bán vé đạt 990 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhưng khi nhìn rộng hơn, doanh thu phòng vé Trung Quốc vẫn thua thời điểm trước đại dịch. Doanh thu trong 10 tuần đầu của năm 2023 đã tăng gần 13% so với năm ngoái, lên hơn 14 tỷ nhân dân tệ, nhưng giảm 12% so với năm 2019.
Mua sắm
Sau thời gian dài phong tỏa vì Covid-19 khiến người dân Trung Quốc phụ thuộc vào mua sắm online, hiện họ đã ra ngoài mua sắm. Tuy nhiên, một số thói quen đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Dù đây là ảnh hưởng hậu đại dịch hay phản ánh xu hướng lâu dài, người tiêu dùng đang chi nhiều hơn cho đi lại và mua sắm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ thiết bị thể dục, thẻ thành viên câu lạc bộ thể thao đến các hoạt động như thiền định.
Xu hướng có thể khiến những lĩnh vực khác như thời trang cao cấp bị ảnh hưởng. Trung Quốc là nguồn khách hàng mua đồ xa xỉ lớn thế giới trước đại dịch, nên xu hướng này sẽ được các nhãn hàng xa xỉ theo dõi chặt chẽ.
Người dân Trung Quốc chi tiêu thận trọng hơn sau khi mở cửa. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài ra, xu hướng chi tiêu còn có cách biệt giữa các thế hệ.
Theo dữ liệu từ hãng tư vấn Oliver Wyman, hậu Covid-19, nhóm millennials - sinh từ năm 1981 đến 1996 - tăng chi tiêu nhiều nhất vào sức khỏe và thể thao.
Trong khi đó, nhóm baby boomers - thế hệ đầu tiên ở Trung Quốc thực sự chào đón các thương hiệu phương Tây - ít có khả năng “vung tiền” khi đại dịch qua đi, với mức chi tiêu cho thời trang xa xỉ sẽ giảm nhiều nhất trong năm nay, theo khảo sát của công ty Oliver Wyman.
“Giá hàng tiêu dùng nhanh chưa bắt đầu tăng lên, cho thấy người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu. Chắc chắn chúng ta chứng kiến sự phục hồi đáng chú ý, nhưng quy mô vẫn chưa đầy đủ”, Jason Yu - Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Greater China, đơn vị theo dõi hành vi chi tiêu của 40.000 gia đình trên cả nước - cho biết.
Không chỉ vậy, mức độ tiêu dùng của Trung Quốc cũng phục hồi chậm hơn so với những nơi khác sau khi họ mở cửa trở lại.
“Trở ngại lớn nhất với sự phục hồi của Trung Quốc là niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa trở lại”, Larry Hu - trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group - cho biết.
Mặt hàng giá trị lớn
Trung Quốc mở cửa trở lại thúc đẩy nhiều người tìm tới lĩnh vực bất động sản. Doanh số bán căn hộ tăng 3,5% trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, sau khi giảm 22% trong hai tháng đầu năm 2022.
Từng là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, lĩnh vực này đã gặp nhiều thách thức trong năm qua, khi hàng loạt khu dân cư chưa hoàn thành bị bỏ trống khắp đất nước. Cuộc khủng hoảng này một phần bị thúc đẩy bởi phương án phòng dịch Covid-19, sau đó là số ca nhiễm tăng theo sau mở cửa trở lại.
Ngoài ra, khi chi tiêu cho mặt hàng giá trị lớn, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tỏ ra do dự.
Doanh số bán ôtô giảm 9,4% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều đại lý phải giảm giá và đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt để lôi kéo người mua.
Trung Quốc vẫn chưa nối lại nhiều chuyến bay quốc tế. Ảnh: Bloomberg. |
Du lịch quốc tế
Trung Quốc là nguồn khách du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới trước đại dịch. Dẫu vậy, suốt 3 năm qua, các điểm nghỉ dưỡng từ Thái Lan tới Italy đã vắng bóng nguồn khách này.
Các sân bay tại Trung Quốc đã bận rộn trở lại khi đường biên giới bắt đầu mở cửa vào ngày 8/1. Dù số lượng chuyến bay quốc tế cao hơn so với đợt đóng cửa mạnh tay nhất vào năm 2022, con số này vẫn chỉ bằng 22% so với mức trước đại dịch, tính tới ngày 16/3, theo VariFlight.
Nhiều chuyến bay quốc tế vẫn chưa được nối lại. Một số quốc gia còn yêu cầu khách du lịch đến từ Trung Quốc xét nghiệm Covid-19.
Tốc độ phục hồi đang ảnh hưởng đến một số hãng hàng không. Spring Airlines, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Trung Quốc, cho biết trong tháng này, nhu cầu đi lại bên ngoài vẫn còn yếu, cản trở sự phục hồi của nước này sau đại dịch.
Công suất chuyến bay quốc tế của hãng chỉ bằng 20% so với mức trước Covid-19. United Airlines cũng trì hoãn kế hoạch bổ sung các đường bay Mỹ - Trung cho đến ít nhất tháng 10.
Ngoài ra, theo Agnes Xu - trưởng bộ phận nghiên cứu Sandalwood Advisors, người dân Trung Quốc cũng cần thời gian sắp xếp du lịch nước ngoài, khi nhiều quốc gia yêu cầu họ phải có thị thực.
“So với Mỹ, quá trình phục hồi sau Covid-19 của Trung Quốc chậm hơn. Mỹ chứng kiến xu hướng chi tiêu trả thù, nhưng Trung Quốc thì không. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong giai đoạn mở cửa cao hơn nhiều, và chính phủ cũng đưa ra nhiều trợ cấp. Trung Quốc không có những điều này”, ông Larry Hu nói.
“Sự phục hồi của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu”, ông kết luận.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.