1 tuần sau thảm họa kép, Indonesia chống chọi dịch bệnh vì các thi thể
Thứ bảy, 6/10/2018 19:16 (GMT+7)
19:16 6/10/2018
Người dân được yêu cầu tránh xa khu vực có nhiều người chết để tránh lây lan dịch bệnh, trong khi nỗ lực giải cứu các nạn nhân gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn phương tiện.
Hơn 1 tuần sau khi thảm họa kép động đất, sóng thần rung chuyển đảo Sulawesi, Indoesia, đội cứu hộ đưa ra cảnh báo sức khỏe đối với người dân trong khi họ khai quật nhiều thi thể đang trong quá trình phân hủy từ những đống đổ nát tại thành phố Palu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới chức địa phương cho biết hàng nghìn người vẫn trong tình trạng mất tích và con số thương vong đã lên đến 1.649 người.
Theo AFP, chính quyền Indonesia chưa chính thức dừng cuộc tìm kiếm người sống sót, dù hy vọng hiện nay là rất mong manh. Người dân được yêu cầu tránh xa Petobo và Balaroa, hai khu vực thuộc thành phố Palu gần như bị xóa sổ khỏi bản đồ sau thảm họa kép, vì nhiều thi thể có thể sẽ được khai quật tại đây. Bên cạnh những lo ngại về việc lan truyền dịch bệnh, cảnh tượng đáng sợ có thể làm nhiều người bị chấn thương tâm lý.
"Phần lớn thi thể đều được tìm thấy trong tình trạng không còn nguyên vẹn, và điều này là thử thách không hề đơn giản đối với đội cứu hộ. Chúng tôi phải rất cẩn thận để không mắc bệnh truyền nhiễm", ông Yusuf Latif, phát ngôn viên của lực lượng tìm kiếm và giải cứu Indonesia, trả lời AFP.
"Chúng tôi đã tiêm phòng nhưng vẫn phải vô cùng thận trọng khi tiếp xúc với thi thể đang bị phân hủy. Công chúng cũng cần phải chú ý đến sức khỏe, rất khó để kiểm soát đám đông và mọi người có thể gặp nguy hiểm", ông Latif nói. Quân đội Indonesia cũng cử lực lượng ứng cứu, họ liên tục đào bới những đống đổ nát gồm xi măng, gạch đá và bùn đất.
Ông Sergeant Syafaruddin, quân nhân làm nhiệm vụ giải cứu tại khu vực Makassar, thành phố Palu, kể về khoảnh khắc ông nhờ đồng đội mang túi đựng thi thể đến một địa điểm từng là trường học Hồi giáo. Hai binh lính ngay lập tức đến chỗ ông đang đứng, mang theo túi đựng có chứa vài phần thi thể bên trong, họ cho biết vừa tìm thấy đầu của hai người lớn và một em bé. "Ở đây không còn ai sống sót cả, chúng tôi chỉ tìm thấy xác chết", ông Syafaruddin nói.
Người sống sót sau thảm họa đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết. Một vài người cướp hàng hóa từ các cửa hàng, hàng chục người đã bị bắt giữ và cảnh sát đe dọa sẽ nổ súng vào những người cố tình vi phạm pháp luật. Nhiều siêu thị không cho phép người dân vào trong mà chuyển đồ qua cửa chính trong lúc lực lượng vũ trang canh phòng cẩn thận. Trong ảnh, người dân tranh giành đồ tiếp tế từ trực thăng cứu hộ.
Hàng nghìn người di tản từ Palu đến các thành phố lân cận. Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, thiếu thốn nhân lực và thiết bị. Dự án HOPE, tổ chức y tế phi chính phủ tại Indonesia, cho biết chỉ có 82 nhân viên của họ nhận nhiệm vụ sau trận động đất, sóng thần xảy ra hôm 28/9. "Chúng tôi không biết số phận của những bác sĩ, y tá và nhân viên kỹ thuật y tế còn lại, những người đang làm việc tại Palu trước khi thảm họa kép xảy ra", tổ chức Dự án HOPE thông báo.
Tình trạng mất vệ sinh cũng khiến nhiều người lo ngại. "Mọi người muốn sử dụng nhà vệ sinh, nhưng không còn cái nào ở đây cả. Vì vậy chúng tôi buộc phải 'đi' ra đường vào ban đêm", ông Armawati Yarmin, 50 tuổi, cho biết.
Hôm 6/10, Liên Hợp Quốc cho biết tổ chức đang huy động 50,5 triệu USD để trợ giúp "ngay lập tức" cho các nạn nhân tại Indonesia. Sau nhiều ngày bị trì hoãn, viện trợ của cộng đồng quốc tế cũng đã đến vùng chịu ảnh hưởng nặng nề sau thảm họa kép, khu vực ước tính có hơn 200.000 người cần sự trợ giúp. Chính quyền Indonesia bị chỉ trích vì chậm trễ trong việc nhận viện trợ từ nước ngoài.
Việc tiếp nhận viện trợ của Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn khi sân bay tại thành phố Palu có công suất nhỏ, số chuyến bay tiếp cận được khu vực còn hạn chế. Hàng hóa buộc phải được vận chuyển bằng đường bộ nên mất nhiều thời gian để đến tay các nạn nhân.
Lực lượng cứu hộ đối mặt với tình trạng thiếu thốn thiết bị hạng nặng, các liên kết giao thông bị đứt đoạn và quy mô thiệt hại quá lớn. Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Nhân đạo cho biết công việc của đội ngũ cứu hộ được dự đoán còn gặp nhiều khó khăn khi một số khu vực chỉ vừa tiếp cận được gần đây.
"Một trong những vấn đề khó khăn nhất mà đội cứu hộ phải đối mặt đó là đi bộ qua lớp đất bùn sình trong nhiều tiếng đồng hồ để mang thi thể đến xe cứu thương", bà Aulia Arriani, phát ngôn viên của Hội Chữ thập Đỏ Indonesia, cho biết.
Tại nhiều khu vực bị tàn phá bởi thảm họa kép động đất, sóng thần, người dân phải bới rác từ các trang trại để ăn do tình trạng thiếu hụt thực phẩm, nước sạch nghiêm trọng.
Một tuần sau thảm họa kép động đất - sóng thần cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người tại Indonesia, hy vọng tìm thấy thêm người sống sót bên dưới đống đổ nát đang tắt dần.