Đến nay, Avatar (2009) của đạo diễn James Cameron vẫn là tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại. Tiêu tốn của hãng 20th Century Fox tới gần 240 triệu USD tiền đầu tư, Avatar gây sốt nhờ công nghệ 3D đột phá, đạt doanh thu hơn 2,78 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, vượt qua kỷ lục 2,178 tỷ USD của Titanic.
Avatar đồng thời mở ra kỷ nguyên mới về cuộc cách mạng công nghệ làm phim 3D. Tuy nhiên, đó là bom tấn gây ấn tượng về hình ảnh, kỹ xảo và công nghệ 3D hơn là yếu tố câu chuyện và cảm xúc. Đồng thời, không nhiều khán giả chờ đợi một phần kế tiếp, bởi Avatar đã có một cái kết khá trọn vẹn.
Avatar sử dụng công nghệ 3D đột phá. |
Tuy nhiên, với James Cameron đó chỉ là sự khởi đầu. Nhà làm phim lừng danh ấp ủ viết tiếp câu chuyện về Jake Sully (Sam Worthington) và tộc người Na’vi suốt gần một thập kỷ qua. Nhưng Avatar 2 rốt cuộc phải sau 11 năm mới có thể thành hình.
Mỗi tập phim tốn 250 triệu USD
Hiện tại, đạo diễn James Cameron đã hoàn thành kịch bản cho cả 4 phần kế tiếp. Theo dự kiến, Avatar 2 sẽ ra mắt vào ngày 18/12/2020. Ba phần còn lại sẽ ra rạp từ năm 2021 đến 2025.
Mới đây, BBC tiết lộ tên của 4 tập kế tiếp lần lượt là Avatar: The Way of Water, Avatar: The Seed Bearer, Avatar: The Tulkun Rider và Avatar: The Quest for Eywa.
Điều đáng chú ý là 4 phần phim tiếp theo của thương hiệu Avatar được rót kinh phí "khủng", lên đến 1 tỷ USD. Đây là con số đáng kinh ngạc và mang tính lịch sử tại Hollywood.
Liệu 20th Century Fox và đạo diễn Cameron có quá mạo hiểm khi bỏ một núi tiền để sản xuất một lèo 4 tập phim, đặc biệt khi sau cơn choáng ngợp với kỹ xảo mãn nhãn của Avatar, đã rất nhiều người lên tiếng chỉ trích phần kịch bản khá nhẹ ký của nó?
Uớc tính trung bình mỗi tập kế tiếp của Avatar sẽ tiêu tốn khoảng 250 triệu USD. Tất nhiên đây không phải con số quá khổng lồ khi các bom tấn của Hollywood hiện nay - đặc biệt là phim siêu anh hùng Marvel và DCEU - đều có mức đầu tư tương tự.
Đội ngũ làm phim của Avatar 2. |
Và đó cũng không phải là bước nhảy vọt đáng kể từ con số 237 triệu USD trong phần phim đầu.
Nhưng tổng tiền 1 tỷ USD vẫn là con số khổng lồ, và nhiều chuyên gia điện ảnh bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ 20th Century Fox sẽ thua lỗ với dự án đầu tư quy mô chưa từng thấy này.
Tuy nhiên, Screen Rant cho rằng với đạo diễn lừng danh James Cameron, số tiền 1 tỷ USD là hoàn toàn hợp lý và xứng đáng.
Giá trị của James Cameron
Điều đầu tiên và rõ ràng nhất để bảo chứng cho giá trị của thương hiệu Avatar là cái tên James Cameron - "cỗ máy in tiền" của Hollywood. Với Avatar và Titanic, ông là đạo diễn duy nhất sở hữu hai bộ phim có doanh thu vượt mức 1 tỷ USD. Chúng cũng đứng ở vị trí thứ nhất và thứ hai trong danh sách phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Gia tài điện ảnh đồ sộ của Cameron còn có những bom tấn thuộc hàng kinh điển như Terminator, Terminator 2: Judgment Day, Aliens và True Lies. Đó đều là các bộ phim khoa học viễn tưởng và hành động mang tính đột phá, được giới phê bình khen ngợi nức nở và có doanh thu cao.
Đạo diễn 64 tuổi luôn là người làm nên những điều phi thường. |
James Cameron luôn sử dụng yếu tố công nghệ, kỹ thuật làm chữ ký của riêng mình. Phim của ông luôn sở hữu chất lượng và danh tiếng vượt thời gian. Đặc biệt, chính những trải nghiệm điện ảnh mới mẻ mà ông mang lại đã giúp các tác phẩm này vẫn được đánh giá cao sau nhiều thập kỷ.
Đã 26 năm trôi qua, Terminator 2 (1991) vẫn khiến khán giả nghẹt thở khi xem lại. Aliens ra mắt từ năm 1986 vẫn là một siêu phẩm hành động - kinh dị mãn nhãn. Và Titanic (1997) vẫn là một tượng đài về công nghệ điện ảnh.
Để tạo nên điều đó, dĩ nhiên mọi bộ phim của Cameron đều rất đắt tiền. Trước khi là "cỗ máy in tiền", ông là "cỗ máy đốt tiền". Ví dụ như The Abyss (Vực thẳm - 70 triệu USD) của ông là một trong những bộ phim đắt đỏ nhất trong khoảng thập niên 1980 -1990. Hay Terminator 2 với kinh phí 100 triệu USD cũng trở thành hiện tượng trong năm 1991.
Đạo diễn James Cameron trên phim trường Titanic. |
Đỉnh điểm là Titanic (1997) với ngân sách hơn 200 triệu USD trở thành bộ phim tốn kém nhất lịch sử Hollywood trong thời điểm đó. Những gì Cameron đã chi cho Titanic vượt ngoài sức tưởng tượng và dự trù của nhà sản xuất.
Đến Avatar (2009), nhà làm phim người Mỹ đẩy mức kinh phí lên đến 237 triệu USD. Cả Titanic và Avatar đều từng bị dự đoán là sẽ thất bại, nhưng khi ra rạp đều lập kỷ lục doanh thu chưa từng có.
Thế nên, dù các ý tưởng của Cameron có điên rồ đến đâu thì Hollywood vẫn khó có thể lắc đầu từ chối ông. "Sẽ là sai lầm nếu nghi ngờ James Cameron. Lần nào ông cũng khiến cả thế giới ngạc nhiên", Screen Rant nhận định.
Những nghi ngờ về các phần kế tiếp của Avatar là rất lớn, nhưng thế giới Pandora quá phong phú và độc đáo, Cameron chắc chắn còn rất nhiều câu chuyện thú vị để kể về hành tinh kỳ lạ này.
Đổ hết tiền vào công nghệ
Khác với các phim siêu anh hùng của Marvel, Avatar không có ngôi sao đình đám để trả thù lao cao ngất. Phần lớn kinh phí sẽ được đầu tư vào hiệu ứng hình ảnh, công nghệ làm phim tối tân nhất. Và tất cả những đồng USD ông tiêu đều đáng giá.
"Mỗi đồng trong ngân sách của James Cameron đều đổ vào việc làm sao để tăng tính trực quan và tạo ra sự mãn nhãn cho khán giả trên màn ảnh rộng", Cinema Blend khẳng định.
Không có ngôi sao, phim Avatar của James Cameron tập trung đầu tư vào công nghệ. |
James Cameron nổi tiếng là người yêu thích sự mới mẻ và có khả năng phát triển công nghệ mới. Ông là một trong những đạo diễn đầu tiên của Hollywood sử dụng đồ họa vi tính hiện đại trong phim của mình ngay từ thập niên 1980. Abyss và Terminator 2 cho thấy rõ sức mạnh của CGI và chúng góp phần tạo ra một cuộc cách mạng điện ảnh.
Avatar trở thành cột mốc lớn của công nghệ điện ảnh hiện đại và mở ra xu thế làm phim 3D tại Hollywood. Đó là điểm đặc biệt của đạo diễn Cameron. Cứ phim sau của ông phải có quy mô lớn hơn, giàu tham vọng hơn phim trước. Vậy ông sẽ tạo ra điều đặc biệt gì cho các phần kế tiếp của Avatar?
So với 8 năm trước, cơn sốt phim 3D đã nguội lạnh. Đạo diễn Cameron từng tiết lộ ông sẽ quay các phần kế tiếp Avatar với tốc độ khung hình 48 hình/giây (cao gấp đôi chuẩn thông thường).
Thế giới kỳ ảo Pandora sẽ được xây dựng dưới nước trong phần 2. |
Trước đó, đạo diễn Peter Jackson từng sử dụng công nghệ này với The Hobbit và bị chỉ trích. Nhưng James Cameron là người rất mát tay với những công nghệ mới mẻ mà 3D của Avatar là ví dụ điển hình. Và có thể ông sẽ còn triển khai những công nghệ điện ảnh mới chưa từng được biết đến.
Ông là người góp phần sáng tạo ra công nghệ bắt hình động 3D và giờ nó trở thành thứ công nghệ tiêu chuẩn của Hollywood. Theo Screen Rant, có thể ông sẽ áp dụng một công nghệ 3D mới, hiện đại hơn hẳn so với Avatar ở các phần phim mới.
Lịch sử đã cho thấy rằng mọi ý tưởng của Cameron, dù có điên rồ đến mấy, luôn đạt được những thành công phi thường. Thế nên, chỉ có những kẻ khờ khạo mới đặt cược vào một cú ngã ngựa của vị đạo diễn lừng danh.