Norma Bates trong Psycho (1960): Chính Norma là người nuôi dạy nên tên sát nhân điên cuồng Norman Bates trong bộ phim kinh điển của Alfred Hitchcock. Bà nói với hắn tình dục là xấu xa và tất cả đàn bà trên thế giới (ngoại trừ bà) đều là đĩ điếm. Song, chuyện Norma nảy sinh ý định kết hôn với Joe Considine khiến gã con trai hoảng loạn, cho rằng mình sắp bị bỏ rơi và đầu độc luôn cả mẹ lẫn tình nhân. |
Gã sát nhân bị ám ảnh bởi mẹ tới nỗi sau khi Norma chết, hắn vẫn giữ xác bà trong nhà, mặc đồ của mẹ và đi đứng nói năng hệt như khi bà còn sống. Chính sự chiếm hữu và lệch lạc trong mối quan hệ giữa hai mẹ con đã gây ảnh hưởng lớn lên tâm lý của Norman. Hiện thời thơ ấu của Norman cùng mẹ được khắc họa tỉ mỉ qua series truyền hình ăn khách Bates Motel. |
Rosemary Woodhouse trong Rosemary’s Baby (1968): Nữ diễn viên sở hữu nét đẹp cá tính Mia Farrow vào vai Rosemary, một người vợ có phần thơ ngây. Cô cùng chồng chuyển tới căn chung cư tại New York, nơi họ kết bạn với những người hàng xóm kỳ lạ. Thế rồi, trong một lần say rượu, Rosemary quan hệ với chồng và có thai. |
Nhưng dường như cái thai đó không phải của chồng cô mà là đến từ quỷ Satan. Tuy nhiên, với bản năng của người mẹ, Rosemary vẫn hết lòng bảo vệ đứa trẻ sau khi nó được sinh ra. Trong phim, Mia Farrow có màn thay đổi ngoại hình ngoạn mục khi cắt phăng mái tóc uốn xoăn bồng bềnh thành tóc pixie ngắn cũn. |
Margaret White trong Carrie (1976): Đến từ nguyên tác của Stephen King, bộ phim xoay quanh nhân vật chính Carrie White nhút nhát và cô độc. Cô bé sống trong vòng kiềm tỏa của bà mẹ sùng đạo Margaret White, người gieo rắc vào đầu Carrie nhiều quan niệm sai lầm như kinh nguyệt là sự trừng phạt của Chúa, quan hệ tình dục là điều bẩn thỉu… |
Khi không hài lòng với con gái, Margaret thậm chí còn nhốt Carrie vào phòng kín để trừng phạt. Sự khắc nghiệt ấy cộng với việc bị bắt nạt tại trường học khiến nhân vật chính phát điên, gây ra hậu quả khủng khiếp. Điều đáng sợ là những bà mẹ có lối giáo dục lệch lạc như Margaret White vẫn có thể tồn tại bên ngoài màn ảnh. |
Pamela Voorhees trong Friday the 13th (1980): Đây là nhân vật phản diện thứ hai trong series Thứ 6 ngày 13, sau con trai ả là Jason. Khi còn trẻ, Pamela kết hôn với Elias Voorhees nhưng bị gã thường xuyên đánh đập, lạm dụng. Trong một cơn giận dữ, ả dùng rìu giết chết chồng, vùi xác hắn xuống hồ, rồi đem con trai bỏ trốn. |
Sau đó, Jason bị mất tích khi đang đi bơi ở hồ. Đổ lỗi cho các nhân viên tại trại Crystal Lake, Pamela lẻn vào giết chết hai người có liên quan. Cho tới nhiều năm sau, bà mẹ kinh dị vẫn tiếp tục giết người, phóng hỏa để ngăn Crystal Lake mở cửa trở lại. |
Debbie Salt trong Scream 2 (1997): Debbie Salt là một nhà báo địa phương, đến trường Cao đẳng Windsor để tìm hiểu về cái chết của hai sinh viên dưới lưỡi dao của tên sát nhân mang mặt nạ Ghostface. Song, bà ta chính là mẹ của Billy Lomis/Ghostface, muốn trả thù Sidney Prescott - nhân vật chính sống sót sau phần I. |
Để thực hiện mục đích, bà ta hợp tác với gã sinh viên tâm thần Mickey, giúp hắn nhái lại cách giết người của Ghostface. Ở khía cạnh nào đó, Loomis là một bà mẹ mù quáng sau cái chết của tên con trai sát nhân. |
Grace Stewart trong The Others (2001): Vai bà mẹ trẻ trong The Others là dấu ấn sự nghiệp của “thiên nga Australia” Nicole Kidman và đem đến cho cô một đề cử Quả cầu vàng. Grace Stewart sống cùng hai con nhỏ và ba người hầu tại một điền trang xa xôi để trốn tránh Thế chiến thứ II. Tại đây, gia đình gặp phải nhiều hiện tượng kỳ bí, khiến bà mẹ nghi ngờ có “ai khác” đang ở trong dinh thự. |
Cuối cùng, Grace Stewart cay đắng nhận ra “ai khác” đó chính là cô. Trong quá khứ, do đau buồn vì chồng mất tích, cô hóa điên và tự tay giết chết con. Tuy nhiên, thẳm sâu trong tâm trí, Grace luôn yêu thương các con và khi nhận ra sự thật, cô quyết định tự sát. |
Dahlia trong Dark Water (2005): Dù phiên bản làm lại của Hollywood không thành công bằng nguyên tác từ Nhật Bản, tình mẫu tử vẫn là chủ đề then chốt của cả hai bộ phim. Sau khi ly dị chồng, Dahlia buộc phải tự lập về kinh tế nên cô cùng con gái chuyển đến một khu chung cư giá rẻ. Ngay từ ngày đầu tiên, hai mẹ con phải đối mặt với không ít hiện tượng đáng sợ. |
Cho đến khi mọi chuyện sáng tỏ, người xem không khỏi xót xa trước số phận bạc bẽo của “con ma” và đức hy sinh vĩ đại của người mẹ. Để bảo vệ cho con gái, Dahlia sẵn sàng trao đổi cả tính mệnh. Thế nên, dù là một tác phẩm kinh dị, Dark Water luôn được đánh giá cao về tính nhân văn hàm chứa trong đó. |
Natalie Koffin trong Mother’s Day (2010): Câu chuyện bắt đầu khi ba anh em thất bại trong một vụ cướp ngân hàng. Cùng đường, chúng bỏ chạy về nhà của mẹ để cầu cứu nhưng ngôi nhà nay đã chuyển chủ sở hữu. Chúng quyết định bắt giữ những người chủ mới làm con tin, đồng thời kêu gọi sự xuất hiện của mẹ. |
Sự xuất hiện của người mẹ không làm tình thế dịu đi mà còn khiến các con tin trở nên hãi hùng gấp bội. Bà ta không từ thủ đoạn nào để tra tấn, giết chết các con tin hòng bảo vệ cho lũ con. “Con hư tại mẹ”, sự tàn ác của người phụ nữ lý giải tại sao đám con của bà ta lại có thể trở thành những tay cướp hung bạo. |
"Mama" trong Mama (2013): Tác phẩm bắt nguồn từ phim ngắn Mamá của điện ảnh Tây Ban Nha. Ở bộ phim dài, khán giả được biết rõ xuất xứ và động cơ của mẹ ma, giúp khán giả đồng cảm hơn với nhân vật đáng sợ. Ngày trước, “Mama” bị hãm hại và đẩy xuống vực cùng đứa con còn đỏ hỏn. Tình mẫu tử giúp cô vượt qua ranh giới sống chết, trở thành một linh hồn vất vưởng đi tìm kiếm người thay thế cho đứa con bé bỏng. |
Khi gặp hai đứa trẻ mồ côi là Lily và Victoria, cô ta chăm sóc, nuôi nấng và giúp chúng sống sót trong rừng sâu. Nhưng khi tình yêu trở thành sự chiếm hữu, “Mama” không muốn những đứa bé trở về thế giới bên ngoài và liên tục ám ảnh gia đình dì Annabel của lũ trẻ. Tuy có tạo hình đáng sợ, nhưng tình cảm ấm áp, sự chở che của “Mama” là điều không thể phủ nhận. |
Amelia trong The Babadook (2014): Bộ phim kinh dị của điện ảnh Australia tuy có kinh phí thấp nhưng gặt hái rất nhiều lời khen ngợi và thành công. Nhân vật chính của The Babadook là Amelia, một góa phụ bị ám ảnh bởi cái chết thương tâm của chồng. Cô phải một mình nuôi dạy cậu con trai kỳ quặc, đồng thời vượt qua nỗi đau mất người thương. |
Cuộc sống vất vả và cô độc của người mẹ đơn thân đem tới cho người xem nhiều cảm xúc. Tình mẫu tử lớn lao mà Amelia dành cho con trai là nguồn sức mạnh giúp người mẹ đánh bại “ông kẹ” Babadook trong chính ngôi nhà của mình. |