Thục sơn truyện 2001
Từ Khắc là một trong số những đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Hoa ngữ. Ông đã sản xuất ra rất nhiều bộ phim ăn khách, nhưng nói về "đỉnh cao sự nghiệp" của đạo diễn Từ, có lẽ người ta sẽ nhắc đến Thục Sơn truyện. Những cảnh quay kỹ xảo trong bộ phim ra mắt từ năm 2001 đến nay vẫn là mơ ước và niềm thán phục của nhiều người. Có thể nói, Từ Khắc đã kết hợp yếu tố kỹ xảo vào một bộ phim đề tài tiên hiệp, khắc họa thế giới siêu thực đầy hoàn hảo.
Kungfu 2004
Bộ phim Kungfu đến nay đã ra mắt được 10 năm, cũng là tác phẩm Châu Tinh Trì thực hiện "giấc mơ kungfu" của mình, trở thành một trong những tuyệt tác của thế giới. Xét về góc độ thương mại, bộ phim thu về hơn 100 triệu USD trên toàn thế giới. Xét về nghệ thuật, "Vua hài Hong Kong" đã kết hợp hoàn hảo hai yếu tố hài kịch và võ thuật truyền thống, tạo nên câu chuyện về loại võ thuật thần thánh, mang chủ nghĩa siêu thực.
Hầu hết những pha hành động hay những cảnh quay các loại võ thuật kỳ lạ như "Sư tử công", "Như lai thần chưởng" đều được thực hiện nhờ kỹ xảo CG, khoa trương nhưng không kém phần hài hước. Đây sẽ mãi là một trong số những bộ phim tuyệt vời nhất của Châu Tinh Trì.
Brotherhood of war 2004
Brotherhood of war là bộ phim điện ảnh làm nên tên tuổi đạo diễn Kang Je Gyu cũng như giúp ông được mệnh danh là "Spielberg của Hàn Quốc". Điều này quả thực không ngoa chút nào khi kinh phí đầu tư cho phim cao ngất ngưởng, số lượng diễn viên tham gia hùng hậu, nhất là kỹ xảo được xử lý vô cùng cẩn thận tỉ mỉ. Những pha tấn công, nổ súng, vật lộn trên chiến trường đều được thể hiện sống động như thật khiến người xem như đang lọt vào trong phim.
Trong bốn cảnh quay lớn quan trọng nhất phim, việc thiết kế trường quay và chỉ đạo đều được quản lý chặt chẽ và nghiêm ngặt. Nhà sản xuất luôn cố gắng áp dụng những kỹ xảo tốt nhất, để bộ phim không bị tụt hậu so với Hollywood. Có thể nói, Brotherhood of War xứng đáng là phim đề tài chiến tranh có kỹ xảo tốt nhất của Hàn Quốc.
Goemon 2009
Khi manga/anime và trò chơi điện tử của Nhật Bản đang dần phổ biến trên toàn cầu, họ bắt đầu áp dụng kỹ thuật xử lý kỹ xảo tốt nhất cho các phim bom tấn ngoài rạp. Goemon 2009 là một trong số đó. Nhà sản xuất đã không ngần ngại học hỏỉ kỹ thuật dựng phim trên phông xanh của Hollywood, sau đó áp dụng công nghệ kỹ xảo CG khiến bộ phim được xử lý thật tinh tế và hoàn mĩ. Không ngoài mong đợi, Goemon mang đến cho người xem những hình ảnh vô cùng chân thực sống động.
Endhiran 2010
Ngoài Hollywood, trên thế giới còn tồn tại một kinh đô điện ảnh khác là Bollywood của Ấn Độ. Endhiran là bộ có số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của điện ảnh Ấn, còn được mệnh danh là Người sắt phiên bản Bollywood.
Nhà sản xuất đã không ngần ngại áp dụng công nghệ tiên tiến vào Endhiran. Từ những pha ca múa, cho đến những cảnh đua xe, bắn súng... tất cả đều vô cùng sống động và bắt mắt. Đội ngũ xử lý kỹ xảo cho bộ phim đều là nhân tài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hongkong, Brazil, Mỹ...
Long Môn Phi Giáp 2011
Long Môn Phi Giáp không những không phục lại tinh thần võ hiệp Trung Hoa truyền thống, đồng thời cũng là một trong những bộ phim tiên phong trong công nghệ kỹ xảo. Đây là tác phẩm điện ảnh võ hiệp áp dụng IMAX 3D quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.
Những cảnh quay mênh mông hùng vĩ trong phim rất ít xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh khác, hay những pha hành động, tâm lý đều được xử lý một cách tinh tế tỉ mỉ đều nhờ công nghệ kỹ xảo 3D, nên Long Môn Phi Giáp càng được mong chờ nhiều hơn.
The Tower 2012
Trước khi The Tower ra mắt, người ta vẫn nghĩ những cảnh quay sóng thần trong Haeundae đã đủ gây chấn động. Nhưng The Tower đã "lật đổ tượng đài" Haeundae và trở thành cột mốc mới của điện ảnh Hàn Quốc.
Phim xoay quanh câu chuyện con người tìm cách trốn thoát khỏi tòa nhà trọc trời cao 108 tầng sau sự cố hỏa hoạn. Nhân viên cứu hộ và nhân viên cứu hỏa đều được huy động hết tốc lực. Kỹ xảo trong The Tower được áp dụng triệt để, nhằm khắc họa chân thực nhất cảnh con người nằm trong ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Họa bì 2
Sau thành công của Họa bì 1, đạo diễn Trần Gia Thượng tiếp tục cho ra đời tác phẩm Họa bì 2. Bộ phim được đầu tư mạnh mẽ về phần kỹ xảo, khiến những cảnh quay trong phim đều trở nên lung linh sống động hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, loạt cảnh công chúa và hồ ly Tiểu Dung dưới nước hoán đổi thân xác đều được thực hiện bằng công nghệ CG. Khán giả xem phim sẽ khó lòng rời mắt khỏi những cảnh quay tuyệt vời đó.
Mr. go 2013
Mr. go là bộ phim khá đặc biệt của châu Á, khi chú tinh tinh trong phim được dựng hoàn toàn bằng kỹ xảo CG. Tuy vậy, những bước đi, hành động của tinh tinh đều hoạt bát sống động không khác gì hàng thật. Ngoài ra, từ đầu đến cuối, bộ phim hoàn toàn quay bằng kỹ xảo 3D, đưa điện ảnh Hàn Quốc ngày càng hiện đại, vươn lên cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới.
Police: Black & White 2014
Bộ phim Black & White 2 do hai nam diễn viên trẻ tuổi điển trai Triệu Hựu Đình và Lâm Canh Tân thủ vai chính sẽ chính thức ra mắt ở Trung Quốc vào ngày 1/10. Hầu hết những cảnh cháy nổ va chạm trong phim đều thực hiện bằng kỹ xảo, nhưng "y như thật", chứng tỏ trình độ kỹ thuật của Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung đã lên một tầm cao mới.
Ngoài Black & White, bộ phim Chuyến tàu Thái Bình của đạo diễn Ngô Vũ Sâm hứa hẹn sẽ mang lại kỹ xảo bắt mắt cho khán giả, bù đắp những tiếc nuối với Xích Bích của ông ngày trước.
Cảnh trong Black & White. |