Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 bộ phim có nhân vật phản diện ‘vô hình’

“Final Destination”, “Paranormal Activity” hay “Hereditary” chứng minh cái ác không cần hình dạng hoặc thân phận cụ thể mà vẫn đủ sức thu hút khán giả và để lại ấn tượng khó phai.

phim kinh di hay anh 1

Hereditary (2018): Kiệt tác kinh dị của Ari Aster xoay quanh nỗ lực hồi sinh vua quỷ Paimon của một hội phù thủy bằng thân xác của nam sinh trung học Peter Graham (Alex Wolff). Paimon không có khả năng giả dạng lẫn hình thù quái đản, chỉ từng xuất hiện thông qua hình minh họa trong sách. Em gái Charlie (Milly Shapiro) của Peter, và sau đó là chính cậu, không có bất cứ manh mối nào khác về hình thù của hắn, dù ác quỷ chỉ có thể tồn tại trên Trái Đất thông qua một vật chủ con người. Đáng sợ hơn cả là nguyên nhân tại sao Paimon nhập được vào Charlie không bao giờ được bộ phim hé lộ.

phim kinh di hay anh 2

Dunkirk (2017): Bộ phim đề tài Thế chiến II của đạo diễn Christopher Nolan được coi là bản anh hùng ca khi kể lại sự kiện di tản Dunkirk từ góc nhìn của quân Đồng minh. Gần như không hề có bóng dáng binh sĩ Đức xuất hiện trong phim. Đây là nỗ lực của Nolan nhằm truyền tải nỗi sợ hãi và lo âu của những người lính khi họ bị dồn sát vào chân tường trong khi chờ được cứu khỏi kẻ địch thiện chiến. Sự căng thẳng được đẩy lên cao khi quân Đức “vô hình” với chiến thuật không rõ ràng. Nhờ đó, khán giả có thể cảm nhận một phần tâm trạng của các binh sĩ bị mắc kẹt.

phim kinh di hay anh 3

It Comes at Night (2017): Bộ phim nghệ thuật từng khiến nhiều khán giả tranh cãi về mặt nội dung. Tựa đề cũng như chiến dịch quảng bá khiến không ít người lầm tưởng các nhân vật sẽ phải đối mặt với xác sống hoặc một loài sinh vật nguy hiểm nào đó. Nhưng hóa ra It Comes at Night tập trung vào phản ứng hoang mang trước một căn bệnh lây lan trên toàn thế giới. Biên kịch kiêm đạo diễn Trey Edward Shults đã cẩn thận xây dựng các nhân vật không nghiêng hẳn về phía anh hùng hay kẻ ác. Chính những cảm xúc thường thấy của con người như nỗi sợ, đau khổ, lo lắng hay ngờ vực mới là yếu tố đẩy họ vào hoàn cảnh ác nghiệt.

phim kinh di hay anh 4

Paranormal Activity (2007): Dù thương hiệu kinh dị dần mất nhiệt bởi các phần kế tiếp sa sút về chất lượng, bộ phim Paranormal Activity đầu tiên vẫn là ví dụ tiêu biểu về cách xây dựng bầu không khí căng thẳng từ tài nguyên có hạn. Sự thành công nằm ở chỗ dù phim xoay quanh một đôi bị thực thể ma quỷ khủng bố trong chính căn nhà của họ, khán giả không hề biết nó trông như thế nào. Đạo diễn đã đánh trúng nỗi sợ vô hình khiến công chúng không thể yên giấc vào ban đêm: những tiếng động lạ trên hành lang, cửa tự đóng mở, tiếng bước chân... Từ kinh phí vỏn vẹn 15.000 USD, Paranormal Activity đã thu về hơn 193 triệu USD.

phim kinh di hay anh 5

Final Destination (2000): Không lệ thuộc vào ma quỷ, loạt phim Final Destination tìm ra phương án độc đáo cho vai trò phản diện: dùng chính cái chết vô hình làm yếu tố tấn công các nhân vật. Mỗi phần phim đều mở đầu bằng một thảm kịch. Các nhân vật chính lẽ ra phải bỏ mạng lại thoát chết nhờ linh cảm, nhưng rồi họ bị Tử Thần lùng giết đến hết bộ phim. Khán giả không bao giờ thấy hình dạng của Tử Thần, nhưng nó luôn thao túng mọi thứ để đảm bảo nạn nhân không thoát khỏi số phận chết chóc. Nhân vật William Bludworth được cho là hiện thân rõ nhất của Tử Thần bởi kiến thức sâu rộng đáng ngờ về những “tai nạn” do thế lực siêu nhiên này sắp đặt.

phim kinh di hay anh 6

The Blair Witch Project (1999): Gần một thập kỷ trước khi Paranormal Activity ra đời, The Blair Witch Project đã thay đổi dòng phim kinh dị mãi mãi. Với kinh phí vỏn vẹn 60.000 USD, ba diễn viên vô danh và một ê-kíp ít người làm việc thêm giờ để dọa các diễn viên hết hồn lúc ban đêm, bộ phim kết hợp giữa một truyền thuyết gây sởn gai ốc và diễn xuất thuyết phục theo mạch phim chậm rãi nhằm thuyết phục khán giả về một thực thể đáng sợ chưa ai từng trông thấy. Cuối phim, ai cũng có thể cảm nhận phù thủy Blair mà ả không cần xuất hiện trong khung hình thông qua Mike (Michael C. Williams) đang đứng ở góc phòng và tiếng thét của Heather (Heather Donahue).

phim kinh di hay anh 7

The Terminator (1984): Trong loạt phim Kẻ hủy diệt, khán giả thường thấy các robot đi lùng giết những anh hùng bằng xương bằng thịt. Nhưng kẻ ác điều khiển chúng thực chất là Skynet - một trí thông minh nhân tạo có nhận thức, luôn hoạt động sau bức màn bí mật với âm mưu hủy diệt nhân loại. Nó không có hình dạng nhất định, nhưng lại sở hữu khả năng học hỏi vượt ngoài tầm kiểm soát lẫn trí tưởng tượng của con người. Điều đó khiến khán giả liên tục phải suy đoán về nước đi tiếp theo của trí tuệ.

phim kinh di hay anh 8

Black Christmas (1974): Dòng phim kinh dị chém giết (slasher) thường có những gã sát nhân gây ám ảnh với đầy đủ thân phận. Nhưng kẻ phản diện (Nick Mancuso) của Black Christmas lại chỉ xuất hiện thông qua hình bóng. Khán giả biết tên hắn có thể là Billy, nghe giọng gã qua những cuộc gọi dựng tóc gáy nhắm vào hội nữ sinh. Nhưng tên sát nhân chưa bao giờ lộ mặt và động cơ gây án của hắn cũng không rõ ràng. Đạo diễn Larry Clark là người đề xuất ý tưởng về kẻ sát nhân vô danh. Ông mất nhiều thời gian thuyết phục biên kịch A. Roy Moore đồng ý trước khi họ tạo ra một trong những tác phẩm đặt nền móng cho dòng slasher.

phim kinh di hay anh 9

Duel (1971): Là tác phẩm đầu tay của ông hoàng bom tấn Steven Spielberg, Duel theo chân David Mann (Dennis Weaver) khi anh bị một chiếc xe tải không rõ do ai cầm lái săn đuổi ráo riết khắp vùng nông thôn của California, Mỹ. Tối giản nhưng hiệu quả bằng rất ít lời thoại, bộ phim bỏ qua việc xây dựng nhân vật hoàn chỉnh để tập trung vào yếu tố kịch tính của cuộc đuổi bắt kéo dài 89 phút. Tác giả nguyên tác truyện ngắn là Richard Matheson khẳng định khán giả sẽ không bao giờ thấy nhân vật tài xế. Mục đích là để khơi gợi sự hoang mang và nỗi sợ hãi điều không rõ ràng trong lòng công chúng.

phim kinh di hay anh 10

Bambi (1942): Nhiều khán giả từng theo dõi Bambi đều rơm rớm nước mắt trước cảnh mẹ của chú nai bị một tay thợ săn bắn chết. Trong suốt bộ phim, các con vật đều nhắc đến gã, nhưng nhân vật này chưa bao giờ lên hình, phát ra tiếng động hay thậm chí có một cái tên. Ban đầu, hãng Disney lên kế hoạch cho nhân vật này xuất hiện, nhưng nhà sản xuất rốt cuộc đổi ý và xóa cả cảnh Bambi cùng bố phát hiện ra xác tay thợ săn sau đám cháy rừng. Dẫu vậy, Viện phim Mỹ AFI vẫn xếp gã vào danh sách 50 kẻ phản diện ấn tượng nhất màn ảnh hồi 2003. Tay thợ săn chính là phản diện duy nhất chưa bao giờ lộ mặt trong danh sách.

8 phim hậu truyện đứng trước tương lai mịt mù

Hàng loạt yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan khiến hậu truyện của một số thương hiệu bom tấn, như “007”, “Avatar” hay “Fantastic Beasts”, đứng trước nguy cơ thua lỗ khi ra mắt.

10 bộ phim thành công giữ kín bí mật đến phút chót

Bất chấp nguy cơ bị lộ nội dung luôn rình rập trong thời đại Internet, nhiều bộ phim đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo mật trước khi chính thức ra mắt khán giả.

An Thanh

Bạn có thể quan tâm