Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 bỏ qua đáng tiếc nhất trong lịch sử giải Oscar

Với đề cử cho giải Oscar 2015, Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Điện ảnh Mỹ lại một lần nữa gây nhiều tiếc nuối khi bỏ qua một số tác phẩm điện ảnh và gương mặt gây chú ý.

Nhiều nhà phê bình bày tỏ sự bất bình khi năm nay David Oyelowo đã bị các thành viên Viện Hàn lâm “phớt lờ” ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, với chân dung nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr trong phim Selma. Đạo diễn bộ phim này là Ava DuVernay cũng không có tên trong danh đề cử ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.

Thực tế thì gần như năm nào Viện Hàn lâm cũng gây xôn xao và tranh cãi, mỗi khi công bố danh sách đề cử giải. Dưới đây là 10 tác phẩm điện ảnh và gương mặt được xem là xuất sắc nhất đã bị “hắt hủi” trong lịch sử giải Oscar.

1-2. City Lights và Modern Times của Vua hài Charlie Chaplin là những tác phẩm điện ảnh xuất sắc đầu tiên bị bỏ qua một cách đáng tiếc trong các hạng mục đề cử giải Oscar. Cả 2 phim đều là kiệt tác và nổi tiếng khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, sau khi lần lượt được phát hành hồi năm 1931 và 1936, không phim nào được đề cử ở hạng mục Oscar Phim hay nhất. Thời điểm đó, City Lights đã không thắng nổi những phim về sau nhanh chóng chìm vào quên lãng, như The Front Page, East Lynne, Skippy, Trader HornCimarron.

5 năm sau, những bộ phim quá nặng nề, không hấp dẫn như The Great Ziegfeld, San Francisco The Story of Louis Pasteur đã “đánh bại” Modern Times để lọt vào danh sách đề cử Phim hay nhất. Nguyên nhân có lẽ do thời điểm ấy, nhiều người coi các bộ phim câm của Chaplin đã lỗi thời.

Cảnh trong Modern Times của Vua hài Chalie Chaplin, phim đã bị “phớt lờ” tại giải Oscar.

3. Bette Davis (phim Of Human Bondage - 1934). Viện Hàn lâm có truyền thống thích tôn vinh các màn diễn có dáng vẻ độc ác. Nữ diễn viên Bette Davis đã có một màn diễn như vậy trong phim Of Human Bondage, với chân dung một nữ hầu đáng ghét.

Màn diễn của bà đã nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình và các đồng nghiệp. Họ khen ngợi bà có khả năng bộc lộ được khía cạnh đen tối trong bản tính con người. Tuy nhiên, khi danh sách đề cử Oscar hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được công bố, tên bà đã bị bỏ qua. Phải tới năm sau, Davis mới đoạt Tượng vàng với màn diễn trong phim Dangerous.

4. Orson Welles (phim The Magnificent Ambersons - 1942). Bộ phim The Magnificent Ambersons của Orson Welles đã bị các nhà điều hành hãng phim RKO biên tập lại, do có những miêu tả gây tranh cãi về chân dung nhà sản xuất báo chí Mỹ William Randolph Hearst. Mặc dù vậy, đây vẫn là một bộ phim điện ảnh xuất sắc, với các màn diễn rất sâu sắc cũng như kỹ thuật quay phim gây ấn tượng. Nhiều người yêu quý Welles đã rất bất bình khi Viện Hàn lâm bỏ qua ông ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và "chấm" John Farrow với phim Wake Island và Sam Wood với Kings Row. Cả 2 bộ phim này giờ đã hoàn toàn chìm trong quên lãng.

5. Alfred Hitchcock (phim Vertigo -1958). Qua kết quả cuộc thăm dò do tạp chí Sight & Sound tổ chức hồi năm 2012, với sự tham gia của hàng trăm nhà phê bình điện ảnh và đạo diễn, Vertigo được bình chọn là phim hay nhất.

Tuy nhiên trong lễ trao giải Oscar 1958, Viện Hàn lâm lại không chú ý đến tác phẩm điện ảnh này. Phim không lọt vào hạng mục đề cử Phim hay nhất. Hitchcock cũng không được đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và Jimmy Stewart cũng thất bại ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Thời điểm đó, Viện Hàn lâm nhận thấy các đạo diễn Mark Robson, Stanley Kramer, Robert Wise, Richard Brooks và Vincente Minnelli xứng đáng hơn. Thực tế, Hitchcock chưa hề đoạt Tượng vàng nào, ngoài giải Oscar danh dự ông được trao vào thời kỳ cuối sự nghiệp.

6. Anthony Perkins (phim Psycho -1960). 2 năm sau khi phim Vertigo không tạo được ấn tượng với Viện Hàn lâm, nhà làm phim Anh Hitchcock tung ra phim Psycho, hiện vẫn được coi là một kiệt tác.

Điều gây tiếc nuối lớn nhất là diễn viên chính trong phim, Anthony Perkins, lại không được đề cử Oscar ở hạng mục diễn xuất. Perkins đã có màn lột tả hết sức độc đáo gã vô lại Norman Bates, với diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp.

7. Ennio Morricone (phim Once Upon a Time in the West - 1969). Morricone là tác giả phần nhạc nền trong phim Once Upon a Time in the West của đạo diễn Sergio Leone. Phần nhạc nền, gồm các màn cao trào sử dụng đàn violon và kèn harmonica, được xem là yếu tố quan trọng giúp khán giả hiểu được câu chuyện. Nhưng năm đó, Viện Hàn lâm lại thấy phần nhạc nền của Ernest Gold trong phim The Secret of Santa Vittoria xứng đáng được đề cử hơn.

8. Dennis Hopper (phim Blue Velvet -1986). Blue Velvet của David Lynch ăn khách ở mức hiện tượng, sau khi được phát hành hồi năm 1986, phần lớn là nhờ màn diễn của Hopper khi lột tả nhân vật Frank Booth, người có thần kinh không ổn định. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm lại “phớt lờ” vai diễn của Hopper trong phim này.

9. Phim Do the Right Thing (1989). Phim Do the Right Thing của đạo diễn Spike Lee là sự mô tả đầy tính nhân văn về các mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ. Tuy nhiên, bộ phim này đã gây tranh cãi, khi nhiều nhà phê bình cho rằng Lee cổ xúy cho hoạt động bạo loạn sắc tộc.

Đây có lẽ là nguyên nhân khiến phim không được đề cử Oscar Phim hay nhất, dù 2 nhà phê bình điện ảnh hàng đầu của Mỹ gồm Gene Siskel và Roger Ebert đánh giá nó là 1 trong 10 phim hay nhất thập kỷ 1980.

10. Robert Redford (phim All Is Lost -2013). Redford từng gây tranh cãi ở vai trò đạo diễn. Năm 1980, ông đã vượt lên đối thủ đáng gờm là Martin Scorsese (với phim Raging Bull) để đoạt giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Ordinary People.

Song 33 năm sau, ông đã bị bỏ qua một cách đáng tiếc với màn độc diễn vô cùng tinh tế trong phim All Is Lost. Trong phim, ông thủ vai một người điều khiển du thuyền, rơi vào cảnh lênh đênh trên biển và phải đối diện với cái chết sau một vụ đắm tàu.

Năm đó, Viện Hàn lâm đã chọn Bruce Dern (phim Nebraska) và Christian Bale (American Hustle) vào danh sách đề cử ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/10-bo-qua-dang-tiec-nhat-trong-lich-su-giai-oscar-n20150117063750414.htm

Theo Việt Lâm/ Thể thao&Văn hóa

Bạn có thể quan tâm