Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 ca khúc càng nghe càng thêm yêu Hà Nội

Hà Nội đã trở thành cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác ra vô vàn ca khúc hay với giai điệu khi hùng tráng, lúc lại ngọt ngào, lãng mạn.

Người Hà Nội

Người Hà Nội là một sáng tác của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Ca khúc ra đời năm 1947, thời điểm hết sức khó khăn của nhân dân ta, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa mới được Hồ Chủ tịch phát động (ngày 19/12/1946). Ca khúc được viết ở hình thức khá tự do giống như trường ca, mở đầu là một Hà Nội lịch sử đầy thơ mộng, tiếp đến là khói lửa chiến đấu, rồi kết thúc là chiến thắng ca khúc khải hoàn. Chính vì thế, dù chiến tranh đã qua đi nhiều năm, đây vẫn là một trong những giai điệu hào sảng nhất về Thủ đô thân yêu được nhiều người yêu thích.


Hà Nội một trái tim hồng

Ra đời trong những năm tháng chiến tranh nhưng Hà Nội một trái tim hồng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn lại ca ngợi Hà Nội theo một cách rất khác, vừa mềm mại vừa lãng mạn trong những ngày hòa bình. Có mấy ai đã từng ở Hà Nội mà không khỏi xao xuyến với những hình ảnh đầy trữ tình: “Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ/ Mùa thu đi qua từng phố nhỏ/ Ôi Hồ Gươm! Như một bài thơ/ Hà Nội ơi có tự bao giờ/ Mấy ngàn năm chói chang rực rỡ/ Hà Nội ơi náo nức bài ca/ Vẫn âm vang trong tâm hồn ta...”.


Hà Nội và tôi

Hà Nội nổi tiếng với những “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”, những con đường bình dị, gắn bó với bao người. Và những điều bình dị, nhỏ bé ấy cùng với cái mộc mạc của con người nơi đây khiến ai chia xa cũng phải bồi hồi, bâng khuâng mỗi khi nhớ về. Hà Nội và tôi của nhạc sĩ Lê Vinh là một trong những nhạc phẩm đã thể hiện cái bình dị ấy của Hà Nội một cách vô cùng tinh túy, sâu sắc.


Có phải em mùa thu Hà Nội

Nhà thơ Tô Như Châu sáng tác Có phải em mùa thu Hà Nội năm 1970 sau khi lấy cảm hứng từ việc gặp gỡ một cô gái Hà Nội gốc và bị ấn tượng với tiếng dương cầm thánh thót của cô. Hai năm sau, bài thơ được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc. Điều đặc biệt là đến cuối đời, người viết nên những lời ca lay động lòng người: “Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/ Có phải em mùa thu xưa…” vẫn không thể thực hiện ước nguyện là một lần đến thăm Thủ đô.


Em ơi Hà Nội phố

Dù yêu thích Em ơi Hà Nội phố với những ca từ da diết, nồng nàn nhưng có lẽ không nhiều người biết nhà thơ Phan Vũ sáng tác bài thơ này trong hoàn cảnh Hà Nội vừa trải qua trận B-52 của Mỹ dội xuống năm 1972. “Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa...” thực chất chính là những hoài niệm yêu thương của tác giả về Hà Nội. Năm 1985, bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc kinh điển về Hà Nội.

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa

Những ca từ bình dị như vẽ nên một câu chuyện đời thường mà quá đỗi thân thương đã khiến cho Hà Nội mùa vắng những cơn mưa ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả yêu nhạc, yêu Hà Nội. Hình ảnh “Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/ Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…” giống như câu chuyện của bao người Hà Nội, nhẹ nhàng mà đầy hoài niệm. Ca khúc được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc từ bài thơ Chia tay người Hà Nội của Bùi Thanh Tuấn.


Nhớ về Hà Nội

“Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn nhớ về Hà Nội/ Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”, lời ca Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp như thay cho tuyên ngôn của những tấm lòng nặng tình với Thủ đô thân yêu. Đã có một thời, người người nhà nhà chỉ trực chờ đến chương trình radio mỗi sáng sớm để được nghe ca khúc này.


Đoản khúc thu Hà Nội

Nếu như Hà Nội đã trở thành đề tài trong vô vàn ca khúc thì riêng mùa thu Hà Nội lại được “ưu ái” hơn hẳn so với 3 mùa còn lại. Có lẽ bởi nét đẹp đặc trưng không lẫn vào đâu được của mùa thu Hà Nội mà rất nhiều nhạc sĩ đã tìm thấy cảm hứng sáng tác. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 2 ca khúc nổi tiếng viết về mùa thu Hà Nội, trong đó Đoản khúc thu Hà Nội mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp giống như nhịp sống vốn lặng lẽ và âm thầm của Thủ đô: “Bởi vì mùa thu tôi ở lại/ Hà Nội mùa thu, Hà Nội thu/ Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ/ Không bởi vì em, hay vì em…”.

Ngẫu hứng phố

Ngẫu hứng phố giống như một bức tranh thu nhỏ của Hà Nội với cuộc sống thường nhật, với những “bia hơi vỉa hè”, với những “Hà Nội mùa mưa/ Bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa”, với “Hà Nội mùa đông/ Quán đê thơm nồng mùi ngô nướng sém”… và cả người mẹ vấn khăn nâu sồng một đời áo cũ… Tất cả những cái bình dị, thân thương nhất ấy đã được nhạc sĩ Trần Tiến âm nhạc hóa thật tài tình. Lời ca giản dị mà sâu sắc cũng khiến nhiều người phải trầm tư: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất tình người thôi...”.


Nồng nàn Hà Nội

Là một trong số những ca khúc về Hà Nội mới ra đời trong những năm gần đây nhưng Nồng nàn Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường đã nhanh chóng được rất nhiều khán thính giả yêu thích. Những dư vị rất riêng của Hà Nội đã được tác giả thể hiện qua những hình ảnh như Hồ Gươm lung linh mỗi buổi chiều tà, các quán ăn ven đường tấp nập người qua lại, dòng người vội vã trên những con phố, hương hoa sữa thơm nồng nàn trong mùa thu...

http://www.tiin.vn/chuyen-muc/nhac/10-ca-khuc-cang-nghe-cang-them-yeu-ha-noi.html

Theo PV/ Báo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm