1. Sex on Fire của Kings of Leon
Là một trong những ban nhạc gia đình thành công nhất đến từ Nashville, Kings of Leon không phải là một cái tên xa lạ đối với các fan nhạc rock. Ca khúc quyến rũ xếp đầu bảng này đã suýt nữa không được Caleb Followill chọn thu âm, nhưng thật may mắn là các thành viên trong nhóm cuối cùng đã thuyết phục được anh.
Sex on Fire từng được đề cử là Ca khúc nhạc rock xuất sắc tại giải thưởng âm nhạc Grammy 2008, đồng thời giúp album Only by the Night của nhóm được đề cử tại hạng mục Album nhạc rock xuất sắc trong cùng sự kiện.
2. We are Young của fun. với Janelle Monáe
fun. từng muốn Rihanna góp giọng trong ca khúc đình đám này nhưng cơ hội đã không đến. Trong cái rủi có cái may, Janelle Monáe cuối cùng đã trở thành một lựa chọn xuất sắc dành cho We are Young.
Ca khúc là sự pha trộn hoàn hảo giữa các thể loại indie pop, alternative rock và power pop. Từng được cover trong Glee và sau đó trở thành nhạc nền quảng cáo xe hơi trong sự kiện Super Bowl XLVI, We are Young đã phá vỡ kỉ lục doanh thu 300.000 bản mỗi tuần trong 7 tuần liên tiếp và có năm lần đạt chứng nhận đĩa bạch kim tại Mỹ.
3. Use Somebody của Kings of Leon
Kings of Leon có tới tận hai ca khúc nằm trong top 3 của danh sách này. Use Somebody từng leo lên vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và được tạp chí NME ca ngợi là bản power ballad xuất sắc nhất trong năm 2008.
4. Chasing Cars của Snow Patrol
Chasing Cars là một trong những ca khúc từng lấy đi nhiều nước mắt của người nghe. Bản thân Gary Lightbody cũng gọi đây là bản tình ca thuần khiết và chân thật nhất mà anh từng sáng tác.
Sau khi xuất hiện trong tập cuối mùa thứ hai của series Grey’s Anatomy, Chasing Cars trở nên nổi tiếng tại Mỹ và nhận được đề cử Grammy vào năm 2007. Trong năm 2009, Chasing Cars được vinh dự xướng danh là ca khúc được phát sóng nhiều nhất tại Anh trong thập niên 2000.
5. Don’t Stop Believin’ của Journey
Trước khi trở thành bài ca chủ đạo của loạt phim truyền hình Glee, bản thân Don’t Stop Believin’ đã là một ca khúc vĩ đại và được sử dụng trong rất, rất nhiều các bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh. Những lần xuất hiện đáng nhớ của ca khúc có thể kể tới The Wedding Singer (1998), Monster (2003), cảnh kết của loạt phim truyền hình The Sopranos…
Nhờ đó, doanh thu nhạc số của Don’t Stop Believin’ luôn ở mức cao và giúp cho Journey vượt qua được những khó khăn về mặt tài chính. Ca khúc cũng là bài hát cổ vũ của nhiều câu lạc bộ thể thao nổi tiếng tại Mỹ như Chicago White Sox, Los Angeles Dodgers, San Francisco Giants và Detroit Red Wings.
6. Paradise của Coldplay
Không phải ai cũng biết rằng Paradise ban đầu định được dành cho quán quân của cuộc thi X Factor năm 2010. Chương trình này từng yêu cầu Chris Martin viết một ca khúc để dành riêng cho người chiến thắng năm đó và đây chính là lúc Paradise được thai nghén.
Tuy nhiên, tay trống của Coldplay là Will Champion đã nhất quyết muốn đưa Paradise vào trong album Mylo Xyloto của nhóm. Kết quả của quyết định này là vô số thành tích trên các bảng xếp hạng quốc tế, giải thưởng Video nhạc rock xuất sắc của VMA năm 2012, cùng một đề cử Grammy.
7. Iris của Goo Goo Dolls
Đây là ca khúc nổi tiếng mà Johnny Rzeznik từng viết cho bộ phim tình cảm lãng mạn City of Angels hồi năm 1998. Sau đó, Iris cũng được đưa vào album thứ sáu của nhóm là Dizzy Up the Girl.
Trong phim, Iris được hát lên dưới góc nhìn của một thiên thần phải lựa chọn giữa cuộc sống bất tử và tình yêu với một con người phàm trần. Cách chuyển nhịp giữa 3/4 và 4/4 độc đáo cùng tiếng guitar đã chỉnh dây giúp Iris trở thành một trong ca khúc bất hủ của dòng nhạc alternative rock trong thập niên 1990, đem về cho Goo Goo Dolls 3 đề cử giải Grammy.
8. Ho Hey của The Lumineers
Được ca ngợi là câu trả lời của nước Mỹ tới nhóm Mumford & Sons (một ban nhạc folk rock nổi tiếng tại Anh), Ho Hey từng leo lên tới tận vị trí thứ 3 của bảng xếp hạng Billboard sau 28 tuần được phát hành.
9. Pompeii của Bastille
Nội dung của ca khúc xoay quanh đoạn hội thoại giữa hai xác người đang bị kẹt trong dòng dung nham nóng chảy về thành phố Pompeii vừa bị nhấm chìm bởi núi lửa Vesuvius. Tuy có chủ đề u ám như vậy, nhưng ca khúc Pompeii lại được khán giả ủng hộ nhiệt liệt và từng giành được đề cử giải Đĩa đơn của năm tại giải thưởng âm nhạc BRIT Awards hồi đầu năm 2014.
10. Killing in the Name của Rage Against the Machine
Đây từng là lời tuyên ngôn bất cần hướng tới các bậc phụ huynh và hệ thống giáo dục đến từ nhóm nhạc Rage Against the Machine. Được phát hành từ năm 1992, doanh thu của Killing in the Name đột ngột tăng vọt trở lại vào mùa Giáng Sinh năm 2009.
Đó là khi DJ Jon Morter phát động một chiến dịch trên Facebook, cổ vũ người dùng mua phiên bản nhạc số của Killing in the Name để ngăn chặn thí sinh thắng cuộc của chương trình truyền hình X Factor đạt được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng đĩa đơn tại Anh trong tuần lễ Giáng Sinh 5 năm liên tiếp. Chiến dịch của Jon Morter cuối cùng cũng đã thành công, cho dù bị Simon Cowell gọi là “ngu ngốc”.