Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 cảnh quay khó tin không cần đến kỹ xảo hình ảnh máy tính

Những cảnh quay biểu tượng trong “Jurassic Park”, “The Dark Knight”, “Inception” hay “Interstellar” đều không cần đến sự trợ giúp của công nghệ CGI tân tiến.

Không gian thứ tư trong Interstellar (2014): Với cảnh nhân vật chính của Matthew McConaughey lạc tới chiều không gian thứ tư, đạo diễn Christopher Nolan đưa ra một quyết định táo bạo khi không sử dụng phông xanh và dựng nên bối cảnh thực sự. Đó là một trường quay cao ba tầng, với nền là những hình ảnh đến từ máy in laser có độ phân giải cao. Cuối cùng, Matthew McConaughey trong bộ đồ phi hành gia được treo lơ lửng phía trước toàn bộ khung cảnh đậm chất nghệ thuật ấy.

Xe tải lơ lửng trong Thor: The Dark World (2013): Khi nhóm nhân vật ở Trái đất bước vào khu nhà kho bỏ hoang, họ phát hiện thấy chiếc xe tải trộn bê tông cùng nhiều đồ vật khác lơ lửng giữa không trung. Thay vì sử dụng kỹ xảo vi tính, đạo diễn Alan Taylor thuyết phục nhà sản xuất cho phép ông dùng “đồ thật”. Một hệ thống dây rợ và điều khiển từ xa phức tạp được tạo ra để giúp chiếc xe khổng lồ quay tròn khi lơ lửng.

Cảnh chiến đấu không trọng lực trong Inception (2010): Ở tầng thứ hai của giấc mơ, nhân vật của Joseph Gordon-Levitt có cảnh hành động vô tiền khoáng hậu trong không gian không trọng lực. Trường đoạn hoàn toàn được tạo dựng và bấm máy tại một nhà chứa máy bay từ thời Thế chiến thứ I. Tại đó, họ tạo ra một hành lang dài có khả năng xoay vòng 360 độ, còn các diễn viên thì được hệ thống dây rợ phức tạp trợ giúp. Joseph Gordon-Levitt và các diễn viên phải tập luyện trong khoảng hai tuần, còn đoàn làm phim mất ba tuần để quay được trường đoạn.

Batmobile đấu đầu xe chở rác trong The Dark Knight (2008): Trong một cảnh đuổi bắt giữa phim, người xem kinh ngạc khi thấy chiếc Batmobile của Người Dơi lao thẳng rồi hất tung chiếc xe chở rác do tay chân của tên Joker điều khiển. Khán giả nghi ngờ Christopher Nolan đã sử dụng kỹ xảo, nhưng thực tế, ông tạo ra cảnh quay bằng cách tạo ra mô hình nhỏ bằng 1/3 kích cỡ thật của hai chiếc xe. Sau đó, Nolan để chúng lao thẳng vào nhau ở tốc độ tối đa.

Batmobile hạ chiếc xe tải 18 bánh của Joker trong The Dark Knight (2008): Để tạo ra cao trào cho cuộc rượt đuổi giữa Người Dơi và Joker, Christopher Nolan đưa toàn bộ đoàn làm phim ra ngoài đường phố Chicago, đồng thời sử dụng một chiếc xe tải thật. Ông xin phép đóng cửa một số con đường xung quanh, đồng thời tạo ra một thiết bị pít-tông giúp cỗ xe 18 bánh bị lật tung ở thời điểm thích hợp. Công việc duy nhất của đội ngũ kỹ xảo là xóa bỏ đạo cụ đặc biệt gắn trên xe trong quá trình hậu kỳ.

Cảnh xe tải lộn nhào trong 'The Dark Knight' Trường đoạn ấn tượng được Christopher Nolan thực hiện ngoài đường phố Chicago mà không cần đến trợ giúp của kỹ xảo.

Thần Nông trong Pan’s Labyrinth (2006): Sinh vật Thần Nông bên trong mê cung bí ẩn của bộ phim do diễn viên Doug Jones thể hiện và hoàn toàn không cần đến sự trở giúp của kỹ xảo. Tạo hình kỳ dị của nhân vật khiến anh mất đến 5 tiếng trang điểm trên trường quay mỗi ngày bằng cao su bọt. Ngoài ra, cặp sừng trên đầu của Thần Nông nặng tới gần 5 kg, và Doug Jones còn phải gắn thêm nhiều chi giả trên mình.

Ký ức của Joel trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004): Trong một lần mộng mị, Joel phải trải qua nhiều ký ức ở các địa điểm và thời gian khác nhau. Nhân vật xuất hiện ở hết nơi này tới nơi khác qua những cánh cửa, trong thời gian rất ngắn với các bộ phục trang khác biệt. Muốn thực hiện trường đoạn bằng một cú quay duy nhất, đạo diễn Michel Gondry vận dụng kinh nghiệm từ sự nghiệp sân khấu, xây dựng các bối cảnh kế nhau với đường hầm bí mật kết nối. Đó đồng thời là nơi để Jim Carrey có thể mau chóng thay đổi phục trang phù hợp.

Người Hobbit trong The Lord of the Rings (2003): Dù phải sử dụng kỹ xảo trong nhiều trường đoạn, đạo diễn Peter Jackson lại muốn có được sự chân thực trong những cảnh mở đầu tại xứ sở Shire. Cái khó là người Hobbit có chiều cao khiêm tốn khi đứng bên loài người. Nhà làm phim sử dụng trẻ em làm diễn viên quần chúng. Còn đối với các nhân vật chính như Frodo, ông lợi dụng các thủ thuật về góc quay và dựng phim để tạo ra chênh lệch chiều cao. Chẳng hạn như khi Frodo và Gandalf ngồi đối diện nhau ở bàn ăn, Peter Jackson phải thực hiện cảnh quay hai lần ở hai bàn khác nhau, rồi sau đó nối ghép và cắt dựng lại.

Quả cầu lửa trong Independence Day (1996): Ở thời điểm 1996, bom tấn Ngày độc lập là một kỳ quan kỹ xảo điện ảnh. Nhưng một cảnh quay ấn tượng của bộ phim, khi người ngoài hành tinh cho nổ tung một tòa nhà cao tầng ở New York, lại hoàn toàn không có sự can thiệp của máy tính. Đạo diễn Roland Emmerich dựng nên mô hình chi tiết thành phố rồi cho nổ tung tất cả bằng pháo hoa. Đoạn băng ghi lại sau đó được làm chậm để tăng phần chân thực. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đoàn làm phim đã mất nhiều tháng cho đoạn phim ngắn ngủi ấy.

Khủng long săn mồi Raptor trong Jurassic Park (1993): Ở cảnh quay căng thẳng nhất của bom tấn khủng long năm 1993, những con Raptor khát máu thực chất là hình nộm có người điều khiển bên trong. Chuyên viên John Rosgengrant cùng đồng nghiệp phải trải qua nhiều tuần tập luyện, lấy cảm hứng từ môn trượt tuyết, rồi xuất hiện trên trường quay của Jurassic Park. Kết quả là khán giả có một phen thót tim khi hai đứa trẻ nhà Hammond chui lủi trong nhà bếp để trốn tránh lũ Raptor.

Việt Phương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm