The Blair Witch Project (1999): Bộ phim kinh dị giả tài liệu có quá trình marketing sáng tạo, nhưng đồng thời gây nhiều tranh cãi. Với nội dung kể về ba thanh niên đi tìm tung tích phù thủy Blair rồi mất tích, hãng Artisan Entertainment đưa tin giả, ngụy tạo phỏng vấn cho rằng đây là chuyện có thật, và Heather Donahue, Michael C. Williams, Joshua Williams đã mất tích hoặc qua đời. Trang IMDb của ba diễn viên thậm chí cũng ghi như vậy, và họ được yêu cầu tránh xuất hiện ở nơi công cộng khi phim trình chiếu ngoài rạp. Tại thời điểm Internet còn chưa bùng nổ, chiến dịch viral giúp The Blair Witch Project thắng lớn. Phim thu 248,6 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất chỉ khoảng 500.000 USD. |
Mission: Impossible III (2006): “Thông điệp này sẽ tự hủy” là câu thoại thường xuyên xuất hiện trong các phim Nhiệm vụ bất khả thi, và Paramount muốn lợi dụng điều này cho phần ba. Cùng công ty Allied Adversiting, hãng đặt thiết bị phát lời thoại và bản nhạc nền quen thuộc vào 4.500 máy bán báo tự động ở Los Angeles (Mỹ) trước giờ phim ra mắt. Tuy nhiên, nhiều người không tỏ ra thoải mái, thậm chí còn lầm tưởng có bom và khiến một bệnh viện phải sơ tán suốt 90 phút. Hậu quả là nhà phát hành đứng trước đơn kiện của thành phố và phải hòa giải với số tiền 75.000 USD. Paramount có thể thất bại với chiêu thức marketing này, nhưng bộ phim vẫn thu gần 400 triệu USD toàn cầu. |
Cloverfield (2008): Trước Transformers (2007), một teaser bí ẩn dài gần hai phút xuất hiện, với hình ảnh đầu tượng Nữ thần Tự do lăn lông lốc giữa thành phố New York, Mỹ. Tựa đề bộ phim thậm chí không được hé lộ, mà khán giả chỉ biết ngày khởi chiếu. Kế đó, J.J. Abrams và cộng sự thực hiện chiến dịch viral marketing sáng tạo trên mạng, tạo ra các trò chơi thực tế ảo... Đã có đồn đoán rằng đây là một phim Godzilla hoặc có liên quan tới Lost. Chỉ bốn tháng trước ngày khởi chiếu, cái tên Cloverfield mới được hé lộ. Bộ phim quái vật mang phong cách giả tài liệu đại thắng với doanh thu hơn 170 triệu USD, so với kinh phí 25 triệu USD. |
I Love You, Beth Cooper (2009): Fox tập trung quảng bá bộ phim hài - lãng mạn vào đối tượng tuổi teen sắp ra trường như nội dung tác phẩm. Trong phim, chàng học sinh tiêu biểu Denis Cooverman (Paul Rust) lợi dụng bài diễn văn tốt nghiệp để tỏ tình với Beth Cooper (Hayden Panettiere). Fox bèn thuê một học sinh tiêu biểu ngoài đời tại Los Angeles là Kenya Meija. Cô được trả 1.800 USD để tỏ tình với một bạn học, đồng thời nhắc đến tên phim trong bài diễn văn. Song, clip marketing sau 11 năm chỉ thu hút 35.000 lượt xem. Điều đó phần nào phản ánh thất bại của I Love You, Beth Cooper. Dù chỉ tiêu tốn chưa đầy 20 triệu USD để sản xuất, phim vẫn khiến Fox thua lỗ. |
Carrie (2013): Các bộ phim kinh dị rất hay áp dụng chiến lược viral marketing, và một trong số đó là phiên bản làm lại của Carrie. Năm 2013, Sony tung ra clip tại một quán cà phê, với một phụ nữ như đang dùng siêu năng lực quăng quật người đàn ông vừa làm đổ cà phê lên người mình, di chuyển ghế, lật tung đám sách, tranh trên tường, trong lúc khách hàng hoảng sợ. Video gây tò mò thu hút gần 1 triệu lượt xem trong ngày đăng tải. Song, clip quảng bá có lẽ còn thành công và ấn tượng hơn chính bộ phim. Phiên bản mới của Carrie chỉ thu khoảng 85 triệu USD và sớm chìm vào quên lãng. |
Deadpool (2016): Có cả một trang Wikipedia về chiến dịch quảng bá kéo dài nhiều tháng dành cho bộ phim xoay quanh tên lính đánh thuê mồm mép, ưa bạo lực do Ryan Reynolds thể hiện. Hàng loạt chiêu trò được Fox áp dụng, như các poster, trailer giả vờ rằng đây là phim lãng mạn (do Deadpool chiếu đúng dịp Valentine), các clip viral, cho Deadpool giao lưu với câu lạc bộ Manchester United hay Betty White… Toàn bộ chiến dịch hoành tráng đã đem lại “trái ngọt”. Tại phòng vé, bất chấp bị gắn nhãn R, Deadpool thu tới 782,6 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí sản xuất chỉ chưa đầy 60 triệu USD. |
The Emoji Movie (2017): Sony tỏ ra quyết tâm trong việc quảng bá bộ phim hoạt hình về những emoticon trong các phần mềm chat. Sau màn nhảy dù có phần lố bịch của T.J. Miller ở Liên hoan phim Cannes 2017, hãng tạo ra một số poster giễu nhại các tác phẩm nổi tiếng, trong đó có The Handmaid’s Tale. Nước cờ bị lên án bởi đây là series dành cho người lớn, có nội dung liên quan tới chuyện cưỡng hiếp và thù ghét phụ nữ. Bị báo chí chê bai đủ đường và sau đó nhận bốn giải Mâm xôi vàng, The Emoji Movie thực tế giúp Sony giành chiến thắng với doanh thu 217,8 triệu USD, so với kinh phí 50 triệu USD ban đầu. |
Gotti (2018): Bộ phim Gotti bị báo chí chê bai không thương tiếc với điểm 0% tròn trĩnh trên Rotten Tomatoes. Tuy nhiên, hãng MoviePass Ventures lại lợi dụng điều này để quảng bá bộ phim, với lời đề tựa “khán giả yêu Gotti, giới phê bình đã trù dập một cú hit”. Thậm chí, MoviePass bị cáo buộc là đã tạo ra nhiều tài khoản giả trên Rotten Tomatoes để tăng điểm khán giả bầu chọn cho bộ phim. Nhưng sau cùng, công chúng đồng thuận với báo chí. Gotti chỉ thu hơn 6 triệu USD, tức không bằng kinh phí sản xuất 10 triệu USD, đồng thời nhận 6 đề cử Mâm xôi vàng. |
Child’s Play (2019): Bộ phim mới về búp bê ma Chucky khởi chiếu cùng ngày Toy Story 4, và hãng United Artists quyết định tung ra loạt poster giễu nhại táo bạo. Trong đó, Chucky sát hại các nhân vật của Câu chuyện đồ chơi, như Rex bị thiêu bởi bật lửa, Buzz bị bắn bởi súng laze, hay Slinky bị chiên giòn… Chưa hết, do Annabelle Comes Home khởi chiếu sau đó năm ngày, Child’s Play còn có một tấm poster cho thấy Chucky đã ra tay hạ sát “đồng nghiệp” Annabelle. Bộ phim cuối cùng thu khoảng 45 triệu USD, tức gấp bốn lần kinh phí sản xuất. United Artists cũng không bị Disney hay Warner Bros. phàn nàn gì về loạt poster giễu nhại. |
Tenet (2020): Giữa bối cảnh dịch Covid-19, Warner Bros. cùng Christopher Nolan vẫn quyết đưa Tenet ra rạp hồi cuối mùa hè. Nhà phát hành nhấn mạnh dòng chữ “chỉ có tại các rạp chiếu phim” trên các poster, trailer, clip hậu trường… Một bộ phận công chúng tại Mỹ tỏ ra không hài lòng. Họ cho rằng thay vì nâng cao ý thức người dân, Warner Bros. lại gián tiếp đẩy công chúng đến nguy cơ mắc bệnh. Trên thực tế, nhiều rạp chiếu phim ở Mỹ đến giờ còn chưa mở cửa trở lại, và Tenet mới thu hơn 300 triệu USD toàn cầu. Đây là con số không hề khả quan nếu so với kinh phí sản xuất hơn 200 triệu USD của bộ phim. |