Phụ huynh luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp, mong chúng trở thành người có ích. Tuy nhiên, không phải ai cũng có phương pháp nuôi dạy con đúng đắn.
1. Tâng bốc quá mức: Con cái là cả thế giới của cha mẹ, tiếp thêm động lực và niềm vui mỗi ngày. Bạn muốn trẻ hiểu và nói cho chúng biết điều đó. Khi cha mẹ khen ngợi và nhấn mạnh tầm quan trọng của trẻ, chúng sẽ tự tin về bản thân hơn. Tuy nhiên, nếu khen và tâng bốc con quá mức, trẻ sẽ trở nên kiêu ngạo, cho rằng bản thân quan trọng nhất. Vì thế, thay vì nói với con những lời có cánh, hãy dạy chúng cách biết yêu quý bản thân, tôn trọng người xung quanh và khiêm tốn, tốt bụng. Ảnh: Pocono Record.
2. Lảng tránh những vấn đề nhạy cảm: Một số bậc phụ huynh có xu hướng bỏ qua việc thảo luận về chủ đề giáo dục giới tính cho con cái. Họ cho rằng mình không đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng để đề cập vấn đề khó nói như vậy. Nhiều người để mặc và hy vọng trẻ tự tìm hiểu vấn đề này từ trường và bạn bè. Các nhà khoa học khẳng định đây là hành động thiếu trách nhiệm của phụ huynh. Cha mẹ nên định hướng, giải thích về quan hệ tình dục an toàn và giúp con em tránh khỏi các sự cố ngoài ý muốn. Ảnh: Gwen.
3. Dọa dẫm: Nhiều người lớn cố tỏ ra hung dữ để trẻ sợ, hoặc dọa ma, "ngáo ộp". Các nhà khoa học cho biết khi sợ hãi, trẻ không thể suy nghĩ về hành vi của mình. Chúng sẽ càng bị ám ảnh bởi những thứ người lớn đưa ra đe dọa, như cảnh sát, bác sĩ… Lâu dài, trẻ hình thành thói quen xử lý thông tin gây sợ hãi, khiến chúng càng sợ hơn trước. Tốt nhất, phụ huynh nên dùng phương pháp khác thay vì đe đọa. Ảnh: Binoki.
4. Trở thành tấm gương xấu: Câu nói “Gieo gì gặt nấy” phản ánh đúng nhất mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Những gì trẻ tiếp thu từ bố mẹ nhiều hơn những điều chúng học từ người xung quanh. Nếu trẻ có những hành vi xấu, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là tự nhìn lại bản thân. Xã hội không phải nguồn tác động chính đến hành vi của trẻ. Trường học, bạn bè có thể có ích trong quá trình phát triển bản thân. Đồng thời, đó cũng là môi trường giúp trẻ củng cố những điều chúng đã được học ở nhà. Ảnh: Pinterest.
5. Kỳ vọng quá cao: Ai cũng muốn con mình trở thành thành công. Tuy nhiên, nhiều người lại kỳ vọng quá cao và đặt ra cho chúng những mục tiêu thiếu thực tế. Sự kỳ vọng là con dao hai lưỡi. Nó giúp trẻ phấn đấu nhiều hơn, nhưng cũng có thể khiến chúng áp lực, căng thẳng. Ryan Hong, nhà khoa học của Đại học Quốc gia Singapore, giải thích: “Trẻ em trở nên sợ hãi khi phạm phải sai lầm, trong khi bố mẹ muốn chúng phải thực hiện mọi thứ thật hoàn hảo. Hãy dành thời gian và suy nghĩ xem liệu bạn có đang đốc thúc con cái nhiều hơn mức cần thiết hay không”. Ảnh: Checkin.
6. Lớn tiếng, la hét: La hét là cách hiệu quả để giải tỏa cảm xúc. Tuy nhiên, hành động này không phù hợp với nuôi dạy con trẻ. Thử tưởng tượng, con đang phạm lỗi, bạn yêu cầu chúng tiết chế. Một lần, hai lần, bạn nổi khùng lên. Đã bao giờ bạn tự hỏi cư xử như vậy, hậu quả để lại sẽ nghiêm trọng đến mức nào? Lớn tiếng quát mắng có thể khiến hành vi của con trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí, trẻ có thể bị trầm cảm bởi những lời nói gây sát thương của người lớn. Thay vì liên tục la hét, trách mắng, phụ huynh nên nhẹ nhàng nói chuyện cùng con, chỉ cho chúng thấy lỗi sai và đưa ra lời khuyên phù hợp. Ảnh: Educenter.
7. Không nhất quán: Hôm nay, bố mẹ yêu cầu trẻ phải tự dọn đồ chơi, hôm sau, bạn lại tự dọn dẹp mà không nói lời nào. Hôm nay, bạn nổi cáu vì một trò đùa vô hại của con cái. Hôm sau, bạn lại vui vẻ để mặc trẻ làm mọi điều chúng thích mà không cằn nhằn một câu. Liệu một ông bố, bà mẹ luôn mâu thuẫn trong lời nói và hành động có thể trở thành tấm gương tốt cho con mình hay không? Thiếu nhất quán có thể tác động đến lòng tự trọng, gây tổn thương và trầm cảm. Vì thế, phụ huynh nên đặt ra những quy tắc và giới hạn, giúp trẻ hiểu những gì sắp xảy ra và học cách xử lý tình huống đó. Ảnh: Stocky.
8. Hay so sánh: Nhiều đứa trẻ bị ám ảnh bởi nhân vật bí ẩn mang tên “con nhà người ta” thường xuất hiện trong những lời trách mắng của bố mẹ. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn chỉ đích danh những đứa trẻ được cho là ngoan ngoãn, học giỏi để làm gương, hy vọng con mình sẽ học hỏi và noi theo. Việc so sánh với “con nhà người ta” đôi khi sẽ phản tác dụng, nó có thể hạ thấp lòng tự trọng và giá trị của con. Nó cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, bởi chúng cảm thấy thiếu an toàn và mất niềm tin. Thay vì chỉ trích và so sánh, cha mẹ hãy tập trung làm rõ vấn đề và tìm cách giúp trẻ khắc phục. Ảnh: Fastcash.
9. Trách phạt bằng đòn roi: Nhiều người cho rằng đòn roi là cách dạy dỗ hiệu quả, có tính kỷ luật nhất. Không ít phụ huynh không những đồng ý, mà còn tích cực áp dụng phương pháp này. Một cuộc khảo sát năm 2012 cho thấy 94% bậc làm cha làm mẹ thường xuyên đánh con. Phương pháp này có thể dẫn đến nhiều hậu quả không ngờ. Việc lạm dụng đòn roi với con trẻ có thể khiến chúng có hành vi chống đối, rối loạn tâm lý, thậm chí là sa vào con đường nghiện ngập. Ngoài ra, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn có nguy cơ mắc bệnh. Ảnh: Culming.
10. Kiểm soát con cái quá nhiều: “Phụ huynh trực thăng” là khái niệm chỉ các ông bố, bà mẹ lúc nào cũng theo sát con mình. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho rằng bố mẹ kiểm soát con quá mức sẽ khiến trẻ không thể học cách quản lý cảm xúc của mình, không có không gian để phát triển. Trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về khả năng thích nghi với xã hội, kết bạn hay phân tích hành vi. Phụ huynh cần thận trọng hơn với nhu cầu của con em mình. Nếu thấy trẻ có khả năng tự xử lý tình huống, đừng nhúng tay vào, hãy để chúng tự thực hiện. Bạn có thể hướng dẫn con cách vượt qua thời điểm khó khăn, nhưng đừng quá cứng nhắc và áp đặt. Người lớn nên tâm sự với trẻ nhiều hơn về những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, đồng thời, hãy chia sẻ với chúng một số cách đối phó với những căng thẳng gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: North Coast Courier.
Nhiều vụ giáo viên dâm ô học sinh xảy ra cho thấy cha mẹ cần dạy con những nguyên tắc tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại từ chính những người gần gũi nhất.