Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 khoảnh khắc gây sốc khiến người xem truyền hình giận dữ

Cùng Zing.vn điểm lại 10 sự kiện gây sốc từng gây tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí kể từ khi các chương trình truyền hình thực tế được khai sinh.

Các chương trình truyền hình thực tế bắt đầu ra mắt từ năm 1992 với The Real World và sau đó tiếp tục gặt hái thành công với những Survivor hay Big Brother. Bởi nhiều lý do cũng như tính chất thực tế mà dòng chương trình này vấp phải không ít chỉ trích đến từ dư luận.

Bản thân giới phê bình không ngừng đặt nghi vấn xem việc sử dụng thuật ngữ “thực tế” có còn hợp lý hay không, khi mà những gì khán giả được xem trên truyền hình đã được dựng lại có chủ đích, hoặc sắp xếp trước khi lên hình, và những thí sinh thì được dặn phải nói gì hay làm gì trước khi bấm máy. Không ít lần, các chương trình thực tế trên toàn thế giới gây sốc với người hâm mộ qua những vụ bạo hành, những lời nói dối trắng trợn, tai nạn nghiêm trọng, hoặc cũng có thể là những giây phút cảm động vô cùng.

 

Chương trình The Surreal Life tập hợp một nhóm những ngôi sao hết thời đến chung sống tại một ngôi biệt thự ở vùng Hollywood Hills. Một trong những tập đáng nhớ và gây khó chịu cho khán giả của chương trình này thuộc mùa thứ tư.

Trong tập đó, Verne Troyer, nam diễn viên cao vỏn vẹn 0,8 mét từng xuất hiện trong loạt phim Austin Powers, uống say bí tỉ trước khi cởi hết toàn bộ quần áo, đi quanh bằng một chiếc xe đẩy chân trong tình trạng khỏa thân, tiểu tiện bừa bãi trong phòng tập thể hình rồi cuối cùng ngất xỉu.


Australia’s Next Top Model, cuộc thi tìm kiếm người mẫu nước Úc giống như nhiều anh chị em của nó tại các quốc gia khác khi từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều gay gắt trong suốt quá trình diễn ra. Tuy nhiên, đỉnh điểm chính là buổi phát sóng trực tiếp tập chung kết của mùa thứ 6.

Sau khi lượng phiếu bình chọn được kiểm kê, người dẫn chương trình Sarah Murdoch thông báo thí sinh Kelsey Martinovich đã trở thành quán quân và đạt được giải thưởng cao nhất của chương trình. Nhưng trớ trêu thay, người dẫn chương trình lập tức nhận ra rằng mình đã thông báo sai thông tin. Thi sinh còn lại Amanda Ware mới là quán quân đích thực của Australia’s Next Top Model năm đó.


Toddlers & Tiaras là một chương trình thực tế của Mỹ xoay quanh cuộc sống của những thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp dành cho thiếu nhi và người thân của các bé.

Những cuộc thi kiểu này nổi tiếng là gây lệch lạc, nhưng một bà mẹ đã đi quá xa khi cho đứa con gái mới 3 tuổi ăn mặc như nhân vật của Julia Roberts trong bộ phim Pretty Woman. Tức là một gái điếm lạm dụng ma túy, với tóc giả vàng, chiếc áo ngắn cũn cỡn, váy juyp bó sát và kinh hoàng nhất là một đôi bốt làm bằng nhựa PVC cao đến đùi. Thế nhưng phản ứng dữ dội từ công chúng sau khi chương trình được phát sóng lại không khiến người mẹ lung lay. Cô ta biện minh cho hành động của bản thân bằng cách cho rằng chuyện đó thật ngộ nghĩnh và giúp con gái mình thu hút được nhiều hơn sự chú ý.

 

Jersey Shore gây rất nhiều sóng gió bởi những quan niệm cổ hủ về chủng tộc, cũng như nhiều lần sử dụng từ ngữ miệt thị. Tuy vậy, chương trình chỉ thực sự gây bão khi Nicole “Snooki” Polizzi, một nhân vật phụ của chương trình có phần hư hỏng và ngu ngốc, lãnh trọn một cú đấm vào mặt trong quán bar sau khi cô này cáo buộc một người khác ăn trộm đồ uống của cô. Cú đấm ấy mạnh đến nỗi đầu Snooki bật ngửa ra phía sau trước khi cả người cô rơi khỏi ghế. Sau vụ việc này, người tung đòn là Brad Ferro, một HLV thể hình, bị đuổi việc.

 

Chuyện Tyra Banks cư xử và suy nghĩ không được bình thường không phải là một điều quá bí mật. Nhưng chẳng ai ngờ được cơn thịnh nộ mà cô tung ra trong mùa thứ tư của American’s Next Top Model.

Sau khi loại kép hai thí sinh Rebecca và Tiffany rồi chứng kiến Tiffany phát biểu vô tư, cười đùa khi ôm tạm biệt những thí sinh còn lại, Tyra Banks cho rằng cô gái trẻ không coi trọng cuộc thi và bắt đầu kích động la hét: “Im đi Tiffany! Câm miệng! Dừng lại ngay! Tôi đã ủng hộ cho em, tất cả chúng tôi đều ủng hộ em! Sao em lại dám như thế hả!”

 

Loạt chương trình Celebrity Big Brother năm 2007 gây nên một cuộc tranh cãi có quy mô toàn cầu, khi Jade Goody, người mẫu Danielle Lloyd và thành viên ban nhạc S Club 7 là Jo O’Meara cùng nhau hùa vào bắt nạt và phân biệt chủng tộc với nữ diễn viên Shilpa Shetty đến từ Bollywood.

Goody nhắc đến Shetty bằng những cái tên xuyên tạc tục tĩu từ tên cô, O’Meara chế nhạo giọng điệu của Shetty, kết luận rằng người Ấn Độ gầy gò là do họ không nấu chín thức ăn nên lúc nào cũng mang bệnh. Còn Lloyd thì bình phẩm rằng Shetty thậm chí còn chẳng nói được tiếng Anh cho ra hồn, kèm theo tuyên bố rằng cô không thích nữ diễn viên người Ấn đụng vào đồ ăn của cô.

Hậu quả là chương trình phải hứng chịu hơn 44.500 lời phàn nàn từ các kênh tương tác chính thức, trước khi nhiều nhà tài trợ cho Big Brother rút lui không hỗ trợ cho chương trình nữa.


Chương trình trò chơi thực tế của Mỹ mang tên Fear Factor có nội dung thách thức thí sinh hoàn thành ba thử thách nguy hiểm nhằm đạt giải thưởng lớn trị giá 50.000 USD. Thường thì chương trình này được dàn dựng sao cho cả thí sinh lẫn khán giả đều phải cảm thấy ghê tởm.

Tuy nhiên, trong một tập dự kiến phát sóng, sự kinh dị được nâng lên một tầm cao mới khi các thí sinh phải chấp nhận uống nhiều lít nước tiểu và tinh dịch của lừa. Dù được lên kế hoạch phát sóng vào tháng 1/2012 nhưng đài NBC quyết định hủy bỏ tập chương trình này vào phút chót. Sau này, nó vẫn được trình chiếu trên truyền hình Đan Mạch và trôi nổi trên YouTube.

 

Khi Susan Boyle lần đầu tiên bước lên sân khấu của chương trình Britain’s Got Talent năm 2009, nhiều khán giả trong thính phòng đảo mắt khinh thường và cười cợt, trong khi giám khảo Simon Cowell trao đổi với bà bằng một thái độ kẻ cả và chế giễu. Đơn giản thôi, Susan Boyle là một phụ nữ trung niên không chải chuốt, lúng túng khi bị hỏi về quê quán và trả lời với giọng “quê một cục”.

Khi ấy, không mấy ai hy vọng vào khả năng thanh nhạc của bà… cho đến khi Susan Boyle thể hiện ca khúc I Dreamed a Dream từ vở nhạc kịch Những người cùng khổ. Giọng hát ấy chinh phục tất cả, khiến nhiều người phải nhìn lại về bản thân và những định kiến của họ. Cho dù không thể giành chiến thắng năm đó, sự nghiệp của Susan Boyle vụt sáng sau cuộc thi. Album phòng thu đầu tay của bà mang tựa đề I Dreamed a Dream trở thành CD đứng đầu bảng xếp hạng album Billboard 200 năm 2010.

 

Nhà Kardashian của cô Kim “siêu vòng ba” được thế giới biết đến nhờ ý thích chia sẻ cuộc sống của gia đình với toàn bộ công chúng, chủ yếu thông qua chương trình truyền hình thực tế của họ mang tên Keeping Up with the Kardashians. Rõ ràng là kênh E! không giới hạn những gì họ cho phát sóng về gia đình rắc rối này.

Họ đã cho phép máy quay ghi lại cảnh Kourtney Kardashian kéo chính đứa con của cô ra khỏi vùng nhạy cảm trong lúc lầm bồn khi cả gia đình đều có mặt tại đó để chào đón bé Penelope Scotland. Một giây phút đáng nhớ của nhà Karrdashian nhưng lại là một khoảnh khắc đáng quên đối với nhiều khán giả truyền hình.

 

Chương trình Big Brother phiên bản Úc chiếm lĩnh nhiều trang đầu của báo giới trong năm 2006 sau khi hai thí sinh Michael Cox (20 tuổi) và Michael Bric (22 tuổi) quyết định chơi đểu cô bạn cùng nhà Camilla Severi giữa đêm khuya.

Hai người này gọi Severi đến giường của họ rồi Cox rút dương vật ra khỏi quần, chà xát lên khuôn mặt cô gái trong khi Bric giữ chặt nạn nhân. Sau đó, họ lập tức bị đuổi khỏi căn nhà chung, hứng chịu bão dư luận và nhận được những lời dọa giết. Thậm chí thủ tướng Úc khi đó là John Howard cũng phải lên tiếng chỉ trích Big Brother, kêu gọi “chương trình ngu xuẩn” nọ cần phải dừng phát sóng.

 

Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm