10 năm động đất Tứ Xuyên: Những vết thương đã bắt đầu lành
Thứ năm, 26/4/2018 11:32 (GMT+7)
11:32 26/4/2018
Mười năm kể từ trận đại địa chấn cướp đi sinh mạng của 70.000 người, vùng đất chấn tâm Bắc Xuyên đã hồi sinh ngay bên cạnh những đống đổ nát nay trở thành bảo tàng ngoài trời.
Một thập kỷ sau trận động đất làm rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc và khiến khoảng 70.000 người thiệt mạng, những vết thương nay đã bắt đầu lành.
Ngoài huyện Mân Xuyên thuộc châu tự trị A Bá, trận động đất 7,9 độ xảy ra vào ngày 12/5/2008 gây ra sự tàn phá chết chóc nhất xung quanh chấn tâm nằm ở huyện Bắc Xuyên (ảnh) thuộc địa cấp thị Miên Dương.
Nhiều ngôi nhà bị sập vì địa chấn vẫn bị nằm dưới đất và bao phủ bởi những bụi cây, cỏ dại, theo Reuters.
Trong những ngôi nhà trụ vững, nay trở thành một bảo tàng ngoài trời để tưởng nhớ các nạn nhân, những tấm hình cưới vẫn còn treo trên tường. Người ta dựng những tấm biển bằng các thứ tiếng Trung, Anh, Nhật, Hàn, Pháp, yêu cầu khách tham quan cẩn thận ở nơi họ đi qua để người quá cố được yên nghỉ.
Những phòng học vẫn là đống đổ nát, sách vở trên bàn mục nát và chuyển thành màu đen.
Ông Chen Mingyou, 73 tuổi, sống sót trong trận đại địa chấn nhưng con gái và con rể ông thiệt mạng.
Ngôi nhà mới được xây ngay bên cạnh nhưng ông Chen muốn ở trong ngôi nhà cũ (ảnh) mà ông nói đã được sửa sang để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. "Tôi đã quen với nhà cũ. Tôi chỉ sang nhà mới khi con trai và cháu nội về thăm", ông nói.
Những câu chuyện thương tâm nhất trong trận động đất 2008 đến từ những ngôi trường bị sập, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ em.
Zheng Haiyang, năm nay 27 tuổi, mất đi hai chân sau khi bị chôn vùi tại trường Trung học Cơ cở Bắc Xuyên (ảnh) suốt hơn 22 giờ.
"Tôi vẫn cảm thấy đau buồn khi nghĩ về ngày hôm đó, nhưng giờ tôi đã đỡ hơn nhiều. Nhiều người và tổ chức đã giúp đỡ tôi sau trận động đất", anh Zheng (ngồi xe lăn) nói. Giờ anh làm việc cho một công ty Internet ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi chuyên cung cấp các nền tảng để trợ giúp người tàn tật.
Nhiều người sống sót khác nhớ lại giây phút họ thoát chết trong gang tấc trong ngày định mệnh. Bà Liu Guizhen (ảnh), 95 tuổi, và người chồng 106 tuổi Wang Guanneng đều sống sót trong trận động đất giết chết con trai nuôi và con dâu của hai người.
Bà Liu kể khi động đất xảy ra, bà đang làm việc ngoài đồng. Một tảng đá bay lướt qua đầu bà nhưng bà không bị thương. Hiện tại, bà kiếm sống bằng việc bán trứng cho khách du lịch.
Chính quyền địa phương đang hỗ trợ cho người dân làm du lịch, kinh doanh các hoạt động giải trí sau trận động đất. Nhiều người sống sót đã biến ngôi nhà mới xây của họ thành các nhà nghỉ.
Tứ Xuyên hiện vẫn là nơi các hoạt động địa chấn diễn ra mạnh mẽ. Hồi tháng 8 năm ngoái, một trận động đất mạnh 7 độ làm rung chuyển Cửu Trại Câu, địa điểm du lịch nổi tiếng, làm 20 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Đằng sau thảm họa ngày 11/3/2011 gây nhiều thương vong nhất cho Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới là những câu chuyện chống chọi với sóng thần và nỗi đau tìm kiếm người thân.
Sự nhanh nhẹn của vài em nhỏ đã tạo ra “phép màu Kamaishi”, cứu mạng sống cả một trường. Phút do dự đã gây hậu quả chết người ở Okawa trong một bi kịch được cả nước Nhật biết đến.