Cảm giác tội lỗi trong kỳ nghỉ lễ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhiều người áy náy vì không thể sắp xếp công việc, tận hưởng trọn vẹn Tết Nguyên đán cùng gia đình. Một số lại gặp khó khăn tài chính, không thể tặng người thân những món quà có giá trị. Nhìn chung, cảm giác tội lỗi này thường ảnh hưởng xấu đến tâm trạng, chi phối các hoạt động trong mùa lễ hội. |
Tết Âm lịch đến kéo theo những áp lực vô hình. Đây là thời điểm cho hàng loạt hoạt động như thăm hỏi họ hàng, tặng quà cáp, chuẩn bị những bữa ăn cho gia đình, bạn bè. Những trách nhiệm này khiến nhiều người chán nản, phát sinh tâm lý “sợ Tết”. Đặc biệt, những người khó nói lời từ chối càng hoang mang khi liên tục bị kéo vào cuộc gặp gỡ không cần thiết, bị ép buộc thực hiện những nghĩa vụ nặng nề. |
Cô đơn là trạng thái của những người sống xa người thân, có gia đình ly tán hay bận rộn công việc không thể về nhà. Không khí lễ hội trên đường phố, trong các trung tâm thương mại khiến họ cảm thấy tủi thân, chạnh lòng. Cảm giác cô đơn này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, cần biện pháp khắc phục. |
Sự hoài niệm trong kỳ nghỉ lễ thường phát sinh từ những trải nghiệm hạnh phúc hoặc khổ đau trong quá khứ. Nhiều người nhớ về khoảng thời gian tươi đẹp trước khi những biến cố trong cuộc sống xảy ra. Một số khác lại ám ảnh với những kỷ niệm đáng quên trong các mùa lễ hội trước. Đây là cảm xúc tiêu cực khiến nhiều người không thể đón Tết trọn vẹn. |
Sợ thêm tuổi là nỗi ám ảnh chung của nhiều người mỗi dịp Tết đến xuân về. Khi năm mới đến, một số lo sợ việc già đi, thêm một tuổi mới. Họ hoang mang khi thấy thời gian trôi qua nhanh chóng. Cảm giác này xuất phát từ việc nhìn lại những ước mơ dang dở, những mong muốn chưa thể thực hiện. |
Áp lực xã hội là nỗi ám ảnh với nhiều người trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Những buổi tụ tập, gặp gỡ ngốn năng lượng của nhiều người. Đối với những người hướng nội, đây là một thử thách với tâm lý, sức khỏe tinh thần của họ. Thậm chí, những cá nhân hướng ngoại cũng thường xuyên cảm thấy kiệt sức sau khi tham gia các sự kiện, cuộc gặp đông đúc. |
Cảm giác bị bỏ rơi khiến nhiều người cảm thấy lo sợ, chật vật vượt qua kỳ nghỉ lễ. Hình ảnh về những bữa ăn đoàn viên, những khoảnh khắc sum vầy trên mạng xã hội khiến nhiều người đặt kỳ vọng cao vào mùa lễ hội. Tuy nhiên, một số không thể có những khoảnh khắc như họ mong đợi do bị các thành viên trong gia đình lạnh nhạt, bị một nhóm bạn cô lập. Điều này thường diễn ra một cách rõ rệt trong dịp hội ngộ, gặp gỡ. |
Sự mất mát là nguyên nhân khiến nhiều người không thể tận hưởng mùa lễ hội một cách trọn vẹn. Mất việc, chia tay người yêu hay mất đi những người bạn thân thiết có thể khiến một số cảm thấy trống vắng trong dịp Tết Nguyên đán. Sự mất mát xảy ra đột ngột trước kỳ nghỉ lễ là nguyên nhân dẫn đến tâm trạng buồn bã trong dịp này. |
Áp lực tài chính cũng là lý do khiến một số người “mất ăn mất ngủ” trong dịp lễ Tết. Mùa lễ hội đòi hỏi những khoản chi lớn liên quan đến quà cáp, mua sắm và du lịch. Đối với những cá nhân gặp khó khăn về tài chính, không có thưởng Tết, những khoản chi tiêu phát sinh này khiến họ phải đau đầu tìm cách cân đối, tránh rơi vào tình trạng rỗng túi khi bước vào năm mới. |
Bỏ bê sức khỏe thể chất cũng có khả năng tác động xấu đến sức khỏe tinh thần. Trong mùa lễ hội, nhiều người nới lỏng chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sinh hoạt. Việc ngừng tập thể dục, tiêu thụ nhiều rượu bia, đồ ăn chiên rán, đồ ngọt khiến cơ thể trở nên nặng nề, mất cân bằng. Cảm giác hối hận sẽ đến ngay sau đó, khiến nhiều người vội vàng tìm cách sửa chữa sai lầm trước khi trở lại với guồng quay công việc. |
Để giải quyết 10 nguyên nhân dẫn đến sự buồn bã trong Tết Âm lịch, bạn cần chấp nhận, thẳng thắn đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, hạ thấp kỳ vọng về một kỳ nghỉ lễ hoàn hảo và dành nhiều thời gian cho bản thân hơn. Việc từ chối một số buổi gặp không cần thiết là điều nên làm, theo Psychology Today. |
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.