Mysterio (Jake Gyllenhaal): Jake Gyllenhaal thêm một lần nữa chứng tỏ khả năng diễn xuất qua Spider-Man: Far from Home (2019). Nửa đầu phim, đây tỏ ra là “Iron Man tiếp theo”, nhưng chiếc mặt nạ của gã dần rơi xuống ở nửa sau tác phẩm. Vai diễn phản diện/ngụy anh hùng đem đến nhiều cảm xúc cho người xem. Kể cả khi đã bỏ mạng, Quentin Beck vẫn khiến Peter Parker (Tom Holland) điêu đứng. Bộ phim Far from Home có cái kết mở thú vị chính là nhờ sự tinh quái của Mysterio. |
Erik “Killmonger” Stevens (Michael B. Jordan): Một điểm quan trọng giúp Black Panther (2018) trở nên đáng nhớ chính là nhân vật phản diện Killmonger. Đối lập với T’Challa (Chadwick Boseman), đứa con rơi của hoàng tộc Wakanda có lý do chính đáng cho những hành động của mình. Killmonger tin vào cách thức của bản thân trong việc đưa vương quốc Wakanda bước ra “ánh sáng”, dù nó bạo lực. Bởi vậy, nhiều người từng so sánh T’Challa với Erik Stevens giống như Martin Luther King với Malcolm X ngoài đời thực. Cũng chính cái chết dành cho nhân vật ở cuối phim càng khiến người xem nhớ tới Killmonger và tiếc nuối cho gã. |
Hela (Cate Blanchett): Cate Blanchett là sự bổ sung thực sự ấn tượng dành cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Hela do chị thể hiện gây ấn tượng từ ngoại hình cho tới hành động, nhất là trong cảnh dùng tay không bóp nát búa thần của Thor (Chris Hemsworth) và đẩy hai cậu em trai vào phen dở sống dở chết. Nhưng nhân vật sớm bị khai tử ngay cuối Thor: Ragnarok (2017) và khó còn có thể quay lại, bất chấp nhiều tin đồn suốt ba năm qua. |
Liz Toomes (Laura Harrier): Adrian Toomes (Michael Keaton) chuẩn bị tái xuất trong Morbius, nhưng con gái gã thì không. Cô gái là người trong mộng một thuở của Peter Parker khi Người Nhện chưa biết bố của Liz chính là tên Vulture. Liz xinh đẹp, thông minh và là mối tình đầu ngọt ngào của Peter. Nhưng số phận éo le đã khiến hai người không thể đến bên nhau. Cuối Spider-Man: Homecoming (2017), cô bé cùng mẹ đã chuyển tới Oregon. |
Ego (Kurt Russell): Sau nhiều tình tiết úp mở ở phần đầu, Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017) chính thức giới thiệu Ego - cha của Star-Lord (Chris Pratt). Tuy nhiên, kế sau phần mào đầu ấn tượng, nhân vật dần trở thành gã phản diện một chiều và bị nhóm Vệ binh dải ngân hà đánh bại. Ở nguyên tác, Ego là một trong những nhân vật mạnh nhất vũ trụ và độc giả truyện tranh có quyền mong đợi nhiều hơn ở phiên bản điện ảnh của “hành tinh sống”. |
Christine Palmer (Rachel McAdams): Thông tin bác sĩ Christine Palmer không trở lại ở Doctor Strange: In the Multiverse of Madness (2022) đã được xác nhận. Theo đó, khán giả sẽ không có cơ hội gặp lại bạn gái cũ của Stephen Strange (Benedict Cumberbatch). Cô từng đóng vai trò cần thiết trong quá trình phát triển tính cách nhân vật thầy phù thủy quyền năng. Sẽ rất thú vị nếu Christine Palmer có dịp quay lại trong tương lai và được khai thác sâu hơn, như Marvel Studios chuẩn bị thực hiện với Jane Foster (Natalie Portman) ở Thor: Love and Thunder (2022). |
Quicksilver (Aaron Taylor-Johnson): Khi Avengers: Age of Ultron (2015) ra mắt, Marvel Studios chưa nắm trong tay bản quyền X-Men nên Quicksilver không được gọi là dị nhân, đồng thời không phải là con trai Magneto như trong nguyên tác truyện tranh. Cái chết dành cho nhân vật ở cuối bom tấn là điều cần thiết để thúc đẩy chuyến hành trình phát triển tính cách của Wanda Maximoff/Scarlet Witch (Elizabeth Olsen). Song, nhiều người không khỏi tiếc nuối khi Quicksilver của MCU ra đi quá sớm, nhất là khi nhân vật do một diễn viên tài năng như Aaron Taylor-Johnson đảm nhận. |
Abraham Erskine (Stanley Tucci): Nếu không có Tiến sĩ Erskine, Captain America (Chris Evans) đã không ra đời. Đây là người bào chế ra thứ huyết thanh biến Steve Rogers thành siêu chiến binh, đồng thời dạy cho cậu thanh niên gầy gò những bài học trân quý về cái thiện, sức mạnh và ý nghĩa cuộc sống. Erskine sớm bỏ mạng trong Captain America: The First Avengers (2011), nhưng sức ảnh hưởng của ông đối với nhân vật thì vẫn còn mãi. |
Justin Hammer (Sam Rockwell): Nhân vật Justin Hammer là điểm sáng hiếm hoi trong Iron Man 2 (2010). Gã phản diện do Sam Rockwell thể hiện có nhiều sự thay đổi thuyết phục nếu so với phiên bản truyện tranh. Justin Hammer tinh ranh, lọc lõi và giống như phiên bản đối lập của Tony Stark (Robert Downey Jr.), thay vì chỉ là một gã doanh nhân khiến Người Sắt gai mắt suốt nhiều năm. Nhân vật giúp khán giả hiểu rõ những ai ghét bỏ Tony Stark sẽ nhìn nhận Iron Man ra sao. Cuối phim, Justin Hammer bị bắt và nhân vật sau này chỉ còn thoáng xuất hiện trong bộ phim ngắn All Hail the King (2014). |
Ho Yinsen (Shaun Toub): Ho Yinsen là nhân vật đã gián tiếp tạo nên Iron Man. Bị giam chung với Tony Stark ở bộ phim năm 2008, ông đã cùng nhân vật chính tạo nên bộ giáp sắt đầu tiên. Yinsen không thể trốn thoát, nhưng ông bình thản chấp nhận cái kết bi kịch vì cho rằng mình nay có thể đoàn tụ với gia đình. Chính Ho Yinsen đã khiến Tony Stark bớt ích kỷ hơn và trở thành siêu anh hùng với câu thoại: “Đừng phung phí cuộc đời cậu”. Sau này, nhân vật chỉ còn thoáng xuất hiện trong Iron Man 3 (2013) với tư cách khách mời (cameo) ở một phân cảnh quá khứ. |