Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 phim cải biên ‘Tây Du Ký’ làm khán giả choáng váng

Tác phẩm kinh điển “Tây Du Ký” từng được các nhà làm phim nhiều lần biến hóa mạnh tay trên màn ảnh, đem đến cả sự thích thú lẫn tranh cãi cho khán giả.

‘Tây Du Ký hậu truyện’ - Phim hài tạp kỹ còn thiếu sót

Được phóng tác từ tác phẩm “Tây Du Ký” của Trung Hoa, “Tây Du Ký hậu truyện” của điện ảnh Việt tập trung gây cười nhưng lại không có được một cốt truyện chỉn chu, thuyết phục.

Đại thoại Tây Du: Nguyệt quang bảo hợp (1995): Đại thoại Tây Du là bộ phim đình đám với Châu Tinh Trì thủ vai chính hồi năm 1995, giúp anh khẳng định tên tuổi trong làng phim ảnh Hoa ngữ. Phim xoay quanh nhân vật Chí Tôn Bảo, hậu thân của Tôn Ngộ Không. Nhờ báu vật Nguyệt quang bảo hợp, anh trở về quá khứ và dần dần nhận ra kiếp trước của bản thân. Phim đi theo phong cách hài cải biên thường thấy ở Châu Tinh Trì: Tôn Ngộ Không làm bang chủ bang Lưỡi búa, Trư Bát Giới làm thủ hạ, Đường Tăng vừa xấu vừa nhiều chuyện… Ngoài ra, Châu Tinh Trì còn xây dựng thêm mối tình tay ba giữa Tôn Ngộ Không, Bạch Cốt Tinh (Mạc Văn Úy) và Tử Hà Tiên Tử (Chu Ân). Họ vốn cũng từng là hai bóng hồng ngoài đời thực của tài tử này.

Đại thoại Tây Du: Tiên lý kỳ duyên (1995): Tiếp nối Nguyệt quang bảo hợp, phần hai của Đại thoại Tây Du tiếp tục theo chân cuộc hành trình tìm kiếm sư phụ Đường Tăng của Chí Tôn Bảo. Chuyện phim còn xoáy sâu hơn vào mối tình duyên kỳ lạ giữa Chí Tôn Bảo/ Tôn Ngộ Không và Tử Hà Tiên Tử. Tuy nhiên, một trong những điều ấn tượng nhất của phim là nhân vật Đường Tam Tạng, do nam diễn viên La Gia Anh thủ vai. Không chỉ hài hước dí dỏm với nhiều câu thoại “khó đỡ”, ông còn cover cả ca khúc tiếng Anh nổi tiếng Only You của nhóm The Platters trong phim.

Tình điên Đại thánh (2005): Tình điên Đại thánh ra mắt năm 2005, với sự tham gia của nhiều tên tuổi Hoa ngữ như Tạ Đình Phong, Phạm Băng Băng, Thái Trác Nghiên. Trong phim này, Đường Tăng không ngồi chờ giải cứu mà phải tự vượt qua thử thách và đi cứu ba đồ đệ bị yêu quái bắt giam. Nói về độ phóng tác thì Tình điên đại thánh không hề kém cạnh Đại thoại Tây Du của Châu Tinh Trì, khi có sự xuất hiện của cả… người ngoài hành tinh. Đường Tăng của Tạ Đình Phong trong phiên bản này trở thành một nhân vật phong lưu, thậm chí dám “đại náo thiên cung” chỉ vì mỹ nhân.

The Forbidden Kingdom (2008): Bộ phim quy tụ hai siêu sao võ thuật là Thành Long và Lý Liên Kiệt, cùng sự góp mặt của hai người đẹp Lý Băng Băng và Lưu Diệc Phi. The Forbidden Kingdom là câu chuyện giả tưởng về một cậu bé người Mỹ lạc tới Trung Hoa thời cổ đại, và gần như không có liên hệ gì tới Tây Du Ký ngoài nhân vật Tôn Ngộ Không do Lý Liên Kiệt thể hiện. Phim mang đậm yếu tố võ hiệp, đặc biệt có một trường đoạn đọ sức giữa Thành Long và Lý Liên Kiệt khiến khán giả của dòng phim võ thuật hết sức thỏa mãn.

Trư Bát Giới: Phúc tinh chiếu rọi (2003): Đúng như tên gọi, loạt phim truyền hình này là một phần phụ truyện riêng, trong đó nhân vật chính là Trư Bát Giới (Huỳnh Hải Ba). Vị Thiên Bồng Nguyên Soái do háo sắc nên bị giáng xuống trần với hình thù nửa người nửa heo. Cũng bởi vậy, lão Trư phải thực hiện một chuyến phiêu lưu để giác ngộ thiện tâm trước khi đi thỉnh kinh cùng Đường Tăng. Trong Phúc tinh chiếu rọi, Tôn Ngộ Không và Sa Tăng chỉ xuất hiện với vai phản diện phụ trong một vài tập phim.

Tây Du Ký phiên bản Chiết Giang (2009): Phiên bản phim này quy tụ được một dàn diễn viên nổi tiếng như Ôn Bích Hà, Trần Xung, Lưu Đức Khải, nhưng lại vấp phải không ít bình luận trái chiều từ khán giả. Trong phim, Bạch Cốt Tinh tìm cách hại thầy trò Đường Tăng chỉ vì từng bị Tôn Ngộ Không phụ tình. Ngoài ra, cả Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng cũng vướng phải nhiều câu chuyện yêu đương, cùng những cảnh giường chiếu xuất hiện với mật độ dày đặc. Kỹ xảo của bộ phim cũng bị đánh giá là dàn dựng còn vội vàng, thiếu chăm chút.

Tây Du Ký của hãng Fuji (2006): Không xa lạ gì với câu chuyện Tây Du Ký nên các nhà làm phim Nhật Bản từng không ít lần xây dựng lại tác phẩm này. Phiên bản của hãng Fuji mặc dù đạt tỉ suất rating cao nhưng phải nhận nhiều lời chỉ trích về tạo hình nhân vật. Vai Đường Tăng do diễn viên nữ Eri Fukatsu cải trang, Tôn Ngộ Không có bộ tóc vàng sành điệu, Sa Tăng có mái tóc dài khó hiểu, còn Quan Âm Bồ Tát thì có trang phục hở hang khó chấp nhận. Nhiều tình tiết yêu đương giữa Tôn Ngộ Không và các nữ yêu tinh cũng được đưa vào để chọc cười khán giả.

The Monkey King (series phim của Mỹ - 2001): Từng bị gọi là “thảm họa” trong số các tác phẩm Tây Du Ký cải biên là loạt phim The Monkey King (còn có tên gọi khác là The Lost Empire) của đài NBC, nước Mỹ. Dàn diễn viên chính của phim bao gồm Thomas Gibson, Russell Wong, Eddie Marsan, Randall Duk Kim và Bạch Linh. Ngoài việc để người da trắng đóng vai bốn thầy trò Đường Tăng, phim còn có vô số tình tiết và lời thoại theo đúng kiểu Mỹ. Đỉnh điểm gây sốc của loạt phim là khoảnh khắc Đường Tăng có nụ hôn lãng mạn với… Quan Thế Âm Bồ Tát, khiến người xem lên án dữ dội.
Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện (2013): Sau Đại thoại Tây Du, Châu Tinh Trì một lần nữa quay trở lại với bốn thầy trò Đường Tăng bằng tác phẩm Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện. Phim nói về thời kỳ trước khi Đường Tăng đi thỉnh kinh và vẫn mang đậm phong cách của Châu Tinh Trì dù anh chỉ giữ vai trò đạo diễn. Trong bộ phim này, hình ảnh quen thuộc của các nhân vật quen thuộc đều bị phá vỡ: Đường Tăng là một pháp sư diệt ma kém cỏi với mái tóc bù xù và có mối tình với nữ pháp sư do Thư Kỳ thủ vai; Trư Bát Giới trở thành một mỹ nam; Tôn Ngộ Không của Trương Bột thì được công nhận là xấu xí nhất trên màn ảnh từ trước tới nay… Mối tình ngoại truyện được nhiều khán giả yêu thích với những tình huống hài hước, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi vì tạo hình yêu quái khá ghê rợn và một số cảnh bạo lực không thích hợp với trẻ nhỏ.

Đại náo thiên cung (2014): Đại náo thiên cung là tác phẩm bom tấn của điện ảnh Hoa ngữ với sự xuất hiện của hàng loạt các tên tuổi như Chân Tử Đan, Châu Nhuận Phát, Quách Phú Thành, Hà Nhuận Đông, Trần Kiều Ân… Phim tràn ngập kỹ xảo và mạnh tay cải biên nhiều tình tiết của câu chuyện kinh điển về Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung. Chẳng hạn như Ngưu Ma Vương trở thành thủ lĩnh của ma tộc và là nhân vật phản diện chính; Thiết Phiến công chúa lại là em gái của Ngọc Hoàng; còn Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung là do âm mưu của người khác, nhưng rốt cuộc lại trở thành người giải cứu cõi thần tiên.

Minh Phạm - Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm