Điện ảnh Việt Nam trong năm qua tiếp tục chứng kiến nhiều bộ phim có chất lượng chưa tốt, không tương xứng với những lời quảng bá ban đầu, thậm chí có những tác phẩm "thảm họa".
|
Giấc mơ Mỹ: Giấc mơ Mỹ là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện kịch bản mới là yếu tố quyết định thành công cho toàn bộ tác phẩm, chứ không phải bối cảnh sang trọng hay sự tham gia của các ngôi sao. Đạo diễn Davina Hồng Ngân kể câu chuyện của đôi vợ chồng bác sĩ Linh (Mai Thu Huyền) - Vinh (Bình Minh) và giấc mơ đổi đời của họ khi tới xứ sở cờ hoa. Lấy đề tài y khoa, nhưng Giấc mơ Mỹ thể hiện tính chuyên ngành một cách hời hợt chỉ qua vài ba câu thoại sáo rỗng. Các nhân vật trong phim có nhiều hành động đầy rẫy mâu thuẫn. Câu chuyện về mặt trái của “giấc mơ Mỹ” cũng là rất nghèo nàn và phi lý. Sự biến đổi thất thường trong tâm lý các nhân vật khiến Mai Thu Huyền, Bình Minh hay Kyo York không thể lột tả trọn vẹn vai diễn mình được giao. Lý do “công sức của toàn bộ ê-kíp” đâu thể lúc nào cũng có thể dùng để bao biện cho chất lượng của tác phẩm? Ảnh: Galaxy.
|
|
[S.O.S.] Sói trắng: Ra rạp tại thời điểm công chúng đang phẫn nộ vì nạn ấu dâm, [S.O.S.] Sói trắng có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” với bàn tay của đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng nhào nặn. Song, tác phẩm trở thành thảm họa trong sự nghiệp của nhà làm phim. [S.O.S.] Sói trắng là tổ hợp của hàng loạt tình tiết rời rạc, vô lý tới mức nực cười. Phim không diễn tả được nỗi đau của nạn nhân ấu dâm, mà như chỉ nhắm đến câu chuyện tình trái ngang giữa người chị gái Ly (Quỳnh Hương) và chàng ca sĩ Jimmy Trần (Tim). Có lẽ, đạo diễn Lê Hoàng cần nghiêm túc xem lại cách làm phim của mình có còn phù hợp với khán giả hiện đại hay không. Ảnh: ACG.
|
|
Chơi thì chịu: Bộ phim giống như nỗ lực tồn tại bất thành của dòng phim hài nhảm tại Việt Nam trong năm qua. Phim có nội dung khá giống với Knocked Up (2007) khi hai nhân vật chính là Trường (Trương Thế Vinh) và Thy (Kim Tuyến) bỗng có con sau khi say túy lúy và trải qua “tình một đêm”. Song, cách khai thác ý tưởng của Chơi thì chịu quá đỗi gượng ép và vô lý. Các tình huống sau cuộc tình một đêm đều ngớ ngẩn, thiếu tính liên kết trầm trọng, và nhóm nhân vật luôn luôn tỏ ra mâu thuẫn trong hành động. Thêm một lần nữa, sự nghiêm túc trong việc làm phim lại bị đặt dấu hỏi với các tác phẩm dạng như Chơi thì chịu. Ảnh: Lotte.
|
|
Chí Phèo ngoại truyện: Chuyển thể và làm mới các tác phẩm văn học là ý tưởng còn khá mới mẻ đối với điện ảnh Việt. Song, để thực hiện được điều đó trọn vẹn hẳn còn là cả chặng đường dài đầy chông gai. Chí Phèo ngoại truyện lấy cảm hứng từ câu chuyện kinh điển Chí Phèo của nhà văn Nam Cao với bối cảnh thời hiện đại. Song, đạo diễn Danny Đỗ dường như hơi “quá tay” với dự án. Chí Phèo ngoại truyện giống như “nồi lẩu thập cẩm” kém ngon, bởi mảng hành động - điều tra không tới, còn hài hước thì lại quá đà. Phim thậm chí còn chứa đựng một số câu thoại thô thiển, có thể khiến khán giả khó tính cảm thấy phản cảm. Ảnh: Galaxy.
|
|
Oán: Oán đánh dấu lần đầu tiên nam diễn viên Huỳnh Đông ngồi trên ghế đạo diễn. Công bằng mà nói, tài tử của Thiên mệnh anh hùng đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa thể tạo ra một tác phẩm điện ảnh trọn vẹn. Oán chứa đựng nhiều lỗ hổng, từ kịch bản, kỹ thuật, cho tới tính cách nhân vật. Mô-típ ngôi nhà ma và linh hồn báo thù trở nên rập khuôn và dễ đoán. Hình ảnh trong phim đôi lúc mờ ảo do xử lý ánh sáng không tốt. Cả Vân Trang và Tim cũng không thể cứu vãn nổi cho những thiếu sót của bộ phim. Ảnh: CGV.
|
|
Lời nguyền gia tộc: Đã có thời kinh dị và cảnh nóng là công thức giúp các bộ phim Việt “hái ra tiền”. Nhưng trải qua thời gian, khán giả nước nhà đã trở nên khó tính hơn. Lời nguyền gia tộc kể câu chuyện quen thuộc khi nhân vật chính Đoàn Nam (Tuấn Trần) tình cờ phát hiện ra bí mật khủng khiếp khi trở về ngôi nhà cũ của gia tộc. Để hợp thức hóa bối cảnh u ám và sự xuất hiện của con ma, tác phẩm của Đặng Thái Huyền tạo ra nhiều tình huống còn vô lý, khiên cưỡng. Chưa kể, yếu tố kinh dị trong phim còn thô sơ, cũ kỹ, và khó có thể khiến người xem cảm thấy sợ hãi. Hậu quả là Lời nguyền gia tộc trở thành bước lùi của nữ đạo diễn giàu kinh nghiệm. Ảnh: Galaxy.
|
|
Nắng 2: Theo đà thành công của phần một ra đời năm 2016, Nắng 2 bổ sung thêm hai ngôi sao Miu Lê, Hoàng Phi để tạo ra chuyến phiêu lưu mới cho hai mẹ con Mưa (Thu Trang) - Nắng (Kim Thư). Song, cách khai thác rập khuôn hình ảnh người mẹ thiểu năng lại phải đi tìm con gái khiến người xem ngao ngán nhiều hơn là đồng cảm. Hai mạch nội dung trong phim thiếu vắng tính liên kết và khiến Nắng 2 lộ rõ điểm yếu ở mặt kịch bản. Còn các mảng miếng hài cũng tỏ ra cũ kỹ, lê thê. Hậu quả là Nắng 2 trở thành tác phẩm chơi vơi, thiếu điểm nhấn. Ảnh: Galaxy.
|
|
Hot boy nổi loạn 2: Giống như Nắng 2, Hot boy nổi loạn 2 cũng dính phải lời nguyền “phần sau dở hơn phần trước”. Cách đây 6 năm, tác phẩm của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chạm đến trái tim người xem bằng câu chuyện cảm động về những mảnh đời bất hạnh dưới đáy xã hội như trai đồng tính đứng đường, gái mại dâm… Song, phần tiếp theo về cuộc đời của nhân vật Lam (Lương Mạnh Hải) lại quá xa rời ý nghĩa ban đầu ấy. Hot boy nổi loạn 2 chỉ còn là những câu chuyện tình đồng tính nam sến súa, gượng gạo. Dàn nhân vật luôn chải chuốt và thích “thở ra văn thơ” tỏ ra không ăn nhập với bối cảnh nghèo nàn mà nhà làm phim muốn truyền tải. Ảnh: BHD.
|
|
Sắc đẹp ngàn cân: Làm lại các tác phẩm ngoại thành công hiện là nước cờ an toàn dành cho các nhà làm phim Việt trong bối cảnh kịch bản hay còn khan hiếm. Song nếu Em là bà nội của anh (2015) hay Bạn gái tôi là sếp (2017) biết cách remake nội dung sao cho phù hợp với khán giả hiện đại nước nhà, thì Sắc đẹp ngàn cân lại tỏ ra lười biếng khi sao chép gần như y nguyên nguyên tác Hàn Quốc, từ hình ảnh cho tới nội dung, và không đem đến bất cứ nét đột phá nào đáng kể. Câu chuyện ngôn tình và phong cách hài hước của 200 Pounds Beauty (2006) nay lại xuất hiện trong Sắc đẹp ngàn cân và tỏ ra cũ kỹ, lỗi thời. Đáng buồn nhất, một số ca khúc hay của phiên bản Hàn Quốc lại không được Việt hóa, và khiến bộ phim mất điểm ngay cả ở phần âm nhạc. Ảnh: CGV.
|
|
Mẹ chồng: Bộ phim của đạo diễn Lý Minh Thắng gây hứng thú cho công chúng khi sở hữu đề tài gần gũi là mẹ chồng - nàng dâu, cũng như quy tụ hàng loạt gương mặt nữ đình đám trong làng giải trí Việt như Thanh Hằng, Lan Khuê, Midu… Song, những gì Mẹ chồng đem lại là chưa thỏa mãn. Lời thoại và phục trang của nhân vật gần như sai lệch so với bối cảnh thời gian trong phim. Quan trọng hơn, tính cách nhân vật và tình tiết trong phim diễn ra mâu thuẫn, rời rạc và thiếu tính liên kết xuyên suốt. Thật đáng tiếc khi Thanh Hằng đã có tiến bộ về mặt diễn xuất, nhưng chỉ sự tỏa sáng của cô là không đủ để giúp Mẹ chồng trở nên đáng giá. Ảnh: CGV.
|
phim Việt 2017
Giấc mơ Mỹ
[S.O.S.] Sói trắng
Lời nguyền gia tộc
Chơi thì chịu
Mẹ chồng