Bất kỳ phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ nào cũng có tính hai mặt và phải đối mặt với những rủi ro. Vì vậy, trước khi thẩm mỹ, bạn cần tìm hiểu kỹ về các phương pháp mình lựa chọn để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM), cho biết ngoài những phương pháp thẩm mỹ có độ an toàn cao, ít biến chứng như nâng mũi cấu trúc, đặt túi độn ngực, tạo hình mắt hai mí,... Khách hàng không nên lạm dụng, tránh hoặc bị cấm thực hiện các kỹ thuật như nâng mũi chỉ, bơm mỡ nhân tạo, tiêm silicone lỏng, tiêm tan mỡ, thu nhỏ bắp chân, truyền trắng, cắt môi, sửa hàm hô móm.
Nâng mũi bằng chỉ
Đây là phương pháp không chính thống, các bác sĩ không được đào tạo chính quy. Sợi chỉ được quảng cáo là sợi collagen hay các thành phần tự tiêu dễ bị làm giả và nguồn gốc không rõ ràng. Phương pháp này chủ yếu được quảng cáo tại các cơ sở không có giấy phép, thực hiện chui, tồn tại nhiều rủi ro.
Nâng mũi bằng chỉ là phương pháp không chính thống. Ảnh: thammyhanquoc |
Nâng mũi bằng chỉ không thể khắc phục các nhược điểm như mũi to, đầu mũi mỏng, nâng độ cao tạm thời.
Tiêm mỡ nhân tạo
Bạn chỉ nên tiêm mỡ tự thân. Mỡ nhân tạo chưa được y khoa cho phép, tiềm ẩn nhiều biến chứng.
Tiêm silicone lỏng
Chất này bị cấm từ năm 1990, nhưng hiện nay nhiều trung tâm spa sử dụng. Chất làm đầy (filler) kém chất lượng trà trộn silicone lỏng tiêm cho khách hàng. Vì vậy, khi tiêm filler, bạn cần tới bác sĩ chuyên môn cao, có giấy phép. Bạn không nên tiêm ở các cơ sở do các nhân viên chăm sóc da, thợ làm tóc, móng thực hiện.
Nâng mông bằng túi độn
Hiện nay, chưa có hãng sản xuất túi độn mông nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận, tỷ lệ biến chứng hoặc thất bại về thẩm mỹ cao. Phương pháp này không bị cấm nhưng cũng không khuyến khích.
Hiện nay, chưa có hãng sản xuất túi độn mông nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận. Ảnh: lelikov
|
Tiêm tan mỡ
Chất tiêm tan mỡ chỉ áp dụng với những khối mỡ rất nhỏ trong điều trị một số bệnh. Nếu lạm dụng vào giảm mỡ với khối lượng lớn chúng hầu như không có tác dụng, dễ biến chứng hoại tử.
Cắt môi
Môi của người Việt Nam thường không quá dày để cắt. Cắt môi về già thường gây ra méo lệch, dị dạng môi, mỏng môi. Khi cơ thể phụ nữ lão hóa thì môi sẽ bị teo lại, kết hợp với cắt môi sẽ tạo ra đôi môi mất thẩm mỹ.
Thu nhỏ bắp chân
Bắp chân là phần cơ, có nhiều chức năng. Khi cắt mất cơ sẽ không thể hồi phục chức năng, khi về già chân sẽ yếu. Nếu bạn thực sự muốn thu nhỏ bắp chân hãy cố gắng giảm béo hoặc hút mỡ bắp chân, tiêm botox (hiệu quả thấp).
Sửa hàm hô móm
Chúng ta chỉ nên thực hiện phẫu thuật sửa hàm hô móm khi gây ảnh hưởng tới chức năng như nhai, nuốt, nói hoặc biến dạng. Nếu bạn sửa vì nhu cầu thẩm mỹ thì nên đánh giá thật kỹ nguy cơ chức năng hàm bị ảnh hưởng sau này, bao gồm cả giọng nói.
Với bất kỳ phương pháp thẩm mỹ nào cũng có tính hai mặt và phải đối diện với những rủi ro. Ảnh: BSCC |
Mở to mắt
Đây là kỹ thuật khó và chỉ cải thiện rất ít đối với những người có đôi mắt bình thường.Phương pháp này cải thiện rõ rệt đối với người mắt sụp mí, híp, nhỏ. Vì vậy, bạn không nên kỳ vọng có thể mở mắt to hơn quá nhiều.
Truyền trắng
Tiến sĩ, bác sĩ thẩm mỹ Vũ Sơn (tốt nghiệp Học viện Quân Y) cho biết: "Những chất tiêm vào tĩnh mạch phải được cho phép bởi FDA. Hiện nay, các chất tiêm trắng cũng không được FDA công nhận, thậm chí trên website của tổ chức này còn đăng tải nhiều bài viết cảnh báo về chất truyền trắng".
Theo vị chuyên gia này, các chất truyền trắng đang được phái đẹp ưa chuộng không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe. Quá trình tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch có thể gây sốc phản vệ, không phản ứng kịp thời gây tắc thở, tử vong chỉ sau vài phút. Đặc biệt, các spa nhỏ chắc chắn không có biện pháp cấp cứu kịp thời vì thiếu chuyên môn.
Bác sĩ Phương Ngọc cũng khuyến cáo, các đối tượng dưới đây không nên phẫu thuật thẩm mỹ:
- Tuổi cao, huyết áp cao, tiểu đường nặng, bệnh tim mạch, béo phì nặng, lupus ban đỏ, miễn dịch kém, rối loạn đông máu.
- Từng phẫu thuật thẩm mỹ thất bại nhiều lần.
- Các đối tượng có nhu cầu thẩm mỹ không rõ ràng, đòi hỏi quá mức, không chính đáng, quá khứ trầm cảm, ám ảnh nhan sắc. Những đối tượng này dễ bị trầm cảm nặng hơn, có xu hướng bạo lực thậm chí nguy cơ tự sát.
- Khi đang mang thai và cho con bú.