Thế giới
Ảnh & Video
10 thành phố dưới trướng của các băng đảng tội phạm
- Chủ nhật, 22/3/2015 08:33 (GMT+7)
- 08:33 22/3/2015
Sofia (Bulgaria), Casal di Principe (Italy) hay San Pedro Sula (Honduras) là 3 trong số 10 thành phố trên thế giới phải đối diện với các hoạt động phạm tội diễn ra triền miên.
|
Nằm trên biên giới giữa Mỹ và Mexico, thành phố Ciudad Juarez (Mexico) trở thành trung tâm của hoạt động buôn lậu ma túy. Lực lượng cảnh sát của thành phố đã sa thải hơn 800 nhân viên trong một nỗ lực giải quyết vấn nạn sĩ quan nhận tiền hối lộ từ các băng đảng ma túy, theo The Richest. Hai băng nhóm khét tiếng Juarez và Sinaloa giành giật để nắm quyền kiểm soát hoạt động phi pháp tại Ciudad Juarez kể từ năm 2007. Trong khi đó, hàng loạt vụ tấn công phụ nữ, gồm 300 vụ giết người, trong hai thập kỷ qua cũng là vấn đề đáng lo ngại của thành phố này. Ảnh: Blogspot
|
|
Trong hai cuộc chiến do Nga phát động nhằm chống lực lượng ly khai Chechnya vào những năm 1990, thành phố Grozny hầu như bị xóa sạch, với nhiều tòa nhà tan hoang. Dù chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm tái thiết sau khi cuộc xung đột kết thúc vào đầu những năm 2000, mối quan hệ giữa giới lãnh đạo ở địa phương và các băng đảng Chechnya dần hình thành. Nhiều quan chức bị buộc tội làm thất thoát tiền gửi từ Moscow và thường xuyên đòi hối lộ cho các dự án lớn. Lãnh đạo Chechnya, ông Ramzan Kadarov, là một trong những nhân vật liên quan tới nhiều vụ giết người nhằm giải quyết mâu thuẫn chính trị. Ảnh: latesttopten.com |
|
Sofia là thủ đô của Bulgaria - một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Các băng mafia đã thực hiện 140 vụ giết người theo hợp đồng tại thành phố này từ những năm 1990. Năm 2010, một người dẫn chương trình phát thanh địa phương đã bị ám sát giữa ban ngày khi di chuyển trên phố. Ảnh: sofiaglobe.com |
|
Thành phố nhỏ Casal di Principe là quê hương của Camorr, gia tộc mafia nguy hiểm nhất thế giới ngầm Italy. Trong khi kẻ cầm đầu của băng đảng này đã ngồi tù, thành viên của nhóm tiếp tục làm xáo trộn cuộc sống của cư dân thành phố. Nhiều chính trị gia đã thiệt mạng dưới họng súng của tội phạm. Trong những năm 1990, tỷ lệ các vụ giết người tại Casal di Principe luôn ở mức cao nhất trong các nước châu Âu. Ảnh: Wordpress |
|
Cali từng là “nhà” của một trong những tập đoàn buôn bán ma túy lớn nhất của Colombia. Cho tới nay, đây vẫn là nơi diễn ra các vụ đấu đá giữa các tội phạm nhằm chiếm địa bàn phục vụ việc kinh doanh bất hợp pháp. Năm 2014, 7 kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm đã bị ám sát, kéo theo hàng loạt vụ giết người tàn bạo trên khắp thành phố trong nhiều ngày. Ảnh: Blogspot
|
|
Chính quyền và lực lượng cảnh sát lũng đoạn mở đường cho các hoạt động tội phạm tại thành phố Guatemala thuộc Guatemala. Một nghiên cứu cho thấy thực trạng đáng báo động khi 2.063 vụ giết người đã xảy ra trên tổng số 3.062.519 dân tại đây. Ảnh: cartercenter.org
|
|
Thành phố San Pedro Sula của Honduras đang bị cuốn vào cuộc chiến giữa các băng đảng ma túy bởi đây là mảnh đất béo bở cho hoạt động của thế giới ngầm. Nhiều người dân buộc phải rời thành phố để tìm việc ở những nơi khác theo luật của các băng mafia. Ảnh: New York Daily News
|
|
Culiacan là quê hương của Sinaloa Cartel, một tập đoàn tội phạm có tổ chức ở Mexico. Giới chức Mỹ nhận định Sinaloa là một trong những băng đảng buôn lậu ma túy hùng mạnh nhất trên thế giới bởi nó đang nắm quyền kiểm soát tại toàn bộ 17 bang của Mexico. Sự bao che của các quan chức nước này đã thúc đẩy hoạt động của băng nhóm, khiến chúng hành động mà không sợ hậu quả pháp lý. Ảnh: Blogspot
|
|
Tháng 9/2014, 43 sinh viên tại thành phố Iguala, Mexico, mất tích và sau đó được tìm thấy trong nhiều mồ chôn tập thể. Sau khi khám xét thi thể của các nạn nhân, giới điều tra khẳng định, những kẻ thủ ác đã tra tấn và hành quyết họ. Đây chỉ là ví dụ mới nhất trong nhiều vụ án mạng do các băng đảng ma túy tại Iguala và khu vực lân cận thực hiện. Chúng đã cấu kết với một bộ phận giới chức địa phương để thực hiện trót lọt các phi vụ động trời. Ảnh: wordpress
|
|
Sau nhiều năm xung đột sắc tộc giữa người Serbia và Albania, Kosovo tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2008. Các lực lượng liên hệ mật thiết với Quân đội Giải phóng Kosovo đã tạo nên một hệ thống quyền lực chính trị tại thủ đô Pristina. Lực lượng này cũng cấu kết với các nhóm buôn lậu và kinh doanh nội tạng. Sự thống trị của thế lực hình sự đã gây nên nhiều tai họa cho người dân khi họ không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất và luôn phải đối diện với nạn thất nghiệp. Hàng nghìn người ở Pristina đã phải rời quê hương để tới các quốc gia châu Âu khác với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Mafiatoday.com
|
Mexico
băng đảng
thành phố
xung đột
cảnh sát
Colombia
ma túy