Daniel Ally là chuyên gia kinh doanh, nhà diễn thuyết và tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy tại Mỹ. Là người sáng lập của The Ally Way và Dignify Designs, anh đã giúp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, các tác giả phát hành sách và truyền kinh nghiệm để thành công cho hàng trăm độc giả. Ally trở thành triệu khi 24 tuổi.
Theo Entrepreneur, anh đã chia sẻ những thói quen tích cực để trở thành triệu phú.
"Tôi nhớ một lần ngồi trong tầng hầm lạnh lẽo và bụi bặm, suy nghĩ những thói quen có thể thay đổi cuộc đời mình. Khi đó, tôi 21 tuổi, đã có ý thức cải thiện cuộc sống bản thân. Thế nhưng, tôi cảm thấy bế tắc vì 3 lý do: Sống tại nhà của bố mẹ, có công việc 8 USD/giờ và đang theo học chương trình thạc sĩ không thời hạn. Sâu thẳm bên trong, tôi biết, phải thoát khỏi tình cảnh đó. Tuy nhiên, tôi sẽ không trốn chạy bản thân mình".
Theo người đàn ông này, nếu thay đổi thói quen, cuộc đời sẽ thay đổi. Thay vì lãng phí thời gian vào các hoạt động khác, Daniel Ally quyết định bắt đầu từ những thói quen mới như đọc sách và diễn thuyết. Những thói quen tốt sẽ tạo ra hàng loạt kết quả tích cực.
"Không chỉ cảm thấy tự tin vào bản thân hơn, năng lực chuyên môn của tôi cũng được nâng cao. Quá trình thay đổi nhận thức, mà quan trọng nhất là sự tự tin, đã giúp tôi chạm tới thành công, giàu có và khả năng truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác", Daniel Ally nói.
Chân dung triệu phú Daniel Ally. |
1. Đơn giản hóa ngôn từ
Các triệu phú biết cách truyền tải thông điệp của họ bằng những từ ngữ cô đọng nhưng chính xác và có ý nghĩa sâu sắc. Hàng ngày, tôi đều lướt qua từ điển nhưng anh không cố gắng sử dụng mọi từ đã biết. Cách nói chuyện trịch thượng, khoe mẽ sẽ tự đánh mất cơ hội của mình.
Tham gia các câu lạc bộ là biện pháp tốt để nâng cao khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều người không chịu khó cải thiện kỹ năng giao tiếp mà thường làm theo số đông. Các triệu phú không như vậy. Họ thực hành một cách chăm chỉ và liên tục tìm cách để đơn giản hóa ngôn từ, dù văn nói hay trên văn bản.
2. Loại bỏ những thói quen tiêu cực
Nếu muốn có một chiếc xe hay căn nhà mới, bạn cần từ bỏ cái cũ trước khi tìm kiếm cái mới. Khi muốn đạt tới tư duy tích cực, bạn cần bỏ những suy nghĩ tiêu cực đầu tiên.
Để giã từ những thói quen xấu, bạn nên thay thế chúng bằng những thói quen tốt. "Tôi từng có thói quen ăn hai chiếc bánh mì kẹp thịt rẻ tiền và cảm thấy tồi tệ. Bởi vậy, tôi đã tìm đến nhà hàng bít tết ngon nhất trong khu vực để trải nghiệm một bữa tối thịnh soạn. Thay vì chi 1 USD một vài lần một tuần cho món bánh mì kẹp thịt, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi chi tiền cho món bò bít tết thơm ngon chỉ một hoặc 2 lần trong tháng.
3. Thiết lập mục tiêu hàng ngày
Mỗi ngày, tôi đều viết mục tiêu cần thực hiện lên giấy. Đây là thói quen tích cực mà tôi hứa sẽ thực hiện trong suốt phần đời còn lại.
Cho dù đang lên kế hoạch tài chính, viết nhiệm vụ hàng tuần, hay các phương pháp mới để cải thiện cuộc sống..., bạn cũng nên đặt ra mục tiêu hàng ngày bởi thói quen này sẽ tạo động lực và cơ sở làm việc.
Khi lập ra mục tiêu hàng ngày, bạn sẽ biết mình cần ưu tiên công việc gì. Thay vì theo đuổi các nhiệm vụ trị giá 100 USD, bạn có thể kiếm được hàng nghìn USD nếu duy trì thói quen này.
Khi tích lũy được nhiều lợi nhuận trong ngày, bạn sẽ kiếm thêm được nhiều tiền và việc trở thành triệu phú là điều hoàn toàn có thể.
4. Cân bằng
Bạn cần làm những điều bạn nói. Trong cuộc sống, nhiều lần, bạn được yêu cầu hy sinh lợi ích cá nhân để đạt mục tiêu nghề nghiệp. Một khi điều đó xảy ra, bạn không nên làm như vậy. Không gì quý giá hơn sự hài hòa trong cuộc sống cá nhân và công việc, bởi nó cho phép chúng ta vừa có thể kiếm tiền, vừa tận hưởng niềm đam mê.
Một điều lạ lùng là nhiều người nói rằng, bạn không thể cùng lúc vừa kiếm tiền vừa theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, nhận định này là vô lý.
Khi bạn đang làm những gì mình yêu thích, công việc chính là niềm vui. Sống một cuộc đời trọn vẹn là cách nâng cao danh tiếng và làm giàu cho bạn và nhiều người khác. Làm những điều trái với đam mê và lý tưởng đồng nghĩa việc bạn đặt bản thân vào tình trạng nguy hiểm.
5. Đưa ra quyết định
Bạn càng đưa ra được nhiều quyết định đúng, càng có nhiều cơ hội thành công. Người có năng lực đưa ra quyết định tốt nhất sẽ giành chiến thắng. Chỉ cần tưởng tượng, nếu đi theo chiều ngược lại trên đường một chiều, bạn sẽ nhanh chóng tìm hiểu để điều chỉnh.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không dám đưa ra các quyết định quan trọng bởi họ sợ bị từ chối và thất bại. Đó là lý do họ đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Biện pháp là hãy luôn đưa ra quyết định, cho dù bạn không chắc nó sẽ đi đến đâu. Chẳng bao lâu, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời mình cần.
6. Đặt câu hỏi
Hầu hết mọi người nghĩ rằng, họ đã biết câu trả lời. Thế nhưng, chính suy nghĩ, giả định đó đã cản trở họ biết sự thật. Thực tế là nhiều người không đặt ra bất cứ câu hỏi nào bởi họ có thói quen dự đoán bằng cách nghĩ ra nhiều câu trả lời cho mình.
Để trở thành triệu phú, bạn không nên tự trả lời câu hỏi của bản thân mà nên lật ngược vấn đề, đặt câu hỏi cho chính dự đoán của mình. Khi muốn biết sự thật, bạn cần tìm hiểu, không nên chỉ đưa ra giả thiết. Nhiều người không muốn đặt câu hỏi vì họ sợ phải đương đầu thực tế hoàn cảnh. Hơn nữa, đặt câu hỏi còn khiến họ mất thời gian suy nghĩ.
Viết mục tiêu cần thực hiện mỗi ngày lên giấy là thói quen giúp bạn trở thành triệu phú. |
7. Trở thành chuyên gia
Một nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp từng biểu diễn trong bữa tiệc dành cho 50 quý bà. Sau khi cô hoàn thành tiết mục, một người phụ nữ tiến đến và nói: “Tôi sẽ trả bất cứ thứ gì để chơi đàn hay được như cô”.
Nữ nghệ sĩ từ tốn nhấp một ngụm cà phê, ngừng lại giây lát và trả lời: “Tôi rất tiếc, nhưng bạn sẽ không làm được”. Sự im lặng, ngay lập tưc, bao trùm cả khán phòng. Mọi người ngạc nhiên, bối rối.
“Chị có thể trả bất cứ thứ gì để làm được như tôi, ngoại trừ thời gian. Chị sẽ không ngồi và thực hành, giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Xin hãy thông cảm, tôi không có ý chỉ trích ai cả. Tôi chỉ muốn giải thích rằng, khi chị nói sẽ trả bất cứ giá nào để chơi hay được như tôi, chị đã không thực sự hiểu ý nghĩa của việc chơi đàn”.
8. Có ý thức chăm sóc sắc đẹp
Một ngoại hình đẹp cũng là công cụ để trở thành triệu phú. Loại bỏ những thói quen xấu như sử dụng thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia…, sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn. Những thay đổi nhỏ như tập thể dục khoảng 4 đến 5 lần mỗi tuần sẽ mang lại cho bạn tinh thần thoải mái, sức khỏe dẻo dai và một thân hình chuẩn.
Có vẻ ngoài giống như một triệu phú là một cách tốt nhất để trở thành triệu phú.
9. Nỗ lực hết mình
Sự nỗ lực là yếu tố duy nhất của thành công mà bạn có thể kiểm soát. Đa số mọi người làm những công việc nhỏ bé nhưng lại hy vọng kết quả lớn lao. Các triệu phú không như vậy.
Thay vì giảm bớt trách nhiệm hoặc chỉ làm vừa đủ bổn phận, họ lấy mức độ xuất sắc làm tiêu chí trong công việc và nỗ lực hết mình để tối ưu hóa tiêu chí đó. Xây dựng thói quen nỗ lực hết mình như một triệu phú, bạn sẽ làm tăng đáng kể sự giàu có cho bản thân.
10. Tuân thủ quy tắc 500
Khi mới khởi nghiệp, tôi phải đối mặt vấn đề cạnh tranh khách hàng. Thói quen tuân thủ quy tắc 500 đã giúp tôi thay đổi cuộc sống. Về cơ bản, nó dạy tôi rằng, nếu muốn trở thành triệu phú, tôi phải liên tục tiếp cận với tối thiểu 500 người mỗi tháng, bằng điện thoại hoặc email. Mặc dù phải đối mặt nguy cơ bị từ chối, tôi vẫn sẵn sàng làm điều đó.
Thật may mắn, tôi nhận ra có nhiều cách để tập hợp một danh sách liên lạc. Đầu tiên, bạn phải chịu khó tìm kiếm những khách hàng tiềm năng nhất. Sau khi tạo thiện cảm với họ qua các email hoặc một cuộc gọi, bạn nên đưa ra sáng kiến về sản phẩm và dịch vụ của bạn. Song, bạn cần học cách chấp nhận lời từ chối bởi không phải tất cả mọi người đều thích ý tưởng của bạn.
Những thói quen tốt cũng có sức lan tỏa như những thói quen xấu một khi bạn thực hiện và duy trì nó. Mỗi người nên phát triển từ 6 đến 10 thói quen mới mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải loại bỏ số thói quen cũ tương ứng. Bạn nên suy nghĩ về những thói quen hàng ngày và sức ảnh hưởng của nó bởi thay đổi thói quen sẽ thay đổi cuộc đời của bạn.