Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 thương hiệu điện ảnh thất bát trong năm 2016

Nhiều thương hiệu phim lớn như “Divergent”, “Gods of Egypt”, “Ninja Rùa” hay “Ghostbusters” rất khó được thực hiện phần tiếp theo sớm vì kết quả doanh thu tệ hại trong năm 2016.

cac phim that bai nam 2016 anh 1
The Divergent Series: Divergent - Dị biệt từng được kỳ vọng là “The Hunger Games tiếp theo” nhờ chủ đề tương tự với nhân vật chính là Tris (Shailene Woodley). Ba trong số bốn tập của loạt phim đã ra mắt. Nhưng kết quả của phần ba, Allegiant, quá tồi tệ khi kém phần hai tới 100 triệu USD. Lionsgate quyết định thay đổi kế hoạch cho tập cuối Ascendant (2017), dự tính phát hành nó trên sóng truyền hình. Nhưng các ngôi sao đều phản đối quyết định ấy và hãng phim vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng cho phần kết của Dị biệt. Ảnh: Summit.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 2
Gods of Egypt: Hãng Summit manh nha biến Gods of Egypt thành thương hiệu điện ảnh mới, nhưng kế hoạch ấy rốt cuộc tiêu tan trong trứng nước. Tác phẩm giả tưởng lấy bối cảnh thời Ai Cập cổ đại ngốn của họ 140 triệu USD bởi nhiều phân cảnh kỹ xảo phức tạp, nhưng nó rốt cuộc chỉ mang về khoảng 150 triệu USD. Tồi tệ hơn, giới phê bình đồng loạt chỉ trích nội dung rời rạc và diễn xuất yếu kém trong Gods of Egypt. Do đó, công chúng khó lòng có cơ hội thấy thương hiệu được kéo dài trong thời gian tới. Ảnh: Summit.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 3
Snow White and the Huntsman: Loạt phim cải biên Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn khởi đầu năm 2012, thu 400 triệu USD tại phòng vé chủ yếu nhờ chuyện lùm xùm hậu trường khi ngôi sao Kristen Stewart ngoại tình với đạo diễn Rupert Sanders. Phần hai gây tò mò khi loại bỏ Bạch Tuyết, tập trung vào nhân vật Thợ săn của Chris Hemsworth, đồng thời chiêu mộ ba minh tinh Charlize Theron, Emily Blunt và Jessica Chastain. Song, bất ngờ đã xảy ra khi The Huntsman: Winter’s War thậm chí còn tẻ nhạt hơn cả tập phim đầu tiên. Phim chỉ thu 164 triệu USD so với ngân sách 115 triệu USD và kết quả đó khiến Universal chắc chắn không thể hài lòng. Ảnh: Universal.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 4
Alice in Wonderland: Bộ phim Alice in Wonderland ra đời hồi đầu năm 2010 đúng lúc cơn sốt phim 3D lên cao tại phòng vé nhờ Avatar (2009). Do đó, tuy tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Tim Burton không thực sự xuất sắc, nhưng nó vẫn thu về tới hơn 1 tỷ USD. Song, hãng Disney phải sau đó 6 năm mới cho ra đời phần hai mang tên Alice Through the Looking Glass. Những sự yếu kém về nội dung từ tập một tiếp tục bộc lộ, Johnny Depp đã “mất thiêng” tại phòng vé, tất cả khiến bộ phim mới chỉ còn thu 299,4 triệu USD và bị coi là “bom xịt” của Disney trong năm 2016. “Nhà chuột” hẳn thừa thông minh để không thực hiện tiếp Alice 3 trong thời gian tới. Ảnh: Disney.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 5
Teenage Mutant Ninja Turtles: Mùa hè 2014, phim live-action Ninja Rùa của nhà sản xuất Michael Bay bị chỉ trích dữ dội, nhưng rốt cuộc vẫn kiếm tới gần 500 triệu USD so với nguồn kinh phí sản xuất chỉ là 125 triệu USD. Công bằng mà nói, phần hai mang tên Out of the Shadows hồi mùa hè có chất lượng khá hơn tập trước một chút, nhưng khán giả thì đã quá mất lòng tin vào ê-kíp sản xuất. Hậu quả là phim chỉ còn thu được chưa đầy 250 triệu USD. Bản thân nhà sản xuất Andrew Form của TMNT cho rằng thật khó để dự án phần ba được triển khai với kết quả như vậy. Ảnh: Paramount.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 6
Ghostbusters: Ghostbusters là một tượng đài văn hóa tại nước Mỹ, nhưng dự án tái khởi động thương hiệu bị công chúng phản đối từ lúc chưa bấm máy do ê-kíp sản xuất thay đổi giới tính nhóm nhân vật chính từ nam sang nữ. Luồng ý kiến gay gắt tới nỗi trailer của bộ phim năm 2016 hiện là video nhận nhiều lượt dislike nhất trên mạng xã hội YouTube. Giới phê bình không chỉ trích Ghostbusters, nhưng khán giả không chịu đến rạp xem bộ phim. Doanh thu phim chỉ là 229 triệu USD so với kinh phí 145 triệu USD, và giờ Sony đang lên kế hoạch thực hiện phim hoạt hình mới cho Ghostbusters, thay vì phần hai với các danh hài Melissa McCarthy, Kristen Wiig… Ảnh: Sony.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 7
Blair Witch: Thương hiệu phim kinh dị Phù thủy Blair bất ngờ trở lại khi Lionsgate thực hiện tập phim mới, kể tiếp những sự kiện xảy ra 15 năm sau The Blair Witch Project (1999). Trên thực tế, Blair Witch gặt hái thắng lợi khi kiếm 44,3 triệu USD, so với nguồn ngân sách chỉ vỏn vẹn 5 triệu USD. Nhưng hãng Lionsgate rõ ràng mong chờ nhiều hơn thế, bởi bộ phim đầu tiên từng mang về gần 250 triệu USD. Việc giới phê bình đồng loạt chỉ trích Blair Witch cũng có thể khiến ê-kíp sản xuất lại rời bỏ thương hiệu trong tương lai gần. Ảnh: Lionsgate.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 8
Jack Reacher: Paramount chỉ bỏ ra 60 triệu USD cho Jack Reacher cách đây bốn năm, nhưng nhân vật cựu quân cảnh của Tom Cruise sau đó mang về cho họ tới 218,3 triệu USD. Thành công ấy khiến nhà sản xuất không bỏ qua cơ hội thực hiện phần hai, Jack Reacher: Never Go Back. Song, các cảnh hành động không mấy ấn tượng cùng cốt truyện dễ đoán khiến bộ phim mới chỉ còn thu được 136,9 triệu USD. Lúc này, Tom Cruise mới hoàn thành The Mummy (2017) và chuẩn bị tập trung cho Nhiệm vụ bất khả thi 6 (2018). Ngần ấy lý do cho thấy Paramount rất khó “bật đèn xanh” cho Jack Reacher 3 trong tương lai gần. Ảnh: Paramount.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 9
Dòng phim lãng mạn của Nicholas Sparks: Suốt hơn 20 năm qua, tổng cộng 11 cuốn tiểu thuyết của Nicholas Sparks đã tìm được đường lên màn ảnh rộng, trong đó nổi bật là The Notebook (2004), Dear John (2010) hay The Last Song (2010). Trên thực tế, chỉ có 8 trong số đó thu lãi và các phim gần đây gồm The Best of Me (2014), The Longest Ride (2015) cùng The Choice (2016) không còn tìm thấy sự đồng cảm từ phía công chúng. Hậu quả là công ty sản xuất phim của Nicholas Sparks mới đóng cửa và sẽ không có một tác phẩm điện ảnh nào dựa trên nguyên tác văn học của ông ra rạp trong năm sau. Ảnh: Lionsgate.

 

cac phim that bai nam 2016 anh 10
Các phim hài của Garry Marshall: Đã có thời Garry Marshall là bảo chứng phòng vé khi ông cho ra đời nhiều tác phẩm hài hước, lãng mạn ăn khách như Pretty Woman (1990) hay Princess Diaries (2001). Mother’s Day năm nay là tác phẩm tiếp theo thuộc chuỗi phim về các ngày lễ lớn trong năm, mà trước đó là Valentine’s Day (2010) và New Year’s Eve (2011). Điểm chung của ba phim là chúng đều không được lòng giới phê bình khó tính, còn điểm khác là Mother’s Day không kiếm nổi 50 triệu USD toàn cầu. Thật buồn khi đó cũng là bộ phim cuối cùng của Marshall khi vị đạo diễn mới qua đời hồi tháng 7, hưởng thọ 81 tuổi. Ảnh: Open Road Films.

 

Tuấn Lương

Bạn có thể quan tâm