Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 thương hiệu điện ảnh thất bát vẫn còn cơ hội hồi sinh

Phiên bản chuyển thể gần nhất của lần lượt “Fantastic Four”, “Hellboy” hay “Power Rangers” đều lụn bại. Nhưng cơ hội để các thương hiệu trở lại vẫn còn đó.

Assassin's Creed: Tác phẩm điện ảnh chuyển thể có Michael Fassbender đóng chính ra đời trong sự chỉ trích của giới phê bình, và kết quả phòng vé kém cỏi khiến kế hoạch thực hiện phần hậu truyện sớm bị dẹp bỏ. Assassin’s Creed vốn là thương hiệu trò chơi được yêu thích với những câu chuyện thú vị dựa trên lịch sử, cùng sự xuất hiện của cả những nhân vật có thật. Cái sai của bộ phim năm 2016 là bỏ qua những điểm hay của nguyên tác. Hãng Ubisoft đã tạo ra nguyên tác rất giàu tiềm năng, và điều họ cần là tìm ra hướng đi đúng đắn trên màn ảnh.

Fantastic Four: Sớm hay muộn, Marvel Studios cũng sẽ đưa nhóm Bộ tứ Siêu đẳng xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Đây là nhóm siêu anh hùng nổi tiếng trong truyện tranh Marvel, có số lượng fan hùng hậu không kém Avengers hay X-Men. Song, hai lần chuyển thể gần nhất vào năm 2005 và 2015 đều không cho kết quả như ý muốn. Doctor Doom là một ác nhân khét tiếng, nhưng trên màn bạc bỗng trở nên xoàng xĩnh. Công chúng kỳ vọng Fantastic Four thuộc MCU sẽ là cuộc đổ bộ màn ảnh xứng đáng dành cho Bộ tứ Siêu đẳng.

Warcraft: Cộng đồng fan của Warcraft có lẽ còn hùng hậu hơn cả Assassin’s Creed, và tiềm năng chuyển thể cũng không hề nhỏ. Song, bộ phim điện ảnh năm 2016 của đạo diễn Duncan Jones không đem lại kết quả như mong đợi. Vấn đề lớn nhất của tác phẩm nằm ở kịch bản thiếu kịch tính, dù đã chọn kể lại nhiều sự kiện nổi tiếng ở nguyên tác trò chơi. Với một thương hiệu đồ sộ như Warcraft, định dạng truyền hình có lẽ phù hợp để theo đuổi hơn.

Teenage Mutant Ninja Turtles: Ninja Rùa là thương hiệu trò chơi, hoạt hình đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ công chúng. Nhưng đạo diễn Michael Bay dường như đã phá hỏng điều đó với bộ phim chuyển thể năm 2014. Tạo hình thiếu thân thiện của nhóm nhân vật chính, cộng thêm các màn cháy nổ “Bay-ish”, tất cả đẩy thành phẩm vào những cuộc tranh cãi bất tận. Tiềm năng nguyên tác vẫn còn đó, nhưng Michael Bay có lẽ là lựa chọn không phù hợp đối với thương hiệu.

Hellboy: Guillermo del Toro đã tạo ra hai tập phim Hellboy hấp dẫn vào năm 2004 và 2008. Nhưng thất bại phòng vé khiến ông không thể hoàn thành bộ ba phim (trilogy) như ý định ban đầu. Hollywood rốt cuộc tái khởi động thương hiệu với bộ phim Hellboy năm 2019, và thành phẩm với David Harbour đóng chính trở thành thảm họa về cả chất lượng lẫn doanh thu. Harbour không phải là diễn viên tồi, nhưng phiên bản Hellboy của anh rõ ràng cần những nhà biên kịch, đạo diễn tài năng để hồi sinh.

Van Helsing: Bộ phim năm 2004 về thợ săn ma cà rồng do Hugh Jackman thể hiện không được lòng giới phê bình. Tuy nhiên, nhiều khán giả tỏ ra thích thú khi Van Helsing còn có sự góp mặt của nhiều quái vật điện ảnh nổi tiếng thập niên 1940. Kế hoạch tái khởi động thương hiệu từng xuất hiện từ 2012, nhưng đến giờ vẫn chưa thành hình. Universal vẫn đang loay hoay với Dark Universe, và Van Helsing có thể là chìa khóa giúp họ gỡ thế bí trong việc khai thác các thương hiệu quái vật mà hãng đang sở hữu.

John Carter: Disney trải qua cuộc cải tổ trên diện rộng sau khi John Carter khiến hãng thua lỗ gần 200 triệu USD hồi 2012. Kế hoạch thực hiện bộ ba phim vì thế cũng bị dẹp bỏ. Các yếu tố kỹ thuật của bộ phim rất tốt, nhưng nội dung kịch bản lại hơi cũ kỹ. Chuỗi nguyên tác văn học A Princess of Mars của Edgar Rice Burroughs vẫn còn đó và gây ảnh hưởng tới không ít bom tấn giả tưởng. Để John Carter hồi sinh, các nhà làm phim cần một cách tiếp tận hiện đại hơn với nguyên tác văn học, hoặc có thể biến loạt tiểu thuyết thành một series truyền hình nhằm truyền tải đầy đủ tinh thần của Burroughs.

Percy Jackson: Tác giả Rick Riordan nhiều lần công khai chỉ trích hai bộ phim chuyển thể từ loạt Percy Jackson do Fox thực hiện. Nhiều độc giả chia sẻ quan điểm đó, khiến The Lightning Thief (2010) và Sea of Monsters (2013) không đạt kết quả cao tại phòng vé, dù quy tụ nhiều ngôi sao hạng A và các tài năng trẻ Hollywood. Thời gian tới, Percy Jackson sẽ xuất hiện dưới định dạng series trên Disney+. Riordan hứa hẹn đây mới là phiên bản chuyển thể đúng đắn dành cho nguyên tác của ông và rất nhiều fan hy vọng điều đó sẽ trở thành sự thật.

The Last Airbender: Bộ phim chuyển thể từ series hoạt hình Avatar: The Last Airbender giống như “điểm đen” trong sự nghiệp của đạo diễn M. Night Shyamalan. Nội dung xa rời nguyên tác với cốt truyện rời rạc, lựa chọn diễn viên gây tranh cãi về màu da, kỹ xảo giả tạo, tất cả khiến tác phẩm năm 2010 trở thành trò cười và chỉ nhận điểm 5% trên Rotten Tomatoes. Kế hoạch thực hiện phiên bản mới của Netflix cũng trải qua nhiều trắc trở và chưa biết ngày nào mới trở thành sự thật. Dẫu vậy, fan của The Last Airbender vẫn chờ đợi tương lai tươi sáng khi nguyên tác vốn là một trong những loạt phim hoạt hình hay nhất mà Nickelodeon từng sản xuất.

Power Rangers: Giống như Ninja Rùa, 5 anh em siêu nhân là một cái tên nữa gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Song, số phận trên màn ảnh rộng của thương hiệu rất long đong. Gần nhất, bộ phim chuyển thể năm 2017 có kết quả thua kém tại phòng vé, khiến kế hoạch thực hiện phần hậu truyện bị hủy bỏ. Tuy nhiên, Hollywood chưa từ bỏ Power Rangers. Kế hoạch thực hiện một vũ trụ điện ảnh trên cả màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ đã được vạch ra. Điều cần nhất là biến Power Rangers gần gũi hơn với khán giả hiện đại, thay vì chỉ cố gắng tôn vinh giá trị xưa như bộ phim 2017.

10 bộ phim làm lại ăn khách nhất

Chuỗi phim remake các tác phẩm hoạt hình kinh điển thành phiên bản người đóng (live-action) của Disney giúp “nhà chuột” thống trị bảng xếp hạng doanh thu dành cho thể loại.

10 bộ phim nổi tiếng thực chất là bản làm lại

“Meet the Parents”, “Meet Joe Black”, “12 Monkeys” hay “True Lies” là các tác phẩm điện ảnh ghi dấu ấn với số đông công chúng và có nội dung dựa trên những bộ phim đi trước.

An Thanh

Ảnh: Outnow

Bạn có thể quan tâm