Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 trận đấu gây sốc nhất lịch sử bóng đá thế giới

Lịch sử bóng đá thế giới từng chứng kiến rất nhiều trận đấu có tỷ số gây sốc. Tuy nhiên, không trận nào có kết quả khiến người xem phải “ngã ngửa” như 10 trận đấu được liệt kê dưới đây…

10 trận đấu gây sốc nhất lịch sử bóng đá thế giới

Lịch sử bóng đá thế giới từng chứng kiến rất nhiều trận đấu có tỷ số gây sốc. Tuy nhiên, không trận nào có kết quả khiến người xem phải “ngã ngửa” như 10 trận đấu được liệt kê dưới đây…

10. Iraq 3-1 Australia (Vòng bảng Asian Cup 2007)

Australia đến với Asian Cup 2007 với vai trò là một trong những ứng cử viên vô địch hạng nặng. Tuy nhiên, ngay ở vòng đấu bảng, đội bóng xứ sở Kangaroo đã hoàn toàn “tắt điện” trước lối chơi “thánh chiến” của Iraq. Sau bàn thua ở phút 22, Australia đã đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát nhờ cú đánh đầu của Mark Viduka ở đầu hiệp 2. Tuy nhiên, bàn thắng của Viduka chẳng thay đổi được cục diện, bởi sau đó đại diện đến từ nước Úc vẫn phải phơi áo với thất bại 1-3.

Chiến thắng này đã tiếp thêm tinh thần cho các chiến binh Iraq để rồi họ lần lượt đánh bại Hàn Quốc (bán kết) và Saudi Arabia (chung kết) để lần đầu tiên đăng quang chức vô địch Asian Cup. Thành tích này không chỉ gây sốc đối với LĐBĐ Iraq, mà còn gây sốc đối với cả BTC của giải đấu này.

9. Anh 0-1 Mỹ (Vòng bảng World Cup 1950)

Anh đã có sự khởi đầu ấn tượng tại World Cup 1950 (ở Brazil) khi hạ gục Chile với tỷ số 2-0. Tuy nhiên, đến lượt trận thứ hai thì đội tuyển xứ sở sương mù lại gây thất vọng cùng cực. Đối đầu với một tuyển Mỹ bán chuyên nghiệp với phần lớn cầu thủ xuất thân là người đưa thư, người rửa chén bát, giáo viên, thợ máy…, Tam sư lại gặp bế tắc.

Không những không thể xuyên thủng được mảnh lưới của thủ thành Frank Borghi, tuyển Anh còn phải ôm hận khi để Gaetjens ghi bàn duy nhất ở phút 38 đem lại 2 điểm trọn vẹn cho “chú Sam” (thời điểm đó một trận thắng được tính 2 điểm). Kết thúc bảng đấu, tuyển Mỹ đứng bét bảng, song họ vẫn tự hào về chiến thắng lịch sử của mình trước người Anh.

8. Senegal 1-0 Pháp (Vòng bảng World Cup 2002)

Pháp bước vào giải đấu với vị thế của nhà ĐKVĐ thế giới khi đó (Pháp vô địch World Cup 1998). Thế nhưng, ngay ở trận đấu đầu tiên của vòng bảng, các cầu thủ áo lam đã bị dội gáo nước lạnh bởi Senegal - đối thủ được đánh giá yếu nhất bảng. Việc thiếu thủ lĩnh Zinedine Zidane (dính chấn thương) khiến Pháp thi đấu như rắn mất đầu và Les Bleus đã phải trả giá sau pha lập công duy nhất của tiền đạo 21 tuổi El Hadji Diouf.

Chưa dừng lại, tuyển Pháp còn tiếp tục gây sốc khi bị Uruguay cầm hòa và để thua Đan Mạch với tỷ số 0-2 ở hai trận còn lại. Kết quả là đoàn quân của HLV Roger Lemerre cúi đầu rời giải với vị trí bét bảng. Trong khi Senegal trở thành “ngựa ô” của giải khi tiến vào tận tứ kết, dừng bước trước một “ngựa ô” khác là Thổ Nhĩ Kỳ.

7. Zambia 0-0 Bờ Biển Ngà (Chung kết CAN 2012 - Zambia thắng penalty 8-7)

Zambia đã gây bất ngờ khi khép lại vòng bảng với vị trí dẫn đầu. Không dừng lại ở đó, đội bóng của HLV Herve Renard tiếp tục gây sốc khi vượt qua Sedan (tứ kết) và sau đó là Ghana (bán kết) để ghi tên mình vào trận chung kết. Đối đầu với Bờ Biển Ngà, ai cũng nghĩ Zambia sẽ nhận thất bại nặng nề chứ đừng nghĩ họ kéo đối thủ đến loạt penalty.

Song điều không ngờ đó đã xảy ra. Sau 120 phút kiên cường chống đỡ những cú ra đòn khủng khiếp, Zambia buộc Bờ Biển Ngà phải phân định thắng thua trên chấm 11m. Hai cú đá hỏng của Kolo Toure và Gervinho ở loạt sút thứ 8 và 9 đã trao chức vô địch vào tay Zambia trước sự bất ngờ của tất cả những người theo dõi trận đấu.

6. Tây Đức 1-2 Algeria (Vòng bảng World Cup 1982)

Sở hữu những ngôi sao sáng giá như Karl-Heinz Rummenigge, Paul Breitner và Pierre Littbarski trong đội hình, Tây Đức hứa hẹn sẽ vùi dập Algeria trong trận ra mắt World Cup 1982. Nhưng khi còn chưa tìm được bàn thắng mở tỷ số, Tây Đức đã bị dội gáo nước lạnh sau pha lập công của Rabah Madjer ở phút 54.

Những tưởng bàn gỡ của Rummenigge ở phút 67 sẽ mở ra cuộc lội ngược dòng cho Cỗ xe tăng thì chỉ một phút sau Lakhdar Belloumi đã dập tắt tham vọng của nhà vô địch World Cup 1974. Rất may ở trận gặp Áo và Chile sau đó, Tây Đức đã trỗi dậy kịp thời với hai trận toàn thắng, qua đó khép lại vòng bảng với vị trí số 1. Cùng được 4 điểm như Tây Đức và Áo, nhưng Algeria đã phải chia tay World Cup vì kém hiệu số bàn thắng thua.

5. Bồ Đào Nha 0-1 Hy Lạp (Chung kết Euro 2004)

Các cầu thủ Bồ Đào Nha bước vào trận chung kết Euro 2014 với đủ yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” trong tay. Song có vẻ như sức ép quá lớn từ các khán đài ở sân Da Luz đã khiến đôi chân của các ngôi sao như Luis Figo, Cris Ronaldo, Rui Costa… bị tê cứng. Trong suốt hiệp 1 và đầu hiệp 2, Selecao châu Âu chỉ có thể gây sức ép về phía Hy Lạp chứ không thể chọc thủng lưới.

Tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng, ắt phải trả giá. Quy luật đó một lần nữa xảy ra với Bồ Đào Nha. Trong một tình huống phạt góc hiếm hoi ở phút 57, Traianos Dellas đã chuyền bóng để Angelos Charisteas tận dụng chiều cao đánh đầu tung lưới đội chủ nhà. Thất bại này không chỉ khiến các cầu thủ, mà người dân Bồ Đào Nha cũng phải bật khóc. Trong khi HLV Otto Rehhagel đã được người dân Hy Lạp phong “Thánh” sau chiến công lịch sử này.

4. Brazil 0-2 Honduras (Tứ kết Copa America 2001)

“Tôi, Big Phil, sẽ đi vào lịch sử bóng đá thế giới khi dẫn dắt ĐT Brazil để thua Honduras. Đây là một điều khủng khiếp nhất từ trước tới nay”, HLV Luiz Felipe Scolari chua chát nói sau khi đội bóng của ông phơi áo trước nhược tiểu Honduras trong trận tứ kết Copa America 2001. Quả thực đây không chỉ là cú sốc đối với người dân Brazil, mà còn là cú sốc của bóng đá thế giới.

Khi đó Selecao đang có trong tay những cá nhân kiệt xuất như Carlos; Ronaldo; Ronaldinho… song họ đã phải nhận bàn thua ở phút 57. Cú đánh đầu của Saul Martinez đưa bóng đến cột dọc bật ra rồi xoáy ngược trở lại khiến nỗ lực cứu thua của hậu vệ Juliano Belletti trở thành trò hề. Phút 90+4, Brazil đã phải nhận nhát dao thứ hai sau pha phản công sắc lẹm của Honduras. Martinez tiếp tục trở thành người hùng khi lập cú đúp đem về chiến thắng 2-0 cho vị khách mời đến từ Trung Mỹ.

3. Hungary 2-3 Tây Đức (Chung kết World Cup 1954)

Giữa những năm 50 của thế kỷ trước, Hungary thực sự là gã khổng lồ tại châu Âu. Họ sở hữu những siêu cao thủ như Nandor Hidegkuti, Sandor Kocsis và đặc biệt là “kẻ hủy diệt” Ferenc Puskas. Thế nhưng, gã khổng lồ đó đã phải quỳ mọp dưới chân Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1954.

Điều đáng nói là Hungary đã có sự khởi đầu hoàn hảo ở trận chung kết vươn lên dẫn trước 2-0 chỉ sau 8 phút thi đấu nhờ pha lập công của Puskas (6') và Czibor (8'). Nhưng có vẻ như những bàn thắng dễ dàng đã tạo ra tâm lý chủ quan cho đội bóng Đông Âu. Kết quả là họ nhận hai bàn thua liên tiếp ở những phút thứ 10 và 18 (Morlock và Rahn ghi bàn). Cơn địa chấn nổ ra ở phút 84 khi Rahn ghi bàn thắng thứ 2, khép lại cuộc lội ngược dòng ngoạn mục cho Tây Đức.

2. Bắc Triều Tiên 1-0 Italy (Vòng bảng World Cup 1966)

Ngay trong lần đầu tiên góp mặt tại VCK World Cup, Bắc Triều Tiên đã gây ấn tượng mạnh đối với người hâm mộ túc cầu. Sau trận hòa ấn tượng 1-1 Chile ở lượt trận thứ 2, các chiến binh Bắc Hàn đã gây sốc khi chạm trán tuyển Ý ở loạt trận cuối. Bàn thắng duy nhất của Pak Doo-Ik ở phút 42 đã tiễn Azzurri rời giải với vị trí bét bảng, đồng thời giúp Bắc Triều Tiên ghi tên mình vào tứ kết.

Ở vòng 8 đội, Bắc Triều Tiên tiếp tục khiến giới mộ điệu phải sửng sốt khi sút tung lưới Bồ Đào Nha tới 3 bàn chỉ sau 25 phút thi đấu. Thế nhưng, đẳng cấp vượt trội đã giúp đại diện châu Âu tạo ra cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để giành chiến thắng chung cuộc 5-3, khép lại câu chuyện cổ tích mà người Bắc Hàn đã tạo ra trên đất Anh.

1. Brazil 1-2 Uruguay (Chung kết World Cup 1950)

Maracana được biết đến là thánh địa của đội tuyển Brazil. Bất cứ đối thủ nào tới đây cũng đều phải bỏ mạng. Đây chính là lý do tại sao trong buổi sáng cùng ngày diễn ra trận chung kết World Cup 1954, tờ O Mundo của Brazil tự tin đến mức đã đăng hình của Selecao với dòng title: “Đây là những nhà vô địch”. Tuy nhiên, diễn biến trận chung kết lại diễn ra theo chiều ngược lại.

Sau hiệp một gặp bế tắc, Friaca đã ghi bàn mở tỷ số cho Brazil ở ngay đầu hiệp 2 (phút 46). Tưởng chừng từ đây Brazil sẽ mở ra một trận đại thắng, song Uruguay đã chứng tỏ họ không phải là đối thủ dễ bị quy phục. Phút 66, Juan Alberto Schiaffino đã khiến 200 ngàn CĐV tại Maracana phải câm lặng khi ghi bàn gỡ hòa cho Uruguay. Trên đà hưng phấn, đội khách tiếp tục dồn ép và họ có được bàn ấn định tỷ số 2-1 của Alcides Ghiggia ở phút 79.

Thất bại của Brazil ở Maracana đã được nhà văn Nelson Rodrigues miêu tả như một quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã thả xuống Hiroshima cách đó ít năm. Trong khi thủ thành Barbosa của Selecao lại gào thét ông xứng đáng nhận án tù 50 năm khi gây nên thất bại thế kỷ này.

63 năm kể từ khi Uruguay thả “bom nguyên tử” xuống Maracana, đội tuyển Brazil của HLV Filipe Scolari đang đứng trước cơ hội xua đi ký ức đáng quên đó khi trận chung kết World Cup 2014 sẽ diễn ra chính tại Maracana.

TIỂU MINH

Theo Infonet

TIỂU MINH

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm