Hồi năm 2005, chỉ 25% người Mỹ tham gia trong cuộc thăm dò của ABC News và USA Today muốn sống đến trăm tuổi. Họ sợ tuổi già sẽ làm mất đi sức khỏe, trí tuệ cũng như khả năng tự chăm sóc bản thân. Nhưng có vẻ như không phải cứ già là yếu. Thậm chí, càng già nhiều người lại càng khỏe hơn.
Những cụ già trẻ trung
Một ngày cuối năm 2013, cánh phóng viên thể thao nước Nhật đã dồn tất cả sự chú ý vào đường chạy 100m ở lứa tuổi trên 80. Tâm điểm thuộc về cụ ông Miyazaki Hidekichi - người duy nhất trên 100 tuổi, lọt vào đợt chạy chung kết. Cuối cùng, ông đã không phụ lòng giới hâm mộ khi về nhất đợt chạy với thời gian 34,1 giây.
Ông Hidekichi chỉ là điểm sáng nhất trong số rất nhiều người tham dự Đại hội thể thao người cao tuổi Nhật Bản. Không đơn thuần là một ngày hội, đó còn là những ngày tranh tài thực sự, bởi nhiều người trong số họ, đều đang giữ kỷ lục thế giới và hướng tới việc tham dự Olympic người già.
Cụ ông 103 tuổi Miyazaki Hidekichi tại Đại hội thể thao người cao tuổi Nhật Bản. |
Mỗi người mỗi cảnh, nhưng tựu trung, tất cả đều biết cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để đạt được một sức khỏe phi thường ở độ tuổi “cổ lai hi”.
Bản thân ông Hidekichi khi còn trẻ, không có được sức khỏe tốt, từng trải qua bạo bệnh và phải tới năm 92 tuổi mới bắt đầu tập đẩy tạ. Rồi “Người đàn ông nhanh nhất hành tinh ở lứa tuổi trên 100” Hidekichi đã từng bị gãy chân khi đã 95 tuổi, phải nhập viện ba tháng và dính chặt với chiếc xe lăn. Nhưng ông vẫn hồi phục để quay lại đường đua. Bí quyết, chỉ đơn giản là “Bạn chỉ việc bước tới”.
Hay câu chuyện cảm động của cặp vợ chồng 80 tuổi Ishikawa Tadashi và vợ Yoko. Cách họ yêu thương nhau và luôn lạc quan trong cuộc sống đã giúp Ishikawa và Yoko vượt qua những khó khăn lớn của cuộc đời như trận động đất kinh hoàng ở phía đông nước Nhật vào giữa thế kỷ trước hoặc những ca phẫu thuật ung thư đau đớn.
Tổng cộng, họ đã có cùng nhau 58 huy chương các loại ở những Đại hội thể thao người già khác nhau. Và sắp tới, mục tiêu ở tuổi 80 của họ là sống cùng nhau càng lâu càng tốt và đoạt thêm càng nhiều huy chương càng hay.
Đến các ngôi làng người trăm tuổi
Liên hiệp quốc đánh giá Pakistan không phải là “thiên đường” cho những người cao tuổi. Độ tuổi bình quân của người dân tại nước này chỉ là 64 cho nam và 66 cho nữ.
Ấy vậy mà ở khu vực hẻo lánh thuộc vùng núi cao Kashmir, nơi giáp ranh với Ấn Độ, có một ngôi làng với rất nhiều người sống trên 100 tuổi. Ngôi làng này nằm ở khu vực bị lãng quên, bởi địa hình trắc trở nhưng tuyệt đẹp. Cứ mỗi năm, dân làng bị tuyết cô lập trong suốt 6 tháng.
Du khách hỏi thăm cụ Huang Meijan 99 tuổi (trái) và người cháu gái Huang Meije (76 tuổi) tại ngôi làng trăm tuổi ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. |
Cụ ông Hafeezulah, người dân trong làng, tự cho mình 132 tuổi nhưng thực ra theo cục quản lý dân số Pakistan cho biết ông… chỉ 107 tuổi là một thí dụ. Ông vẫn còn đang rất minh mẫn, đang sống với người vợ thứ tư kém mình đến 33 tuổi.
Theo ông Hafeezulah, nhịp điệu thanh bình, không khí trong lành và lối sống tự cung tự cấp tại nơi đây chính là bí quyết giúp cả làng sống lâu. Cụ Haffezulah chia sẻ: “Chúng tôi thường ăn rau và đậu. Trong mùa đông, cả làng chôn rau khô dưới lớp tuyết rồi đào lên ăn trong mùa hè. Thanh niên nam nữ thường dậy rất sớm, từ bốn giờ sáng và làm tất cả những công việc như đốn gỗ, dệt len,chăm sóc đàn gia súc”.
Còn cụ Sabat Khan, 92 tuổi không lý giải nhiều về lý do vì sao mình sống lâu như vậy. Ông chỉ đơn giản việc được sống lâu là do ít bệnh tật và được thượng đế phù hộ.
Tương tự, ngôi làng hẻo lánh Bama tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hiện có đến hơn 81 người sống khỏe mạnh trên 100 tuổi. Trong nghiên cứu của giáo sư Yang Ze thuộc Khoa di truyền bệnh viện Bắc Kinh yếu tố địa lý đã giúp người dân tại Bama sống lâu.
Thứ nhất, do không khí trong lành rất có ích cho sức khỏe. Và thứ hai, việc ngôi làng bị cô lập khiến dòng gen của những người dân ở nơi đây ít bị lai với những người ở khu vực khác. Sau quá trình chọn lọc tự nhiên, chỉ gene của những người khỏe mạnh mới được giữ lại, trong đó đáng chú ý có gene làm tiêu cholesterol trong máu.
Nhưng có lẽ điều quan trọng là lối sống an nhiên, tự cung tự cấp, lao động đồng áng và một thực đơn ít chất đạm khiến họ kéo dài tuổi thọ, tương tự như ngôi làng ở thung lũng Kashmir tại Pakistan.
Những mẩu chuyện kể trên chỉ là vài ví dụ điển hình cho số lượng rất đông những người sống đến hơn 100 tuổi trên khắp thế giới. Vậy bí quyết sống lâu của họ là gì? Lối sống, thực phẩm, hay yếu tố di truyền có phải là nhân tố quyết định?