"Mỗi một ngày, trên thế giới có khoảng 100.000 bài hát mới được phát hành. Tại Việt Nam, trung bình có 2-3 sản phẩm sẵn sàng để giới thiệu với khán giả trong một ngày", bà Hương Đoàn - cựu Giám đốc điều hành của Sony Music Group tại Việt Nam mở đầu chia sẻ bằng các số liệu về sự phát triển mạnh mẽ của thị trường âm nhạc trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bà Hương Đoàn nhấn mạnh ngành công nghiệp âm nhạc thay đổi liên tục, hàng ngày, hàng giờ. Trong xu thế công nghệ 4.0, cơ hội mở rộng và chia đều cho các nghệ sĩ. Tính cạnh tranh ngày càng cao giữa các ca sĩ vừa là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với mỗi người. Theo cựu Giám đốc điều hành của Sony Music Group, nghệ sĩ nào kiên định với cá tính, sự sáng tạo sẽ ghi dấu ấn cá nhân và được yêu mến trong thị trường âm nhạc Việt Nam ở 5 năm tới.
Tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam
Tọa đàm "Sự phát triển của ngành âm nhạc trong xu thế công nghệ 4.0 và các biến động xã hội" diễn ra trong hai ngày 8 và 9/12 tại TP.HCM. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực âm nhạc trong, ngoài nước.
Cũng tại tọa đàm, chủ đề "Tương lai thị trường âm nhạc Việt Nam trong 5 năm tới" nhận nhiều chia sẻ từ các chuyên gia.
Ông Tất Hữu Đăng Khoa - cựu Giám đốc âm nhạc TikTok Việt Nam - cho rằng việc thay đổi về thị hiếu nghe nhạc của những người trẻ thuộc thế hệ gen Z đang là đầu tàu để dẫn dắt thị trường âm nhạc hiện tại.
Theo quan sát của ông Đăng Khoa, thời gian qua, "văn hóa teaser” đang len lỏi trong thị hiếu nghe nhạc của thế hệ gen Z - những người sống nhanh và không có quá nhiều thời gian để tìm hiểu mọi thứ một cách sâu xa. Thông thường, các bạn trẻ sẽ nghe khoảng 15 giây hay nhất của một bài hát và sau đó tương tác với giai điệu, âm nhạc ca khúc đó.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc chia sẻ về tương lai của ngành trong những năm tới. |
Cựu Giám đốc âm nhạc TikTok Việt Nam cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nền tảng công nghệ, âm nhạc dần chuyển mình và thay đổi. Nếu trước kia, những người quyết định thành công của một sản phẩm là nhạc sĩ, ca sĩ, thời điểm hiện tại, producer (nhà sản xuất âm nhạc) đóng vai trò quan trọng.
"Những năm tới đây, các producer sẽ bước ra ngoài ánh sáng. Họ xuất hiện trên thị trường và khẳng định vai trò của mình. Tôi lấy ví dụ về producer Hoaprox. Ở Việt Nam, tên tuổi của Hoaprox không quá nổi tiếng song anh ấy từng có hit Ngẫu hứng nổi tiếng toàn cầu với 2 tỷ lượt nghe tại Trung Quốc và hơn 8 tỷ lượt nghe trên thị trường thế giới. Nhiều ca sĩ khác 'no name' trong nước nhưng lại được yêu thích tại Trung Quốc, Thái Lan. Đây là thời đại của các producer- những người kể chuyện bằng âm nhạc, melody", ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Đăng Khoa có cái nhìn lạc quan về bức tranh âm nhạc trong tương lai gần của Việt Nam. Ông nói 5 năm tới đây là thời cơ của nghệ sĩ trẻ - những người đam mê âm nhạc và có tài năng.
Theo các chuyên gia, 5 năm tới là thời cơ của những nghệ sĩ trẻ. |
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Minh Chi - làm việc tại Tập đoàn âm nhạc state51, Anh - chia sẻ vài năm tới, cách thức kiếm từ âm nhạc của nghệ sĩ sẽ trở nên đa dạng. Các ca sĩ cũng sẽ rời khỏi các phòng thu âm thực tế và chuyển sang một không gian sáng tạo ảo hoàn toàn mới (metaverse).
Ngoài những nghệ sĩ thực tế, việc xuất hiện các nghệ sĩ ảo (metavese artist) trở nên phổ biến. Các nghệ sĩ ảo sẽ tận dụng công nghệ để xây dựng thế giới ảo và phát hành sản phẩm, tương tác với khán giả của họ.
Bên cạnh các dòng nhạc truyền thống, EDM tiếp tục trỗi dậy, phát triển và tạo được vị thế riêng. Nhiều nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam sẽ có xu hướng làm mới những dòng nhạc dân gian như đưa hip-hop, EDM vào cải lương, hát xoan, xẩm để chạm tới cảm xúc nghe nhạc của thế hệ cũ và mới.
Theo dõi sự vận động của nền âm nhạc Việt Nam trong 5 năm qua, bà Hương Đoàn nói chủ đề nhận nhiều sự quan tâm nhất là vấn đề bản quyền, bảo vệ bản quyền. Nhận thức, sự quan tâm của nghệ sĩ, nhà sản xuất lẫn khán giả về vấn đề kể được nâng lên đáng kể trong những năm qua. Vì thế, 5 năm tới, ngành công nghiệp âm nhạc sẽ nhắc nhiều tới sự sáng tạo, tính cá nhân hóa của nghệ sĩ.
Điểm yếu của nghệ sĩ Việt
Bên lề buổi hội thảo, Zing đặt câu hỏi cho ông Tất Hữu Đăng Khoa về vấn đề nhạc Việt đang bị hủy hoại trên TikTok bởi xu hướng "nhạc 15-30 giây", cựu Giám đốc âm nhạc TikTok Việt Nam thừa nhận trào lưu có thể thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả.
Thay vì nghe trọn vẹn một ca khúc như trước, công chúng chỉ cần thưởng thức đoạn nhạc 15-30 giây quan trọng chủ yếu là điệp khúc hoặc drop.
Ông Tất Hữu Đăng Khoa - cựu Giám đốc âm nhạc TikTok Việt Nam - cho biết điểm yếu của nghệ sĩ Việt là thiếu đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. |
"Tuy nhiên, nhìn ở góc cạnh khác, nhờ những đoạn nhạc ngắn nói trên, khán giả sẽ tìm đến ca khúc hoàn chỉnh để tiếp tục thưởng thức. Ở phía nghệ sĩ, 'văn hóa teaser' giúp họ tìm hiểu thị trường, thị hiếu khán giả trước khi quyết định bỏ số tiền lớn để đầu tư cho sản phẩm âm nhạc hoàn cảnh", ông Khoa nói.
Về vấn đề nhạc rác, nhảm, phản cảm tràn ngập trên TikTok thời gian qua, ông Đăng Khoa cho rằng mọi nền tảng mạng xã hội đều ẩn chứa những nội dung tương tự. Vấn đề quan trọng nhất theo ông Khoa là cần nâng cao thị hiếu, tư duy nghe nhạc của khán giả. Đồng thời "không nên đồng nghĩa nhạc rác với nhạc mới, lạ".
"Nghệ sĩ tự phân luồng khán giả của họ. Khán giả cũng có xu hướng, thị hiếu nghe nhạc riêng. Sự tương hỗ của nền tảng công nghệ với âm nhạc, giá trị văn hóa là điều không phải bàn cãi. Câu chuyện đáng nói ở đây là làm sao để âm nhạc tích cực phổ biến hơn thay vì những giai điệu tiêu cực. Tất nhiên rồi, khi những điều tốt, hay được lan tỏa, nổi trội thì mọi điều xấu để dần mất đi. Điều này cũng phụ thuộc một phần vào động thái từ mỗi khán giả khi tiếp cận và sử dụng nền tảng mạng xã hội", ông Khoa bày tỏ.
Theo ông Khoa, trong quá trình làm việc, ông nhận thấy nhiều nghệ sĩ Việt thiếu một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và có tầm nhìn. Vì thế, khi tiếp cận một nền tảng mới, các nghệ sĩ thường tỏ ra lo sợ, thiếu niềm tin và bỏ qua cơ hội để có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, ông Đăng Khoa khẳng định nghệ sĩ trẻ hiện tại có nhiều thời cơ, thuận lợi để trở nên nổi tiếng so với thế hệ trước đây. Việc nhiều nền tảng công nghệ ra đời, phát triển khiến cơ hội quảng bá tên tuổi, đưa âm nhạc đến gần với công chúng trở nên dễ dàng.
Tuy nhiên, nghệ sĩ không nên dựa dẫm quá mức vào TikTok hay bất cứ nền tảng công nghệ nào. Điều quan trọng cuối cùng của nghệ sĩ là phải tập trung vào âm nhạc.
"Trong cuộc cạnh tranh gắt gao, khắc nghiệt giữa các nghệ sĩ và xu hướng thay đổi của thế giới, thị trường thực sự thuộc về người yêu âm nhạc và có tài năng", ông Khoa nói.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Hector Berlioz là một hiện tượng trong lịch sử âm nhạc, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại. Từ nhỏ, ông đã thông thạo nhiều nhạc cụ nhưng lại không biết chơi đàn piano. Hồi ký của Hector Berlioz (xuất bản năm 1870) được biết đến là cuốn sách được đón đọc và chuyển ngữ nhiều nhất. Cuốn sách là bản miêu tả vị trí quan trọng của nhà soạn nhạc này vào thuở bình minh trào lưu lãng mạn.