"Đến phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2 (TP.HCM), thấy bệnh nhân nằm ở đó, có những lúc tôi lúng túng không biết làm gì hết. Công việc luôn tay luôn chân, mồ hôi cứ thế đổ ướt đẫm bộ đồ bảo hộ. Nhiều khi ra khỏi phòng Hồi sức tích cực, cởi được bộ đồ bảo hộ giống như được trút gánh nặng vậy. Lên đến phòng nghỉ ngơi của nhân viên y tế, bản thân tôi chỉ biết uống nước rồi nằm thẳng ra không suy nghĩ được gì hết", Thảo My nói.
Nguyễn Thảo My đang làm việc ở phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2. |
Bố và con cùng đi chống dịch
Trở về quê là tỉnh Bình Phước để nghỉ lễ 30/4, Nguyễn Thảo My không nghĩ dịch Covid-19 bùng phát mạnh và phải dừng việc học trực tiếp ở trường. ĐH Y Dược TP.HCM - nơi Thảo My học tập thông báo chuyển sang hình thức học trực tuyến để giảng viên và sinh viên thuận tiện tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19 cho TP.HCM. Ở Bình Phước, My nhận được thông tin TP.HCM cần tình nguyện viên tham gia chống dịch nhưng không thể đăng ký vì đang thực hiện Chỉ thị 16.
Thời điểm đó, Thảo My đã đăng ký hỗ trợ tiêm chủng tại TP Đồng Xoài (Bình Phước) và xây dựng nội dung cho trang Tin tức Y khoa UMP - kênh thông tin do khoa Y (ĐH Y Dược TP.HCM) sáng lập nhằm chia sẻ kiến thức chuẩn Y khoa về dịch Covid-19 đến cộng đồng. Công việc hỗ trợ này của My kéo dài khoảng 4 tháng, đến cuối tháng 9, mẹ của nữ sinh viên đã liên hệ được phương tiện di chuyển xuống TP.HCM.
Có cơ hội trở lại TP.HCM, Thảo My đã xin phép gia đình và bày tỏ mong muốn được tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Chia sẻ với Zing, nữ sinh cho biết bản thân cảm thấy hạnh phúc khi được gia đình ủng hộ.
"Lúc tôi bày tỏ mong muốn đi chống dịch, bố đã nói 'con cứ đi đi, con còn trẻ, còn khỏe nên cứ sống và cống hiến cho xã hội, làm những gì mà con mong muốn, xong xuôi về đây với bố mẹ để ăn Tết'. Mẹ thì lo lắng và khi nào cũng dặn tôi phải chăm sóc cho bản thân thật tốt trước khi chăm sóc cho người khác", My nói.
Bố của My là bộ đội. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cả My và bố cùng tham gia hỗ trợ chống dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, nữ sinh và bố đã không gặp nhau 8 tháng. Phương tiện duy nhất để nữ sinh gặp mặt bố mẹ là màn hình điện thoại. Những cuộc gọi từ gia đình đã động viên My suốt 105 ngày chống dịch ở TP.HCM.
Thảo My cùng các bạn tình nguyện viên khác tại phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2. |
Những bộ đồ bảo hộ đẫm mồ hôi
Ở TP.HCM, Thảo My tham gia hỗ trợ tại phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2. Công việc của My là điều trị và hỗ trợ bệnh nhân Covid-19. Nữ sinh cho biết đa phần bệnh nhân ở phòng Hồi sức tích cực đều nhiễm mức độ nặng hoặc nguy kịch, khối lượng công việc vì vậy cũng nhiều hơn do bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân và cũng không có người nhà chăm nuôi.
Mỗi ngày, Thảo My tham gia trực 8 tiếng. Thời gian bắt đầu vào ca trực của My là khác nhau. Có ngày nữ sinh bắt đầu công việc từ 8h, khi thì bắt đầu vào 16h hoặc 0h đêm. Những lúc không trong ca trực, My sẽ học online hoặc tự làm bài tập.
"Tham gia hỗ trợ ở phòng Hồi sức tích cực đồng nghĩa với khoảng thời gian giải trí, ngủ nghỉ của tôi ít hơn trước. Có những hôm, vừa kết thúc ca trực là tôi vào học online luôn. Công việc đòi hỏi tôi phải luôn tay luôn chân, từ thăm khám, theo dõi các dấu hiệu nặng của bệnh nhân đến xử trí những tình huống cấp cứu. Đôi khi công việc nhẹ nhàng hơn là cho bệnh nhân ăn hoặc hướng dẫn bệnh nhân thở…", nữ sinh viên kể.
Làm việc ở phòng Hồi sức tích cực thời gian dài, Thảo My không quên những ngày trực nắng nóng, trong phòng kín, bộ đồ bảo hộ vừa vướng víu, vừa ướt đẫm mồ hôi. Nhưng cả My và các nhân viên y tế khác, ai cũng chịu khó mặc nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân vì đây là điều kiện cần để chăm sóc bệnh nhân.
"Có những cảm giác tôi chỉ dám trải qua một lần. Khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11/2021, số lượng bệnh nhân nhập viện ở phòng Hồi sức tích cực tăng lên nên trước khi vào ca trực, tôi đều uống cafe để đảm bảo năng suất làm việc tốt nhất. Tôi nghĩ, khoảng thời gian dịch bùng phát mạnh, các bác sĩ đã phải trải qua những cảm xúc mệt mỏi hơn rất nhiều", nữ sinh nói.
Sau giờ làm việc, My cùng các nhân viên y tế trở lại khu vực nhà ở của nhân viên trong Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2 để nghỉ ngơi. Những lúc mệt mỏi, các nhân viên y tế hay tụ họp và động viên nhau. Ở phòng của Thảo My, các bác sĩ, điều dưỡng viên cũng thường tập yoga để giảm căng thẳng.
Ở ĐH Y Dược TP.HCM, Thảo My tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội. |
Gánh nặng mang tên 'trách nhiệm'
"Chắc chắn sẽ có những bệnh nhân tôi nhớ tới cuối đời. Khi nhìn thấy bệnh nhân nguy kịch, tôi đã cảm nhận được ranh giới giữa sự sống và cái chết. Đôi khi, tôi chỉ có thể nhìn thấy chỉ số oxy của bệnh nhân đang giảm dần mà không biết phải làm gì tốt hơn. Những lúc như vậy, tôi nhận ra bản thân thật nhỏ bé khi đến giới hạn mà chúng tôi không thể làm gì hơn", Thảo My nói.
Đối với My, "trách nhiệm" là niềm tự hào vì cô có thể giúp bệnh nhân hồi phục, nhưng đó cũng là gánh nặng khi cô đứng trước giới hạn với bệnh nhân.
"Trước đây, khi đi thực tập tại bệnh viện, bản thân tôi chưa bao giờ trải qua những cảm xúc bỡ ngỡ như thế này cho đến khi đứng trong phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến. Tôi chỉ nghe thầy cô, anh chị mô tả, chưa trải qua để hiểu được cảm giác lúc đó, nhưng đến hiện tại, tôi nghĩ mình đã thấu hiểu phần nào. Tôi luôn mong muốn làm được điều tốt nhất cho bệnh nhân và hy vọng bệnh nhân tốt hơn từng ngày", nữ sinh chia sẻ.
Tham gia hỗ trợ ở Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2 hơn 105 ngày, Thảo My đã đón Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch xa gia đình. Những ngày cuối năm, nữ sinh nhận các cuộc gọi mong ngóng con trở về nhiều hơn từ gia đình. Thảo My dự định thực hiện các công việc ở phòng Hồi sức tích cực đến 22/1 và trở về nhà đón Tết Nhâm Dần.
"Sau Tết thời gian học và thi của tôi tăng lên nên tôi phải chăm chỉ hơn trong việc học, đặc biệt khi tôi đang là sinh viên năm 6. Tôi mong tình hình dịch bệnh sẽ giảm để các bác sĩ ở phòng Hồi sức tích cực sẽ không quá nặng nề", nữ sinh viên nói.
Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh, Phó bí thư Đoàn khoa Y, ĐH Y Dược TP.HCM nhận xét Thảo My là một người có trách nhiệm trong công việc, năng nổ tham gia các hoạt động, sáng tạo và có nhiều ý tưởng tổ chức các chương trình liên quan đến sinh viên trường.
"Các bạn sinh viên có thể học hỏi ở My cách tổ chức và sắp xếp thời gian. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể học hỏi tinh thần trách nhiệm, chu toàn trong mọi công việc của My và cách nữ sinh viên này giao tiếp đối xử với mọi người", bác sĩ Thùy Linh nói.
"Thảo My làm việc rất chăm chỉ. Vào ca trực, My thường quan sát bệnh nhân rất kỹ. Thông thường, những bạn tình nguyện viên khi mới vào làm việc ở phòng Hồi sức tích cực sẽ đứng đợi hướng dẫn do chưa từng thực hiện công việc này, nhưng My thì ngược lại. Thảo My rất chủ động và chịu khó hỏi bệnh nhân để theo sát diễn biến bệnh tình của họ", bác sĩ Bùi Trương Trâm Anh, làm việc ở phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 2, nói.