Dư Gia Thành Đạt, 22 tuổi, nằm trong lực lượng dân quân hỗ trợ người dân tại quận 6 (TP.HCM) phòng, chống dịch Covid-19 đã nhiều tuần nay. Khác mọi ngày tất bật với những công việc không tên trong mùa dịch và đứng chốt chặn tại điểm ra vào khu vực tới khuya, đôi chân của Đạt hôm nay bước chậm về nhà khi mặt trời còn chưa lặn.
Kết quả test nhanh tại trạm y tế phường cho thấy Đạt dương tính với SARS-CoV-2.
Đạt được yêu cầu trở về cách ly tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp rRT-PCR. Khoảnh khắc cầm giấy báo kết quả trên tay, lạ là Đạt không lo lắng.
“Tôi biết ngày này sẽ đến với mình và đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy buồn. Có lẽ vì thâm tâm không muốn dự đoán của mình đúng”, Đạt nhớ lại.
Chuẩn bị một "tâm trạng lạc quan"
Sau khi trở về nhà và tự cách ly, Đạt nhận được điện thoại của nhân viên y tế phường về kết quả xét nghiệm khẳng định mình dương tính với virus. Người ở phía bên kia đầu dây dặn Đạt chuẩn bị quần áo, đồ đạc cá nhân. Khoảng 30 phút sau, xe của lực lượng y tế địa phương có mặt, sẵn sàng đưa Đạt tới Bệnh viện dã chiến số 2.
Đạt nhận kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: NVCC. |
“Lúc mới nhận kết quả khẳng định, trong đầu tôi nảy lên cảm giác sợ hãi, không phải với bản thân, mà nghĩ có thể mình đã lây cho gia đình suốt thời gian qua. Tuy nhiên, khi biết cả nhà đều an toàn, tâm lý của tôi nhẹ nhàng hơn. Tôi tự nghĩ rằng mình chuẩn bị có một chuyến du lịch dài ngày”, Đạt cười.
Viết trên trang cá nhân của mình, Đạt liệt kê một số vật dụng để những người khác có thể mang theo nếu không may nhiễm nCoV và cũng phải tới cơ sở y tế cách ly, điều trị:
- 3 bộ quần áo, 1 khăn tắm, 3 móc treo (nên mang những bộ dễ giặt, nhanh khô).
- 1 gối ngủ, chăn.
- Bàn chải, kem đánh răng, dao và kem cạo râu.
- Xà phòng tắm, gội.
- Xà phòng giặt, chậu nhỏ (nếu cần).
- 1 hộp khẩu trang, 1 chai cồn sát khuẩn và kìm cắt móng tay.
- 1 cái bát, thìa, đũa và nước rửa bát.
- Bình đun siêu tốc.
- Vài chai nước, thức ăn nhanh, mỳ gói (mang vừa đủ dùng)
- Một chút tiền mặt.
Và
- Một tâm trạng lạc quan, vui vẻ.
Không còn lo bị bỏ đói
Có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 2 sau chuyến xe vội vã và kỳ lạ, Đạt ngạc nhiên trước những điều mình nhận được.
“Ấn tượng đầu tiên là các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, chu đáo khi hỏi thăm và chăm sóc tôi. Phòng nghỉ cho F0 cũng rất rộng và thông thoáng. Khi còn ở nhà, tôi đã tưởng tượng bệnh viện dã chiến là một nơi kinh khủng. Thành thực, qua những hình ảnh, video xem được trên mạng xã hội, tôi đã nghĩ mình sẽ bị bỏ đói, nếu có, đồ ăn cũng rất tệ, không có chỗ ngủ, phải nằm đất và bệnh nặng càng thêm nặng”, Đạt ngượng ngùng nhớ lại.
Những bữa ăn và sự quan tâm của nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến số 2 khiến Đạt thay đổi suy nghĩ. Ảnh: NVCC. |
11 ngày cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2, những suy nghĩ này của Đạt được thay thế hoàn toàn bằng ấn tượng tốt đẹp về các cơ sở tiếp nhận và điều trị người mắc Covid-19.
Đạt kể lại: “Mỗi ngày, tôi được các nhân viên y tế, đội tình nguyện tại đây cung cấp đồ ăn đủ 3 bữa. Chất lượng các bữa ăn cũng rất tốt. Thậm chí, chúng tôi còn được phát sữa uống nữa, không lo đói”.
Trong suốt thời gian cách ly tại bệnh viện dã chiến, Đạt may mắn không xuất hiện những diễn biến nặng hơn, tình trạng sức khỏe ổn định và chỉ ho nhẹ. Do nằm trong lực lượng dân quân hỗ trợ phòng dịch, Đạt cho hay đã được tiêm mũi 1 vaccine Covid-19.
“Dù đã chuẩn bị tâm lý cùng một mũi vaccine được tiêm, tôi vẫn không khỏi lo lắng việc liệu mình có sớm vượt qua căn bệnh này hay không. Hàng trăm câu hỏi xuất hiện trong đầu, tôi băn khoăn về khả năng khỏi bệnh của mình. Đâu đó, tôi vẫn nghĩ mình có thể không được trở về nhà nữa”, Đạt tâm sự.
Trải qua hơn một tuần theo dõi và không xuất hiện các triệu chứng bất thường, Đạt được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Ngày thứ 11, cầm tờ giấy xuất viện trên tay, Đạt không giấu nổi nụ cười bất giác nở trên môi.
Khoảnh khắc cầm trên tay giấy ra viện mang đến cho Đạt cảm xúc đặc biệt sau 11 ngày đáng nhớ. Ảnh: NVCC. |
Vẫn giữ tâm trạng của một chuyến du lịch dài ngày, Đạt không quên “review” trên mạng xã hội: “Cách ly về thì đi bằng gì? Mọi người có thể đi taxi về hoặc nhờ xe 50 chỗ của cơ sở y tế. Hai phương tiện này đều mất phí nha”.
Sau khi trở về, Đạt được yêu cầu giữ lại giấy xuất viện, báo cho nhân viên y tế tại địa phương để được hướng dẫn. Cứ như vậy, người thanh niên kết thúc “chuyến đi 11 ngày” của mình.
Đạt nhắn nhủ: “Nếu không may nhiễm virus, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mọi người cần thực sự bình tĩnh, cố gắng suy nghĩ tích cực, uống nhiều nước và đặc biệt, ăn đủ chất, không bỏ bữa. Dẫu vậy, mọi người cần tuyệt đối tránh chủ quan. Bản thân tôi đã tiêm vaccine nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh”.