11/9 - những khoảnh khắc khó quên của vụ khủng bố thay đổi nước Mỹ
Thứ ba, 11/9/2018 00:25 (GMT+7)
00:25 11/9/2018
Hình ảnh những chiếc máy bay lao vào tòa tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới, thành phố New York, khiến hàng nghìn người thiệt mạng sau 17 năm vẫn ám ảnh nước Mỹ.
Đúng 8h46 ngày 11/9, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của toà tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới ở thành phố New York. Giây phút khiến cả nước Mỹ sững sờ và thế giới bàng hoàng khi một vụ khủng bố xảy ra, đánh thẳng vào trung tâm kinh tế - tài chính của nước Mỹ. Ảnh: AP.
Hình ảnh tòa tháp Bắc của Trung tâm Thương mại thế giới sau khi bị chiếc máy bay của hãng American Airlines lao vào. Ảnh: AP.
Khoảnh khắc chuyến bay số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines lao vào tòa pháp phía nam Trung tâm Thương mại Thế giới lúc 9h03 sáng ngày 11/9/2001 theo giờ địa phương. Trước đó, những tên không tặc khác đã cướp máy bay và lao vào tòa tháp phía bắc. Ảnh: Getty
Cú va chạm giữa máy bay chở khách với tòa tháp phía nam tạo thành quả cầu lửa khổng lồ giữa không trung. Bên cạnh đó, tòa tháp phía bắc vẫn tiếp tục bốc cháy dữ dội. Ảnh: Getty
17 phút sau khi vụ tấn công đầu tiên xảy ra, chiếc máy bay số hiệu 175 của hãng United Airlines đâm vào tầng 75 đến tầng 85 của tòa tháp phía Nam. Trong ảnh, những người có mặt trong tháp Bắc treo người lơ lửng trên các cửa sổ khi khói và lửa bao trùm toàn bộ không gian những tầng cao nhất của tòa nhà. Ảnh: Getty.
Nhiều người đã nhảy từ độ cao hàng trăm mét, lựa chọn cái chết ngay lập tức thay vì bị "tra tấn" bởi lửa và khói, lúc này đã tràn ngập nhiều tầng của hai tòa tháp đôi. Trong ảnh, một người nhảy khỏi tháp phía Bắc. Ảnh: AFP.
Tòa tháp phía Bắc hư hại nặng sau khi chiếc máy bay Boeing 767 lao vào. Ảnh: AP.
Tòa tháp phía Nam sụp đổ lúc 9h59 sáng 11/9 tức 56 phút sau khi bị tấn công. 29 phút sau đó, công trình song sinh của nó cũng sụp đổ sau khi bị tấn công 1 giờ 42 phút. Trong ảnh, giây phút cuối cùng của tòa tháp phía Nam trước khi nó sụp đổ. Ảnh: Getty.
Gạch đá từ vụ sụp đổ tòa tháp phía Bắc đã rơi xuống tòa tháp số 7 WTC, khiến tòa nhà này bốc cháy dữ dội, phá hủy nghiêm trọng kết cấu công trình này. Tòa tháp số 7 WTC sau đó sụp đổ lúc 17h21 cùng ngày. Ảnh: AP.
Các vụ tấn công xảy ra trong ngày 11/9 đã khiến 2.996 người thiệt mạng, trong đó có 343 lính cứu hỏa. Riêng vụ không tặc vào hai tòa tháp đôi ở thành phố New York đã khiến 2.606 người thiệt mạng. Hơn 6.000 người bị thương sau các vụ khủng bố này. Sau 17 năm, thi hài của hơn 1.000 nạn nhân thiệt mạng vẫn chưa được xác định. Ảnh: AP
Các mảnh vỡ từ tòa tháp Nam rơi xuống khu vực xung quanh khi tòa nhà này sụp đổ. Ảnh: AP.
Khoảnh khắc tòa tháp Bắc sụp đổ sau 102 phút kể từ khi hứng chịu cú đâm từ chiếc máy bay Boeing 767. Ảnh: AP.
Khói bụi bao trùm một diện tích lớn xung quanh khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới. Ảnh: Time.
Một lính cứu hỏa tìm những người mắc kẹt trong đống đổ nát sau khi hai tòa tháp đôi sụp đổ. Ảnh: The Atlantic.
Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy tại hiện trường nơi hai tòa tháp đôi sụp đổ. Ảnh: Atlantic.
Người đàn ông đứng trước đống đổ nát nơi từng là tòa tháp đôi, biểu tượng cho sự thịnh vượng của thành phố New York. Ảnh: Getty.
Đường phố khu vực Manhattan bị lấp đầy bởi gạch đá và bụi sau khi hai tòa tháp đôi sụp đổ. Ảnh: AP.
Cũng trong ngày 11/9, tòa nhà Lầu Năm Góc, trụ sở bộ Quốc phòng Mỹ, ở bang Virginia cũng bị tấn công. Máy bay Boeing 757 của hãng American Airlines đâm vào tòa nhà này lúc 9h37. Một phần của Lầu Năm Góc bị phá hủy nghiêm trọng sau vụ tấn công.
Người Mỹ bên ngoài nhà thờ gần khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới tìm cách rời khỏi vùng nguy hiểm. Lúc này khói bụi và gạch đá đã phủ kín mặt đất. Ảnh: AP.
Một thanh niên Mỹ bật khóc sau khi chứng kiến tòa tháp Bắc sụp đổ. Ảnh: AP.
Bụi và khói từ vụ tấn công tòa tháp đôi đã gây ra hậu quả nặng nề và lâu dài với nhiều người dân New York. Nhiều người mắc những căn bệnh về dạ dày và hô hấp do hít phải bụi và khói độc sau khi hai tòa tháp đôi sụp đổ. Ảnh: AFP.
Khoảnh khắc Tổng thống Mỹ George W.Bush được thông báo về vụ tấn công tòa tháp đôi ở New York, khi ông Bush đang thăm một trường mẫu giáo ở bang Florida. Vụ tấn công đã mở đầu cho cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vị toàn cầu của nước Mỹ, cuộc chiến khiến Washington tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD mà sau 17 năm vẫn chưa đến hồi kết.
Hàng chục ngàn người vội vã rời New York sau vụ khủng bố kinh hoàng. Nó tương tự như cảnh quay trong các bộ phim của Hollywood về đại thảm họa. Ảnh: AP
Từ đầu tới chân cô Marcy Borders, một trong những người may mắn thoát khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới, bị bụi trắng bao phủ khi tòa nhà sập. Ảnh: Getty
Vụ khủng bố tạo ra đám bụi khổng lồ bốc cao hàng nghìn mét trên bầu trời New York. Ảnh: New York Times
Những gì còn sót lại của hai tòa nhà sau vụ khủng bố. Ngày nay, người ta gọi khu vực là Ground Zero (vùng đất số không) và xây dựng trên đó bảo tàng cùng khu tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Getty
Lính cứu hỏa dìu một nạn nhân khỏi hiện trường. Ảnh: Getty
Cựu tổng thống Mỹ George W.Bush gặp gỡ và động viên lính cứu hỏa, những người trực tiếp tham gia nỗ lực giải cứu nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Rất nhiều lính cứu hỏa chết hoặc bị thương khi không kịp thoát khỏi các tòa nhà lúc nó sụp đổ. Ảnh: AP
Tiếng la thất thanh "Ôi lạy Chúa tôi" từ những người nhìn thấy cảnh chiếc máy bay khủng bố lao vào tòa tháp đôi ở New York 16 năm trước sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh của nhân loại.
Sau gần 3 giờ đồng hồ bị trì hoãn, thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza chính thức có hiệu lực với việc Hamas cung cấp danh sách con tin được trao trả cho Israel.
Thời hạn bắt đầu lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã trôi qua song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng lệnh này sẽ không có hiệu lực cho đến khi Hamas cung cấp danh sách con tin.