Tôi là Huỳnh Hạt Quế Tiên (34 tuổi), một trong những điều dưỡng tại khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM). Năm 23 tuổi, tôi trở thành điều dưỡng và gắn bó với công việc mà nhiều người thường đùa là “làm dâu trăm họ” cho đến nay. |
13 năm không quá dài, nhưng đủ để tôi trải qua nhiều cảm xúc thăng trầm, vui buồn cùng với nghề. Tôi thích chăm sóc cho mọi người và ấp ủ giấc mơ trở thành điều dưỡng từ nhỏ. Mặc dù người thân và bạn bè khuyên ngăn rằng công việc vất vả, tôi vẫn kiên định theo đuổi nghề y. |
Những năm đầu ra trường, tôi có cơ hội làm việc ở các khoa và phòng khám tại nhiều bệnh viện khác nhau. Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc người bệnh, chứng kiến khoảnh khắc họ hạnh phúc khi hồi phục, nhưng đôi khi cũng là nỗi lo lắng vì bệnh tình. |
Tôi nhớ như in những ngày đầu khi thay bỉm, tã, vệ sinh cơ thể cho bệnh nhân. Về đến nhà, tôi vẫn còn ám ảnh vì mùi phân, mùi cơ thể của họ. Nhưng dần dần, cảm giác đó cũng qua đi, tôi làm công việc này như chăm sóc người thân trong nhà. |
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm ở các khoa - phòng khác nhau, tôi thấy bản thân phù hợp với khoa hồi sức tích cực, tôi đã đăng ký học chứng chỉ hồi sinh tim phổi và nghiên cứu thêm tài liệu liên quan chăm sóc người bệnh để trở thành điều dưỡng khoa ICU. |
Ngày đầu bước chân vào khoa, không gian tràn ngập tiếng máy móc. Những đồng nghiệp khác cũng khẩn trương, liên tục làm việc như con thoi. Tôi tự nhủ phải cố gắng trau dồi chuyên môn nhiều hơn để hoàn thành công việc này. |
Mỗi ca trực, tôi được phân công theo dõi, chăm sóc một hoặc 2 người. Buổi sáng, sau khi thăm khám, theo y lệnh của bác sĩ, tôi sẽ tiêm thuốc hoặc làm xét nghiệm, lấy máu cho bệnh nhân (nếu cần). |
Cô Minh Hồng (68 tuổi) đã nằm ở ICU khá lâu. Cô bị suy hô hấp, gãy xương sườn và bó bột cẳng chân. Cứ mỗi một đến 2 giờ, tôi sẽ đến kiểm tra khả năng tưới máu ở chân, theo dõi chỉ số nhịp tim, huyết áp của cô. Cô đang hồi phục tốt dần, cũng là điều khiến điều dưỡng như chúng tôi hạnh phúc nhất. |
Trước khi thực hiện các thủ thuật hay làm vệ sinh cá nhân, tôi sẽ hỏi tên, tuổi và tình trạng của các cô, chú. Việc này không chỉ đơn giản là định danh bệnh nhân mà còn giúp các cô, chú nói chuyện nhiều hơn, phần nào vơi đi nỗi cô đơn khi điều trị tại đây. Ở khoa ICU, việc được nói chuyện, cử động bình thường là kỳ tích và chúng tôi luôn mong chờ người bệnh được hồi phục sức khỏe sớm nhất. |
Với bệnh nhân ở ICU, người bầu bạn duy nhất là điều dưỡng. Khi họ tỉnh táo, tôi thường tìm cách gợi chuyện để họ thấy bớt trống vắng và biết được lúc nào cũng có người túc trực bên cạnh mình. |
Có bệnh nhân nhớ gia đình đến mức gọi tôi bằng tên của con gái hay vợ họ. Tôi đã quen với điều này và không thấy phiền hà. Trái lại, tôi hạnh phúc lạ thường vì phần nào giúp họ vơi đi nỗi cô độc, buồn bã trong những ngày một mình ở phòng hồi sức. |
Tôi luôn xem bệnh nhân như người thân của mình. Khi thấy họ lo lắng về bệnh tình hay tỏ ra buồn bã, trong lòng tôi cũng rất xót xa. Lúc này, tôi sẽ đến để giải thích chậm rãi về tình hình bệnh, động viên họ cố gắng hồi phục tốt để nhanh chóng về đoàn tụ gia đình. |
Chú Minh Tiến (65 tuổi) cứ khoảng 10-15 phút lại hỏi tôi sao vợ chú chưa vào thăm. Đôi khi, chú gọi tôi bằng tên của con gái, hỏi vì sao lại nằm ở đây… Mỗi khi nghe tiếng mọi người nói chuyện, chú đều cất giọng lớn như muốn được chú ý. |
Thông thường, chúng tôi túc trực bên cạnh bệnh nhân vì sợ lúc họ ngủ say sẽ vô tình trở mình, ảnh hưởng thiết bị gắn trên người. Thỉnh thoảng, tôi nhờ đồng nghiệp trông hộ bệnh nhân 10-15 phút để tranh thủ đi ăn. Nhưng cũng có hôm, mải mê lo cho bệnh nhân khiến tôi quên luôn cả đói. |
Mọi người thường nghĩ nghề điều dưỡng chỉ làm các công việc như vệ sinh cá nhân và đút bệnh nhân ăn. Thực tế, điều dưỡng còn làm nhiều hơn thế. Vì vậy, tôi luôn trang bị kiến thức y khoa thật tốt, rèn luyện các thao tác, kỹ thuật nhuần nhuyễn và chính xác. Trong hình, tôi cùng đồng nghiệp hỗ trợ bác sĩ siêu âm để kiểm tra ống nội khí quản vừa đặt cho bệnh nhân. |
ICU là khoa bệnh nặng, nơi chứng kiến rõ ràng nhất ranh giới của sự sống và cái chết. Do đó, sự hồi phục hàng ngày của bệnh nhân như tiếp thêm sức mạnh, động lực để tôi gắn bó với nghề. |
Nghề điều dưỡng không hẳn “làm dâu trăm họ” như mọi người thường nghĩ, bất cứ công việc nào cũng sẽ có khó khăn, áp lực riêng. Nhưng với điều dưỡng, phía sau áp lực, chúng tôi nhận được tình yêu thương, ánh mắt trìu mến và bàn tay siết chặt với chi chít thiết bị từ bệnh nhân. Những điều này đủ để chúng tôi cảm nhận được sự yêu quý của bệnh nhân dành cho mình. |