Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

12 nguồn 'bí mật' gây ô nhiễm không khí trong nhà

Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ ước tính tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao gấp 8 lần ô nhiễm không khí ngoài trời.

Tuy nhiên, Tạp chí Women's Health cho biết chỉ với một chút thay đổi, bạn có thể góp phần làm sạch môi trường sống của các thành viên trong gia đình, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc những bệnh như hen suyễn, chóng mặt, béo phì hay thậm chí là ung thư.

Nhà tắm

o nhiem khong khi trong nha anh 1
Các chất độc hại không chỉ xâm nhập vào cơ thể qua đường uống mà còn bằng hoạt động thường ngày là tắm. Ảnh: ShutterStock

Bạn sốt sắng lắp đặt bộ lọc để lấy nước uống, nhưng còn nước tắm thì sao? Ban cố vấn về Ung thư của Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khuyến cáo, lắp bộ lọc cho cả nước uống lẫn nước tắm là việc quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ bản thân trước ung thư.

Chỉ 10 phút tắm bồn hay vòi hoa sen, bạn có thể hấp thụ chlorine cao gấp 100 lần so với việc uống 3,78 lít nước cùng loại. Thiếu bộ lọc và hệ thống thông gió, chất độc chlorine có thể trở thành khí gas bay khắp nhà.

Để khắc phục điều này, bạn hãy chọn sản phẩm có uy tín và chất lượng để lọc chlorine trong nước. 

Tầng hầm/nhà kho

Có rất nhiều thứ trong nhà kho có thể làm bẩn không khí. Những hộp sơn - dù chưa mở - vẫn có khả năng phát tán ra không khí hợp chất hữu cơ độc hại VOC.

Do đó, tốt hơn hết là bạn nên mang những thùng sơn cho người đang cần hơn là lưu trữ ở nhà. 

Nội thất

Hợp chất hữu cơ độc hại VOC có thể phát tán từ keo, các loại chất kết dính được sử dụng trong gỗ dán, ván dăm, các sản phẩm gỗ composite thường dùng để tạo nên không ít đồ nội thất trong nhà. Để tránh khí độc từ nguồn này, bạn có thể sử dụng loại sơn an toàn AFM Safecoat. Trong tương lai, tránh mua đồ nội thất có khả năng phát tán chất độc.

Mỹ phẩm

o nhiem khong khi trong nha anh 2
Nên chọn các loại nước hoa an toàn cho cơ thể. Ảnh: ShutterStock.

Bạn chọn ăn thực phẩm hữu cơ (organic) nhưng điều đó là chưa đủ để bảo vệ cơ thể. Với nhiều người, việc dùng nước hoa gần như trở thành một nghi thức thường nhật, nhưng ít ai biết rằng phần lớn loại nước hoa và dầu thơm nhân tạo khác đều có chứa chất độc hại, và thẩm thấu vào người qua da và phổi.

Thay vì phải triệt tiêu sở thích cũng như thói quen làm đẹp, bạn hãy tìm kiếm những sản phẩm nước hoa an toàn. Điều này áp dụng cho cả những sản phẩm chăm sóc cơ thể có mùi thơm khác như dầu gội, sữa tắm,... Tránh xa những sản phẩm mà thành phần có ghi "parfum" hay "fragrance".

Đồ trang trí

Bạn có tin ngay cả một chiếc bánh Gingerbread trang trí Giáng Sinh cũng không hoàn toàn vô tội. Bởi nếu được làm bằng nhựa, thứ đồ trang trí đáng yêu này thực ra đang đầu độc không khí nhà bạn. Một cuộc điều tra năm 2009 đăng trên tạp chí Ground Water Monitoring & Remediation đã cho thấy một bức tượng trang trí Giáng sinh bằng nhựa có thể làm ô nhiễm không khí trong nhà với hợp chất dung môi công nghiệp 1.2DCA - chất có khả năng sinh ung thư cho con người.

Thay vì chọn đồ bằng nhựa, bạn nên mua đồ trang trí bằng thủy tinh, vải hoặc những chất liệu tự nhiên khác. 

Thảm

Vào mùa đông, thảm đem lại cảm giác ấm áp và thoải mái, nhưng nó lại là lựa chọn tồi nếu xét về khía cạnh chất lượng không khí trong nhà. Bởi lẽ thảm là nơi lưu trữ bụi, tóc, lông động vật, khiến các thành viên trong gia đình dễ bị hen và dị ứng. Một số thảm cũng sản sinh ra chất độc VOC.

Sàn gỗ có thể giúp nhà tránh bụi. Nếu vẫn muốn trải thảm, bạn hãy chọn những sản phẩm an toàn, phát tán VOC ở mức thấp. Một chiếc máy hút bụi tốt cũng giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Bạn nên tìm loại máy có bộ lọc HEPA. 

Máy in gia đình

Đã bao giờ bạn cảm thấy chóng mặt sau khi in một chồng giấy ở nhà? Nếu có, đó cũng không phải là điều quá bất ngờ. Bởi lẽ hộp mực in thường sản sinh ra VOC và những chất gây ô nhiễm khác như glyme - loại hóa chất gây ra tỷ lệ sảy thai cao. Để hạn chế tình trạng này, chỉ in những gì bạn cần và đảm bảo khu vực in thoáng gió.

Nến

Nến là yếu tố hoàn hảo cho một buổi hẹn hò lãng mạn, nhưng phần lớn nến bán trên thị trường đều sản sinh ra benzene và toluene, có thể gây ung thư, cũng như hóa chất gây dị ứng đường thở là alkane - loại hóa chất cũng được tìm thấy trong làn khói đen xì phát ra từ ống xả ôtô.

Để cải thiện tình hình, bạn nên chọn nến sáp ong, vừa có thể cải thiện tâm trạng và làm sạch không khí. Tránh các loại nến thơm. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại tinh dầu tự nhiên, organic thay thế.

Phòng giặt

Đừng đánh đổi quần áo sạch bằng sức khỏe của bạn. Các sản phẩm giặt thường có chất tạo mùi thơm khiến phòng giặt bị ô nhiễm tương đương với khí xả thải của một chiếc ôtô. 

"Đây là một nguồn ô nhiễm khá thú vị bởi chất thải ra từ máy giặt thì không có chế tài và kiểm soát nhưng chúng lại bị đối xử hoàn toàn ngược lại khi được xả ra từ ống xả xe hơi" - Anne C. Steinemann, giáo sư Công nghệ môi trường của Đại học Washington nhận xét.

Để thay đổi, bạn nên chọn loại bột giặt không mùi, được làm từ các loại cây, bỏ qua các sản phẩm làm mềm vải và giấy khô - loại giấy giúp làm mềm, khử tĩnh điện quần áo. 

Đồ lặt vặt

Nhà bạn tràn ngập những đồ vật lặt vặt như đồ trang trí, giấy tờ chất đống - đó chính là nơi tạo điều kiện cho bụi và các chất độc hại cư trú.

Chính vì thế, hãy hạn chế số tranh ảnh, tượng hay những thứ bám bụi. Giải phóng nhà cửa. Cái gì đã lâu không dùng, bạn cũng không nên tích trữ trong nhà mà hãy mạnh tay cho đi.

Đồ dùng nhà bếp tiện lợi

o nhiem khong khi trong nha anh 3
Không nên sử dụng chảo chống dính khi bị xước. Ảnh: ShutterStock

Các loại chảo, nồi chống dính thường được ví như vị cứu tinh của các bà nội trợ bận rộn, bởi dễ nấu, dễ rửa. Tuy nhiên, polytetrafluoroethylene - loại hóa chất sử dụng trong các sản phẩm chống dính lại rất độc.

Ngoài ra, đồ chống dính còn được phát hiện có liên quan tới bệnh béo phì, các bệnh về tuyến giáp và tăng động giảm chú ý. 

Tuy nhiên, nếu đang dùng đồ chống dính, bạn cũng không phải quá sợ hãi. Khi bắt đầu thấy chúng bị xước, hãy thay thế bằng các sản phẩm được làm từ thép không gỉ, gang hoặc đá.

Nước lau nhà

Kết hợp các sản phẩm lau nhà, như ammoniac và chất tẩy, có thể tạo ra nồng độ ozone có khả năng phá hủy phổi ngay trong nhà. Cho dù bạn không lỡ tay tạo ra phản ứng hóa học nào, ngay trong nước lau nhà cũng thường có chứa những chất tạo mùi gây hại tương tự như nến, dầu gội,...

Để thay đổi, bạn hãy quên đi các loại chất tẩy rửa đắt tiền mà đầy độc tố, thay vào đó, sử dụng các nguyên liệu cơ bản như giấm, baking soda, nước oxy già.

Phương Ly

Bạn có thể quan tâm