Sở Y tế tỉnh Lào Cai vừa có thông tin về trường hợp có biểu hiện giống bạch hầu tại tỉnh này.
Nữ bệnh nhân là bà M.T.V., 55 tuổi, ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Bà V. có biểu hiện ho, đi ngoài kéo dài gần nửa năm nay, đã đi viện khám và điều trị nhiều lần.
Ngày 10/7, bệnh nhân ho nhiều, ho có đờm, đau họng kèm theo đi ngoài, đến ngày 12/7, bệnh nhân sốt cao 39 độ C, khoang miệng xuất hiện nhiều mảng giả mạc, được gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng (Lào Cai) khám và điều trị.
Tiếp nhận bệnh nhân, thầy thuốc nhận thấy người phụ nữ này có các biểu hiện sốt, ho nhiều; lưỡi, vòm họng, khoang miệng có nhiều nốt mảng trắng vàng; phổi có ran; gan, lách to. Sơ bộ các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi, đau bụng, nghi mắc bạch hầu.
Ngoài ra, kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân dương tính với nấm men và nấm sợi (mẫu bệnh phẩm lấy ở mảng giả mạc).
Vì bệnh nhân có sốt, ho, xuất hiện giả mạc nên bệnh viện ở Bảo Thắng phối hợp với trung tâm y tế huyện, báo cáo ca bệnh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và Sở Y tế tỉnh Lào Cai. Đồng thời, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm với tác nhân bạch hầu.
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy do ốm yếu đã lâu nên bà V. không đi đâu xa khỏi địa phương, không tiếp xúc với người nghi nhiễm hay nhiễm bạch hầu.
"Sơ bộ điều tra có 23 người tiếp xúc gần với người bệnh, trong đó có 12 nhân viên y tế và 11 người trong gia đình. Hiện tại những người tiếp xúc gần với ca bệnh sức khoẻ bình thường và tiếp tục được theo dõi", thông báo của Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết.
Nhận định về trường hợp này, CDC Lào Cai cho rằng khả năng thấp bệnh nhân nhiễm bạch hầu; có cơ địa dễ nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình bệnh bạch hầu trên cả nước, cơ quan này cho rằng vẫn cần dự phòng và kiểm soát sớm.
Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng. Các đơn vị y tế tiếp tục điều tra người tiếp xúc gần với người bệnh và đánh giá tình trạng nguy cơ với dịch bệnh bạch hầu tại xã Kim Sơn.
Súng, vi trùng và thép
Trong lịch sử loài người, đậu mùa, cúm, lao, sốt rét, dịch hạch, sở và dịch tả đều là những bệnh truyền nhiễm tiến hóa từ căn bệnh ở loài vật.
Đến nay, ta lần ngược về lịch sử để xem sản xuất lương thực đã nảy sinh như thế nào ở một ít trung tâm và từ đó đã bành trướng nhanh chậm khác nhau đến thế nào sang các khu vực khác. Những khác biệt địa lý đó chính là lời đáp hệ trọng và tối hậu cho câu hỏi của Yali về việc tại sao dân tộc này lại khác dân tộc khác đến vậy về sức mạnh và sự dồi dào sung túc.
Cuốn sách Súng, vi trùng và thép là lược sử về các xã hội của loài người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây. Tác giả tập trung tìm lời giải cho câu hỏi: “Tại sao lịch sử đã diễn ra trên mỗi châu lục một khác?”.