Tại Hội nghị quốc tế sản phụ khoa - bất thường sinh dục trẻ em, diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, sau 2 năm triển khai, đến nay bệnh viện đã chào đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).
Niềm vui của y bác sĩ và người nhà khi chào đón em bé được thụ tinh bằng ống nghiệm. |
Kể từ khi bắt đầu triển khai thụ tinh trong ống nghiệm đến nay, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã thực hiện 506 chu kỳ chọc hút trứng, hơn 200 chu kỳ chuyển phôi tươi và 290 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh, với tỷ lệ thành công đạt 40-45%, tương đương với các trung tâm lớn trên cả nước.
Đến nay, bệnh viện đã đón em bé thứ 120 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mở ra cơ hội điều trị hiếm muộn thành công cho các cặp vợ chồng ở miền Trung - Tây Nguyên với khoảng 50-70 triệu đồng/ca.
Ts.Bs Trần Đình Vinh - Giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 18.000 trường hợp thực hiện kỹ thuật TTTON và các kỹ thuật liên quan. Con số có thể tăng khoảng 10% mỗi năm.
TTTON đã được triển khai thành công từ năm 1998. Đi sau thế giới 20 năm, nhưng kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển và có những bước tiến vượt bậc. Tính đến năm 2016 đã có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được thành lập, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Ở miền Trung, một trung tâm ở Bệnh Viện Phụ sản Thanh Hóa, một ở Bệnh viện Trung Ương Huế và một ở Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế và IVF Đà Nẵng. Đặc biệt, Việt Nam được xem là nước thực hiện số chu kỳ hỗ trợ sinh sản nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Thông thường, phương pháp TTTON có thể điều trị được cho những trường hợp nặng như nam giới không có tinh trùng, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và nhiều những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân thất bại với điều trị IUI… Do đó, với phương pháp này, các cặp vợ chồng càng có thêm nhiều hy vọng để có con.