Theo thông báo từ chính quyền, tính đến ngày 7/5, 280 người đã bị ảnh hưởng, trong đó có 162 phụ nữ và 69 trẻ em. Theo chủ tịch tỉnh Kratie, ông Pen Lynat, từ khi người đầu tiên thiệt mạng vào ngày 4/5 đến nay, 234 người đã phải nhập viện.
Trong số 13 người chết, 8 người là phụ nữ và phần lớn đã cao tuổi. Chính quyền địa phương cảnh bảo dân dàng cần giữ vệ sinh cẩn thận, không sử dụng nước từ kênh đào, sông suối trong vùng.
13 người chết và hơn 200 người phải nhập viện nghi do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Ảnh: AP. |
Ông Lynat cho biết: “Chúng tôi cấp nước uống và sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp nước cho người dân cho tới khi có mẫu xét nghiệm cho thấy nước từ kênh suối có thể dùng được”.
Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia ngày 7/5 cho thấy ban đầu những người thiệt mạng nghi do uống rượu gạo không được sản xuất đúng quy trình, nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng một số không uống rượu mà dùng nước từ kênh Prek Te.
Các mẫu thử rượu gạo cho thấy có nồng độ methanol cao, trong khi mẫu nước từ kênh Prek Te có mức chromium và nitrate cao hơn thông thường. Một đội y bác sĩ đã được cử tới khu ảnh hưởng để điều trị cho các nạn nhân, điều tra và tạm thời ngừng việc sản xuất rượu gạo.
Từ năm 2015 tới 2017, Campuchia có 389 ca ngộ độc rượu gạo khiến 50 chết ở các tỉnh Mondulkiri, Tbong Khmum, Kratie và Kampong Chhnang.