“Dù khổ mấy, con cũng ở với mẹ”
Trước đây, chị Đặng Thị Thắng (31 tuổi) và anh Nguyễn Chế Linh (39 tuổi) quê ở miền Tây theo gia đình lên Đồng Nai lập nghiệp. Năm 2000, hai người cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và ba đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời, là cháu Nguyễn Thị Thùy Dương (13 tuổi), Nguyễn Thị Cẩm Giang (9 tuổi) và Nguyễn Thị Cẩm Tú (7 tuổi).
Dù ham học nhưng Dương lo sợ sẽ không tiếp tục được học để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ của mình. |
Khi đó, nhà nội “bắt” ba chị em Dương về quê ở Bến Tre. Dù thương các con nhưng đang bụng mang dạ chửa, lại không có đất đai, nghề nghiệp nên chị Thắng đành cắn răng xa các con. Chị dự định sinh xong đứa út, nuôi nó lớn lên vài năm rồi quay lại đón ba chị em bé Dương. Thế nhưng mẹ con chị đã được đoàn tụ với nhau sớm hơn dự định.
“Khi đó bé Dương đang học lớp 3. Một bữa, cháu lén nhà nội mượn điện thoại hàng xóm gọi cho tôi, cháu bảo là “ngày mai mẹ phải về đón con với hai em lên với mẹ, mẹ mà không về đón là con dẫn hai em đi trốn, mẹ sẽ không tìm được đâu”. Nghe con nói vậy, hôm sau tôi tức tốc đón xe về quê. Đang đi trên xe thì tôi nhận được điện thoại của con. Bé Dương nói là “con trốn nhà nội dắt hai em đi đón mẹ, con đang đợi mẹ trên lộ lớn”. Chỗ đó cách nhà chừng ba cây số. Tôi không biết bằng cách nào mà cháu trốn nhà nội, dắt theo hai đứa em nhỏ đi bộ được một đoạn đường xa như vậy”, chị Thắng nhớ lại.
Gặp mặt ba đứa con, chị Thắng khuyên Dương dẫn các em quay về ở với cha, đợi mẹ nuôi em út lớn thêm chút nữa rồi sẽ về đón. Nhưng Dương nhất quyết không chịu. Dương nói: “Mẹ cho tụi con về ở với mẹ, khổ mấy con cũng chịu, chứ con không quay về với cha, với bà nội đâu”. Sau đó, chị Thắng đưa ba chị em Dương về Đồng Nai rồi mới gọi điện thoại báo cho phía chồng biết.
Ông Đặng Văn Dân, ông ngoại bé Dương xót xa: “Từ ngày đó tới giờ, cha cháu không đi tìm các con, cũng không một lần gọi điện thoại hỏi thăm. Sau khi ba đứa nhỏ bỏ đi, bà nội tụi nhỏ tổ chức đám cưới rình rang cho cha nó. Nhìn thấy con cháu như vậy, tui đau lòng lắm. Vợ chồng tui cho mẹ con nó miếng đất cất căn nhà lá ở từ đó đến giờ”.
Không nghề nghiệp, không đất canh tác, ai thuê gì chị Thắng cũng làm, chủ yếu là làm vườn. Nhưng hết vụ mùa thì chị không tìm đâu ra việc, chị phải theo những người hàng xóm lên tận Bình Phước làm thuê. Mỗi ngày, chị được trả công 120.000 đồng. Tháng nào đều việc, trừ chi phí, chị tằn tiện gửi cho con được hai triệu.
Bốn chị em Dương tự bảo bọc nhau sống trong căn nhà đã dột nát. |
Vừa làm chị, vừa làm mẹ cha
Chúng tôi tìm đến nhà Dương khi cô bé chưa đi học về. Căn nhà lá nhỏ chừng 10m2 của bốn chị em Dương nằm cách thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) hơn 10 km. Đây là khu vực bìa rừng nên nhà cửa còn thưa thớt. Căn nhà quá đơn sơ, không có một vật dụng nào đáng giá ngoài mấy cái nồi đen ngòm vì khói bếp, một chiếc giường ngủ và một chiếc chõng tre. Nơi ngủ cũng chính là bàn ăn và là góc học tập của cả bốn đứa trẻ.
Tiếp chúng tôi là ông ngoại của Dương. Ông bà sống cách nhà các cháu chừng 100m. Ông cho biết: “Vợ chồng tui đã lớn tuổi nên không làm gì ra tiền, lại ở với đứa con trai, cuộc sống cũng khó khăn. Hôm nào tui mua được miếng thịt hay bắt được con cá ngoài suối thì đem qua cho các cháu chứ không giúp đỡ được gì hơn”.
Dương đi học về, vội dọn cơm nấu từ lúc sáng cho các em cùng ăn. Bữa ăn của bốn đứa trẻ chỉ có hai lát cá kho nhỏ và vài trái đậu bắp luộc. Trước tiên, Dương chọn phần cá nạc nhất để dành riêng cho cậu em út. Dương bảo, vì em còn nhỏ nên được ưu tiên ăn miếng ngon hơn. Dương khoe, đây là một trong những bữa ăn ngon nhất của bốn chị em. Đa số bữa ăn của các cháu là nước mắm kho quẹt, hoặc ăn cơm với rau dại hái ở bìa rừng.
Từ ngày mẹ đi làm ăn xa, Dương phải đảm nhiệm hết mọi việc trong nhà. Sáng sớm, cháu phải dậy thật sớm nấu cơm cho bốn chị em ăn cả ngày, sau đó mới chạy vội ra đầu hẻm xin đi nhờ xe đạp các bạn đến lớp học. Có những hôm lo xong cơm thì trễ giờ, Dương phải nhịn đói đến trường. Học một buổi, còn một buổi Dương nhận hàng đan lát về làm để có thu nhập tự chi tiêu trong cuộc sống. Chiều tối, Dương lo tắm rửa cho các em để ăn cơm, sau đó cùng ngồi quây quần bên nhau vừa học bài, vừa chỉ bài cho các em.
13 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Dương tỏ ra là người chín chắn hơn các bạn cùng trang lứa. Cô bé thường dặn các em phải ngoan, không được quậy phá, đừng để bị hàng xóm “mắng vốn”. Hàng xóm láng giềng ai cũng khen chị em Dương lễ phép, thật thà.
“Thấy mẹ cực khổ nên con rất thương mẹ. Vì vậy, con cố gắng làm việc và chăm sóc các em để mẹ yên tâm đi làm kiếm tiền. Đôi khi con cũng thấy việc chăm sóc, dạy dỗ ba đứa em là quá với sức của con, nhưng cứ nghĩ đến mẹ là con lại có động lực để tiếp tục. May là các em ngoan, chịu nghe lời chị và cũng biết phụ chị làm việc. Bé Giang cũng biết nấu ăn nhưng con không cho nấu, tại con sợ em không cẩn thận sẽ bị phỏng”.
Nhắc đến nghề đan lát, Dương cho biết, cháu học và làm được nghề này từ khi còn học lớp 3: “Mỗi tháng chị em con cũng kiếm được từ 200 đến 300 nghìn đồng”.
Cuộc sống bộn bề khó khăn, thiếu thốn không ngăn cản được niềm ham mê học tập của bốn chị em Dương. Những ngày trời mưa, đường dây điện của nhà bị đứt, chị em Dương phải thắp đèn dầu để học bài buổi tối. Mặc dù nhà mới che thêm bạt nhưng hễ mưa xuống là lại dột. Hai đứa em nhỏ được nằm giường bên trong, ít dột hơn. Dương và Giang lớn hơn nằm cái chõng bên ngoài. Chỗ nào dột thì lấy thau hứng nước rồi nằm nép qua phía khác để ngủ.
Nhiều đêm, Dương ngủ không được vì sợ người lạ vào bắt cóc em. Dương còn kể, có hôm trời khuya, bỗng có người đàn ông lạ mặt đến đập cửa ầm ầm bảo Dương mở cửa. Khi Dương hỏi là ai thì người này không nói. Dương nhanh trí gọi to để bà ngoại chạy sang thì người này bỏ đi. Kể từ đó, bà ngoại thường sang ngủ với bốn chị em.
Qua điện thoại, giọng sụt sịt, chị Thắng tâm sự: “Vì cuộc sống khó khăn nên tôi đành để các con ở nhà tự lo cho nhau để đi kiếm tiền. Nhiều đêm nằm nghĩ thương các con, tôi đành khóc một mình”.
Mong có đơn vị tài trợ chi phí học tập cho các cháu
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán cho biết: “Căn nhà mà bốn chị em Dương ở quá sơ sài, vì vậy, Hội Khuyến học huyện đã vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp được 50 triệu đồng để xây dựng cho các cháu một căn nhà tình thương”. Ngày 29/12/2014, Hội Khuyến học huyện đã khởi công xây nhà và dự kiến bàn giao vào ngày 24/1. “Băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là làm sao để bốn chị em Dương được học tập đến cùng. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm hãy đỡ đầu cho các cháu bằng cách tài trợ chi phí học tập hoặc cấp học bổng thường xuyên cho các cháu”, ông Minh chia sẻ.