Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

14 năm khổ cực của người mang án oan

Mất việc, mất nhà phải thuê phòng sống lang thang nay đây mai đó, người mang án oan từ năm 2000 từng nản chí vì quá vô vọng,

Sáng 15/3, tiếp chúng tôi trong căn phòng 12m2, lần đầu tiên ông Phạm Đức Bình (58 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người mang án oan từ năm 2000 trải lòng về những tháng năm theo đuổi đòi bồi thường trong vô vọng.

Ông Bình cho hay, ông không thể nhớ đã nộp bao nhiêu đơn từ. “Những năm trước, tháng nào tôi cũng gửi đơn đến khắp nơi, nhưng không có ai can thiệp. Năm 2006, tòa án tối cao cho biết tôi vẫn thuộc diện được bồi thường danh dự tinh thần do bị kết án oan, nhưng đến nay tòa vẫn đùn đẩy không giải quyết”, ông Bình nói. 

Ông Phạm Đức Bình.

Kể về khó khăn trong hơn 14 năm qua, ông Bình chưa hết rùng mình. Ông cho biết đã thuê không biết bao nhiêu nhà ở Hà Nội, lang thang hết chỗ này chỗ khác. Khi không còn tiền, gia đình 5 người phải sống nhờ căn nhà 12m2 ẩm thấp với lối vào chật hẹp của ông bà ngoại. Căn phòng bừa bộn với đồ đạc cũ kỹ, ngay giữa phòng là chiếc đệm được trải xuống sàn nhà thành giường.

Từng ấy năm theo đuổi kiện cáo, cuộc sống vốn khốn khó càng trở nên chật vật. Bà Nguyễn Thị Thịnh (57 tuổi, vợ ông Bình) nghẹn ngào: “Lúc ấy, gia đình buồn lắm, các cháu còn bé nheo nhóc, ông ấy đi đâu thì đi theo thôi”. 

Căn nhà 12m2 ẩm thấp với lối vào chật hẹp.

Người đàn ông ngũ tuần kể lại năm 1992, ông được đề bạt là cửa hàng trưởng cửa hàng dịch vụ tổng hợp (trực thuộc công ty Thi công cơ giới xây lắp). Ngày 24/11/1997, công ty có quyết định đình chỉ hoạt động cửa hàng vì kém hiệu quả. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó công ty mới tiến hành thanh tra.

Bản kết luận thanh tra ngày 15/12/1997 ghi rõ “cửa hàng kinh doanh theo con số báo cáo tổng hợp của đoàn là có lãi, không phải lỗ. Số tiền thất thoát còn nằm ở các khách hàng chưa thanh toán”.

“Việc đình chỉ một công ty đang hoạt động có lãi là sai quy tắc. Thực chất công ty tạo điều kiện cho kế toán chạy tội để đẩy tôi vào vòng tù tội”, ông Bình tâm sự.

Cũng theo người đàn ông này, ngày đó ông bị tai nạn giao thông, vỡ bàng quang, phải nằm viện nhiều tháng. Khi xuất viện thì thấy cửa hàng đã giải thể nên không được đối chiếu sổ sách, không biết những ai đã bán và ai mua hàng. “Công ty đánh đòn này khiến tôi mất tất cả tiền bạc, nhà cửa, công việc”, ông trầm ngâm. 

Đơn khiếu nại và đề nghị của ông Bình gửi cho các ban ngành.

Theo cáo trạng của tòa sơ thẩm, trung tuần tháng 3/2000, ông Bình bị xử phạt 30 tháng từ tội Tham ô tài sản và Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa do làm thất thoát số tiền hơn 170 triệu đồng. Tòa phúc thẩm tháng 1/2001 đã tuyên ông vô tội, nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự số tiền thất thoát.

Trong các đơn khiếu nại gửi tòa án và các ban ngành, ông Bình khẳng định công ty Thi công cơ giới xây lắp là nơi phải bồi thường số tiền ông phải chịu trách nhiệm dân sự.

Trong đơn đề nghị, ông nêu: “Phần trách nhiệm dân sự của án phúc thẩm, tòa có ghi tôi phải chịu trách nhiệm bồi thường, song tòa cũng có ghi nếu sau này đối chiếu sổ sách của cửa hàng xác định được kế toán đã bán hàng và thu số tiền trên thì sẽ đề nghị công ty giải quyết".

Ngoài ra, ông cũng đề nghị được nhận lại căn nhà đã bị cơ quan thi hành án cưỡng chế.

Người đàn ông này bức xúc: “Ban lãnh đạo công ty đã không quan tâm cuộc sống của một con người. Họ quá vô cảm, không cần biết tôi sống chết như nào. Sau 3 năm hầu kiện, đến khi tôi được tuyên vô tội, công ty làm ngơ không bố trí việc làm, đẩy tôi ra đường với 2 bàn tay trắng”.

“Nguyện vọng lớn nhất của tôi là công ty phải giải quyết quyền lợi như mọi công nhân khác. Không giải quyết thỏa đáng thì tôi theo kiện tới cùng", ông Bình nói.

“Nhiều lúc tôi cũng nản, vô vọng lắm nhưng cũng phải kêu thôi vì oan ức quá”, người đàn ông 58 tuổi nghẹn ngào.

Người mang án oan hơn chục năm chưa được xin lỗi

Sau hơn chục năm được tuyên vô tội, đến nay người đàn ông mang án oan vẫn chưa được tòa công khai xin lỗi và bồi thường.

Quang Dũng

Bạn có thể quan tâm