Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

14 năm làm phim về chiến tranh và những nô lệ tình dục

Mất 14 năm để hoàn thành, cuối cùng "Spirits' homecoming" của đạo diễn Cho Jung Rae cũng sẽ chính thức ra rạp vào ngày 24/2.

Bên cạnh ngày phát hành, nhà sản xuất cũng đã hé lộ poster chính thức của phim. Đó là hình ảnh 2 người phụ nữ trong trang phục truyền thống của người Hàn Quốc xưa. 

Spirits' homecoming được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về một người phụ nữ Hàn từng bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản - hay còn được gọi với cái tên "phụ nữ mua vui - trong chiến tranh thế giới thứ 2".

Đạo diễn Cho Jung Rae cho biết, ông xác định làm bộ phim này sau khi được xem bức họa kinh hoàng về phụ nữ mua vui vào năm 2002. Nằm trong cuốn hồi ký Virgins being burnt alive của một người phụ nữ 87 tuổi, bức họa mô tả cảnh những cô gái đau ốm bị thiêu sống trong doanh trại quân đội Nhật ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc).

Poster phim Spirits' homecoming. Ảnh: Wow Pictures

Cho Jung Rae cho biết ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện bộ phim.

"Rất nhiều người đã phản đối, nói rằng rồi tôi sẽ chẳng thu được chút lợi nhuận nào. Một số ngôi sao sẵn sàng tham gia nhưng họ cũng bị công ty quản lý ngăn cản với lý do đây là vấn đề nhạy cảm và lo lắng về sự nghiệp diễn xuất của họ ở Nhật Bản trong tương lai" - đạo diễn 45 tuổi chia sẻ.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng là nguyên nhân khiến ê-kíp không ít lần vất vả. 

Tuy nhiên, sau khi vấn đề "phụ nữ mua vui" được đưa ra công luận vào năm 2012, hơn 73.000 người Hàn Quốc đã đóng góp cho bộ phim, giải quyết hơn một nửa kinh phí làm phim. Gần như toàn bộ diễn viên tham gia đều không nhận cát-xê.

"Ai cũng cảm thấy có lỗi với những người đã phải làm nô lệ tình dục trong chiến tranh. Là phụ nữ, tôi cho rằng đây là câu chuyện cần phải được kể lại" - nữ diễn viên kỳ cựu Son Sook (70 tuổi) nhận xét.

Đạo diễn Cho phát biểu: "Dù có không ít thử thách nhưng tôi đã không từ bỏ. Tôi muốn góp phần siêu thoát cho linh hồn của 200.000 người phụ nữ. Sự góp sức của chính những người Hàn Quốc đã giúp tôi hoàn thành bộ phim".

"Phụ nữ mua vui" thời chiến đã ám ảnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản suốt nhiều năm qua. Cuối năm 2015, hai nước đã đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Theo thỏa thuận, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ lên tiếng xin lỗi và Nhật Bản cung cấp khoản hỗ trợ 1 tỷ yen (8,5 triệu USD) cho gần 50 nạn nhân còn sống. 

Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ ngừng chỉ trích Nhật Bản về vấn đề này tại các diễn đàn quốc tế và di dời bức tượng biểu tượng cho các nô lệ tình dục đặt trước cửa Đại sứ quán Nhật ở Seoul.

Phương Ly

Bạn có thể quan tâm