12h, tại Hà Nội, anh Nguyễn Hồng Quân đang cố gắng hoàn tất công việc để về nhà sớm. Hôm nay (29/8), đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ gặp đội tuyển Olympic Hàn Quốc trong vòng bán kết giải bóng đá nam, ASIAD 2018, vào lúc 16h. Anh không muốn bỏ lỡ bất cứ giây phút nào của trận đấu.
Cách đó hơn 5.000 km, tại thành phố Bogor (Indonesia), hàng nghìn cổ động viên Việt Nam đã sẵn sàng ra sân cùng thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo. Ai cũng mong các chàng trai làm nên kỳ tích.
"Theo dự kiến, khoảng 2.000 cổ động viên Việt Nam sẽ có mặt trên sân vận động Pakansari ở thành phố Bogor chiều nay để cổ vũ cho đội tuyển nước nhà", anh Phan Đình Long, Chủ tịch Hội Cổ động viên VFS miền Bắc, thông tin.
Khi phóng viên Zing.vn tìm đến, anh Long đang chuẩn bị di chuyển cùng các cầu thủ. Sau chiến thắng 0-1 trước Olympic Syria tối 27/8, anh cùng những người anh em trong nhóm vẫn tiếp tục theo chân, di chuyển đồng hành cùng Olympic Việt Nam.
"Từ Cikarang tới Bogor, đội tuyển Việt Nam đá ở sân nào và đến khách sạn nào, chúng tôi lại đi theo hoặc thuê khách sạn gần đó. Cứ như thế từ hôm sang, anh em chúng tôi có mặt ở đây chừng 2 tuần rồi", anh Long tâm sự.
Đi chợ, nấu cơm nơi đất khách
Anh Long là một trong số hàng chục cổ động viên Việt Nam đồng hành cùng thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo từ những ngày đầu đến Indonesia dự ASIAD (14/8). Để chuyến đi diễn ra thuận lợi, ít tốn kém và phụ thuộc tour tuyến, anh Long cùng bạn bè chủ động lên kế hoạch, tổ chức chương trình cho cả đoàn cổ động viên.
"Tôi tự tìm hiểu, đặt vé máy bay và khách sạn cho đoàn. Hàng năm, đội tuyển Việt Nam đá ở nước nào, chúng tôi cũng theo chân", anh chia sẻ.
Anh Long là một trong số ít cổ động viên theo chân đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD 18 từ những ngày đầu. Ảnh: Việt Hùng. |
Di chuyển dài ngày, điều đầu tiên nhóm cổ động viên quan tâm là chế độ ăn uống. Do Indonesia là nước chủ yếu theo đạo Hồi, kiêng thịt lợn, đồ ăn không giống ở Việt Nam, thậm chí có phần khó ăn, đoàn phải tìm cách đi chợ, mua nguyên liệu về, mượn bếp và tự nấu.
“Hôm mới đến, chúng tôi may mắn làm quen được chủ một quán ăn. Người chủ tương đối dễ tính nên chúng tôi có thể nhờ bếp của họ và mua đồ về để tự nấu”, anh nói.
Một bữa cơm có thịt lợn nhóm cổ động viên tự chuẩn bị. Để phù hợp hương vị và nhu cầu, đoàn du khách đã mang theo nước mắm từ Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Chợ ở Indonesia cũng giống chợ cóc ở Việt Nam, khi mua bán, bạn đều phải trả giá. Nhờ sự trợ giúp của công nghệ, khoảng cách về ngôn ngữ giữa các du khách Việt tại xứ người được lấp đầy.
Gần như hôm nào cũng vậy, cả nhóm cùng nhau đi chợ rồi chia nhau công việc. Người mổ gà, người nhặt rau, người vào nấu.
“Người Indonesia không ăn thịt lợn, mỗi khi thèm, chúng tôi phải nhờ mua ở xa rồi mang về phòng khách sạn tự nấu. Cây giò lợn, chúng tôi cũng phải nói dối là giò bò. Câu chuyện trong mỗi buổi ngoài xoay quanh những trái bóng thì Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng... Bữa cơm nơi xứ người xa xôi nhưng đem đến cho mỗi du khách chúng tôi một không khí thực sự đầm ấm", anh chia sẻ.
Tại Indonesia, nhóm du khách còn tìm nơi mua trống để cổ vũ. Ảnh: NVCC. |
Thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa khi không xem bóng đá
Ngoài những lúc “truyền lửa” cho đội tuyển Olympic Việt Nam, nhóm của anh Long cùng những người khác lại đến cổ vũ cho các vận động viên tại của các môn thi như bóng chuyền, bơi và điền kinh.
Có thời gian rảnh, họ đi tham quan đường phố, vào các trung tâm thương mại, đi mua sắm hoặc đơn giản là cùng nhau ngồi uống cốc cà phê, thưởng thức ẩm thực, khám phá văn hóa đặc sắc của Indonesia. Tuy nhiên, dù đến đâu, họ cũng chỉ quanh quẩn trong thành phố.
100% các siêu thị ở Indonesia không bán bia. Để mua được thứ đồ uống này, anh Dũng phải nhờ người mua ở một nơi rất xa. Ảnh: NVCC. |
“Các trung tâm thương mại ở thành phố Bekasi mọc san sát nhau, nhưng không thể so với các trung tâm thương mại ở Hà Nội Hay TP.HCM. Chúng tôi thường dùng bữa và uống cà phê tại đó”, Anh Lê Văn Dũng, phó giám đốc một công ty ở Việt Nam, chia sẻ. Nhóm của anh gồm 6 người và sang Indonesia vào hôm 25/8.
Hào hứng kể về những ngày ở Bekasi, anh cho biết cũng giống Việt Nam, cuối tuần, thành phố này cấm một số tuyến đường làm phố đi bộ. Điểm đặc sắc, khác biệt là phố đi bộ này nằm trên con đường 6 làn xe và dài khoảng 3-4 km.
“Lượng người qua lại rất đông. Trên phố, họ chia các khu dành cho các quán ăn đường phố, các nhãn hàng giới thiệu sản phẩm và chơi trò chơi, thậm chí biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, tất cả chỉ diễn ra vào khung giờ sáng. Đây có lẽ là một trong những nét văn hóa khá đặc biệt của người dân nơi đây”, anh nói.
Để di chuyển giữa những địa điểm, phương tiện giao thông công cộng, taxi hoặc Grab là một lựa chọn phổ biến đối với các cổ động viên Việt Nam.
Nhóm anh Dũng chuẩn bị đồng phục và quốc kỳ để ra sân cổ vũ đội tuyển Việt Nam hôm 27/8. Ảnh: NVCC. |
“Tôi cảm tưởng như ở Indonesia, mỗi mét vuông phải có 5 người làm dịch vụ xe ôm công nghệ. Giao thông tại đất nước vạn đảo cũng giống ở Singapore, Thái Lan và Anh. Tức là, họ đi về phía tay trái. Đường phố luôn tấp nập, xe cộ đông đúc”, anh Dũng cho hay.
Anh em gặp nhau xứ bạn, quý nhau như người nhà
Cũng có mặt tại Indonesia những ngày này, anh Phan Chí Hùng (Quảng Nam) chia sẻ: "Xem trực tiếp các cầu thủ thi đấu là điều bao người yêu bóng đá mơ ước".
Anh là một trong số ít người theo chân đội tuyển Olympic Việt Nam tại ASIAD 18 từ đầu. Cũng như anh Long, anh Hùng sang Indonesia từ ngày 14/8.
Nhớ về những phút vỡ òa của đội tuyển Olympic Việt Nam trong những trận đấu vừa qua tại ASIAD 18, anh cho biết có những lúc, anh đã khóc vì sung sướng.
"Khi Công Phượng ghi bàn vào phút 88 trong trận gặp Olympic Bahrain, tôi đã khóc vì sung sướng", anh Hùng chia sẻ. Ảnh: NVCC. |
“Những lúc tuyển Việt Nam chưa có bàn thắng, bị ép sân hay bỏ lỡ cơ hội, tất cả cổ động viên chúng tôi đều hò reo, cổ vũ nhưng lòng thì nóng như lửa đốt”, anh Hùng kể.
5 trận đấu, 8 bàn thắng và chưa một lần lọt lưới... Những câu chuyện của các cổ động viên Việt Nam ở xứ người chỉ xoay quanh chủ đề đó. Dù những bữa tiệc ăn mừng chiến thắng có thể kéo dài đến quá nửa đêm, tại một quốc gia Hồi giáo, tất cả mọi thứ dường như rất nhẹ nhàng.
“Chúng tôi chỉ đi ăn và ngồi lại với nhau để kể về phút giây các cầu thủ của chúng ta ghi bàn. Mặt mũi ai cũng vui. Trên môi, ai cũng nở nụ cười”, anh nói.
Anh chia sẻ thêm: "Anh em cổ động viên sang đây (Indonesia) gặp nhau, quý nhau như người nhà. Chúng tôi chia nhau từng gói mì mang từ Việt Nam sang. Đồ ăn bên này khó ăn lắm”.
Trong trái tim những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ mãi là một anh hùng. Ảnh: Việt Hùng. |
Anh Hùng, anh Long và anh Dũng và tất cả những cổ động viên đã, đang và chuẩn bị sang Indonesia, ai cũng muốn theo chân đội tuyển Việt Nam đến phút cuối cùng, cũng mong các chàng trai trẻ Việt Nam cùng Huấn luyện viên Park Hang-seo làm nên kỳ tích. Trong trận đấu gặp Olympic Syria hôm 27/8, bàn thắng duy nhất của Văn Toàn ở phút 108 đã biến giấc mơ của họ thành hiện thực.
Lần đầu tiên, Việt Nam bước vào bán kết giải bóng đá nam ASIAD. Dù thắng hay thua trong trận gặp Olympic Hàn Quốc, thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo vẫn còn một trận đấu nữa. Và dù sao đi chăng nữa, trong hàng triệu trái tim người hâm mộ, tuyển Olympic Việt Nam vẫn mãi là người hùng.
Gửi lời nhắn nhủ đến các chàng trai vàng, anh Long mong: “Đội tuyển hãy tự tin thi đấu hết mình. Chúng tôi luôn ở bên các bạn. Hãy thi đấu thật tốt để dành thắng lợi, mang vinh quang về cho Tổ quốc".
Trong khi đó, anh Dũng bày tỏ: "Nếu Việt Nam vào chung kết, đây có thể coi là kỳ nghỉ Quốc khánh của chúng tôi. Tôi hy vọng các chàng trai sẽ làm nên kỳ tích để cả nước có một ngày 2/9 rực lửa, nhớ mãi không quên".
"Dù thế nào, các bạn đã cho chúng tôi một chuyến du lịch có 1-0-2 trong cuộc đời. Những ngày ở nước bạn, chúng tôi mới thấy tình anh em của người dân Việt Nam gắn bó đến thế nào", một trong những cổ động viên có mặt tại Indonesia bày tỏ.