Ngày 29/11, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm lần thứ ba vụ tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn giữa ông Nam và bà Mai (cùng ngụ quận Gò Vấp).
Tính đến nay, vụ án đã kéo dài hơn 15 năm với 6 phiên tòa sơ, phúc thẩm và một phiên tòa giám đốc thẩm.
Theo hồ sơ, ông Nam (55 tuổi) và bà Mai (54 tuổi) ly hôn từ tháng 3/2002. Sau đó, bà này yêu cầu TAND quận Gò Vấp chia tài sản chung là một căn nhà ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).
Theo bà, một nửa căn nhà này do vợ chồng bà tạo lập được, nửa còn lại do cha mẹ chồng cho. Bà cùng chồng sống tại đây từ năm 1990, đến năm 1995 hai người đã bỏ tiền ra sửa nhà. Bà yêu cầu được hưởng một nửa căn nhà.
Trong khi đó, ông Nam nói nhà là tài sản của cha mẹ ông. Năm 1992, cha ông mất, mẹ ông cùng các anh chị em đã cho riêng ông căn nhà này. Năm 2002, mẹ ông có lập di chúc cho ông được hưởng phần tài sản của bà trong khối tài sản chung...
Đầu năm 2004, TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm (lần đầu) đã chấp nhận yêu cầu của bà Mai. Ông Nam kháng cáo.
Trong thời gian TAND TP.HCM xử phúc thẩm, năm 2005, mẹ ông Nam có văn tự không đồng ý để lại tài sản của mình cho ông nữa. Tháng 8/2005, mẹ ông có lời khai tại tòa xác nhận một nửa căn nhà do ông Nam và bà Mai mua, nửa còn lại là vợ chồng bà mua cho họ. Đến năm 2007, người mẹ mất.
Tháng 7/2014, TAND TP.HCM xử phúc thẩm (lần đầu) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm. Sau đó xử sơ, phúc thẩm (lần hai), cả TAND quận Gò Vấp lẫn TAND thành phố đều phán quyết theo hướng công nhận căn nhà là tài sản chung của hai ông bà, mỗi người được hưởng một nửa.
Tháng 8/2010, Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án trên, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu. Theo cấp giám đốc thẩm, căn nhà tranh chấp thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cha mẹ ông Nam. Nay nếu mẹ ông không cho ông phần quyền tài sản của mình nữa thì phải xác định đây là di sản của bà để chia cho các con...
Tháng 6/2017, TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm (lần ba) nhận định căn nhà là tài sản của cha mẹ ông Nam. Tòa chỉ công nhận giá trị xây dựng tầng lầu của căn nhà (trị giá gần 278 triệu đồng) là tài sản chung của vợ chồng và tuyên ông Nam phải hoàn lại cho vợ 139 triệu đồng.
Bà Mai kháng cáo. Xử phúc thẩm (lần ba) ngày 28/11, HĐXX đã quyết định sửa án sơ thẩm, công nhận căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng, từ đó tuyên chia đều cho cả hai người.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
“Chúng tôi chỉ bảo vệ em dâu và các cháu”
Ông Nam có 7 anh chị em ruột thì ngay từ đầu có đến 6 người khẳng định lời khai của bà Mai mới là sự thật. Họ đều yêu cầu tòa chia cho bà một nửa căn nhà. Theo họ, năm 1993, người mẹ cùng các anh chị em đã lập văn tự cho vợ chồng ông Nam phần di sản của cha chứ không cho riêng ông.
Sau khi người mẹ mất năm 2007, sáu anh chị em của ông đồng loạt hủy bỏ văn tự năm 1993 và thống nhất cho bà Mai hết phần di sản của mình (nếu có).
Sau khi Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, sáu anh chị em của ông Nam có đơn yêu cầu chia di sản thừa kế. Trong đó, họ vẫn tiếp tục thống nhất cho lại bà Mai hết các suất thừa kế của họ. Tuy nhiên, do yêu cầu này được đưa ra sau khi tòa đã mở phiên họp kiểm tra công khai chứng cứ nên tòa căn cứ Điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để không chấp nhận xem xét, giải quyết trong cùng vụ án.
Phiên xử phúc thẩm hôm qua kết thúc, ông Nam ra về lầm bầm chửi rủa. Bà Mai không đến dự tòa mà ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng nên ông trút hết cơn thịnh nộ vào một người anh - cũng là một trong sáu người tự nguyện nhường suất thừa kế của mình cho bà Mai.
Đáp lại những lời chửi bới đe dọa của ông Nam, người anh chỉ thở dài, lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của em dâu và các cháu mà thôi!”.