"Hết gạo rồi. Costco thất thủ", Đinh Ngọc Thu, sống tại bang California, nói khi không thể tìm thấy một bao gạo nào tại siêu thị. Lương thực dự trữ ở nhà đã gần cạn kiệt, Thu tranh thủ cuối tuần đi mua lương khô, đồ đông lạnh để dành cho vài tuần chống dịch.
"Tất cả các loại gạo của Thái, Nhật, Hàn... đều hết sạch. Các mặt hàng khác như giấy vệ sinh, nước rửa tay khô, nước uống cũng cháy hàng. Hy vọng ngày mai họ sẽ đưa thêm mấy mặt hàng này vào kệ", cô than.
Người dân sống ở Mỹ xếp hàng thanh toán trong siêu thị Costco. Ảnh: Thu Ngoc Dinh. |
Đổ xô đi mua lương thực, giấy vệ sinh, khẩu trang
Người này cho biết thêm để tránh đám đông, 4h chiều cô mới đi siêu thị, song bãi đỗ xe đã không còn chỗ trống.
"Người đi mua hàng đông hơn cả dịp Giáng sinh, thậm chí đi bộ ở lối đi chính cũng không đi được. Còn chỗ xếp hàng tính tiền thì dài cả chục mét".
Không mua được gạo ở Costco, Ngọc Thu chạy qua một vài siêu thị nhỏ để tìm mua mỳ ống song các kệ mì cũng trống rỗng.
"Trước khi đi mua còn thấy lạc quan, ra tới nơi mua đồ mới thấy tình hình căng thẳng đến mức nào. Dịch bệnh đã ở rất gần mình rồi", cô kết luận.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại ở Nam California, Minh Thư cho Zing.vn biết các gia đình lo dịch Covid-19 bùng nổ nên đã đổ xô đi mua gạo, nước, giấy vệ sinh, giấy lau tay, mì gói. Thư tới trễ nên không còn nhiều để mua.
"Sống ở Mỹ 15 năm, trải qua thiên tai như động đất, lũ lụt, mình thấy bà con ào ạt mua nước, mua gạo. Song lần này cái gì cũng hết, đến giấy vệ sinh cũng hết một cách ly kỳ", cô kể.
Các mặt hàng như gạo, mì gói đều cháy hàng. Ảnh: Thu Ngoc Dinh. |
Như Nguyễn (24 tuổi, sống tại thành phố Gardena thuộc hạt Los Angeles bang California) cho biết chiều 3/3, nhiều người đổ xô đi mua các loại thực phẩm.
"Hiện nhiều siêu thị gần nơi mình sống không còn bán khẩu trang và nước rửa tay. Những thực phẩm giúp tăng sức đề kháng, bổ sung vitamin đang bán rất chạy. Còn khi tới các chợ châu Á, mình không thể mua được gạo vì mặt hàng này hiện cũng hết sạch", Như thông tin.
Tương tự, các món khác như giấy vệ sinh, giấy lau tay cũng đã bị người tới trước "quét sạch". Như chỉ còn cách đi tới các cửa hàng nhỏ lẻ để mua từng chút một.
"Mất công nhưng có còn hơn không. Mong tình hình dịch bệnh nhanh kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường. Nếu cứ tiếp tục thế này, tới ra đường mình còn không dám", cô than với Zing.vn.
Sốt ruột vì ai cũng hối hả tích trữ
"Nước Mỹ quá rộng, đôi khi thông tin ở bang khác mình không quan tâm. Nhưng lần này, truyền hình đưa tin hàng ngày. Đọc báo thấy các ca bệnh tăng liên tục. Khẩu trang, nước rửa tay dần trở thành món hàng đắt đỏ. Amazon, Ebay vẫn bán nhưng đội giá gấp mấy lần. Lo lắng thì ít, mà thấy xung quanh ai cũng hối hả tích trữ khiến mình cũng phải đua theo", Nguyễn Mỹ Huỳnh, du học sinh Việt tại Seattle, Washington, kể.
Huỳnh cho biết cô hay đi mua sắm ở thương xá Phúc Lộc Thọ. Cộng đồng người châu Á ở đây tỏ ra sốt ruột hơn ai hết.
"Những món bình thường bày bán đầy ra như nước mắm, xì dầu, gạo nếp cũng thưa thớt dần. Mọi người cứ ra chợ là khuân túi lớn, túi bé. Chủ yếu mình thấy người Việt và người Trung Quốc tích trữ. Còn lại phần lớn người Mỹ vẫn bình chân như vại. Chẳng ai đeo khẩu trang hay đề phòng gì", cô thông tin.
Một dấu hiệu khác của dịch bệnh là các nhà hàng Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc vốn sầm uất, những ngày gần đây cũng thưa thớt, vắng người.
"Mình làm thêm tại tiệm nail ở khu China Town. Gần đây thấy khách Mỹ tới rất ít. Công việc ngày trước bận rộn tối mắt, làm liên tục để phục vụ khách, giờ chỉ còn khách Việt, Hàn thỉnh thoảng ghé qua nhưng làm rất ít. Tiền tips cũng không được nhiều như xưa".
Nhân viên y tế đưa một bênh nhân lên xe cấp cứu tại một cơ sở chăm sóc y tế có các các nhiễm virus corona ở Kirkland, bang Washington hôm 3/3. Ảnh: Reuters. |
Tính đến ngày 4/3, trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ xác nhận nước này có thêm 17 ca nhiễm virus corona chủng mới và thêm 4 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên 108 người.
Trong 108 ca này, có 60 ca nhiễm trong lãnh thổ Mỹ, phân bố tại 12 bang, 48 ca còn lại gồm các công dân trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và du thuyền Diamond Princess.
Sáng 2/3, California ghi nhận hai ca nhiễm nCoV không rõ nguyên nhân, làm dấy lên lo ngại về dịch bệnh ở khu vực này. Quận Santa Clara, "trái tim" của Thung lũng Silicon, phát hiện tổng cộng 7 ca nhiễm nCoV, cao nhất tại bang California.
Sáng 3/3, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đóng cửa một văn phòng tại bang Washington do lo ngại một trong số các nhân viên của văn phòng này có thể đã bị lây nhiễm Covid-19.