
- Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đại học Đông Á, Đà Nẵng.
- Nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.
- Công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (1990-1995).
- Phó Giám đốc và Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (1995-2007).
- Trưởng bộ môn Việt Nam học Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam, 2008).
- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (2009-2019).
11h55 ngày 24/5, Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi, ngụ phường Hương Long, quận Phú Xuân, TP Huế) lẻn vào khu vực trưng bày bảo vật ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa (thuộc Đại Nội Huế).
Đối tượng tỏ thái độ hung hãn, ngồi xếp 2 chân lên ngai, la hét, chửi rủa và làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái. Đến khoảng 12h10, thấy Tâm đi xa khỏi khu vực trưng bày các hiện vật, một bảo vệ đã xông vào khống chế, sau đó nhiều người khác tiến đến hỗ trợ.
"15 phút đối tượng loạn thần phá hoại ngai vàng triều Nguyễn đã cảnh tỉnh cả ngành bảo tồn di sản Việt Nam", Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nói với Tri Thức - Znews.
Liệu có thể phục chế toàn vẹn ngai vàng?
Ông có suy nghĩ ra sao khi nghe tin ngai vàng triều Nguyễn trong điện Thái Hòa bị đập gãy?
- Tôi rất sốc và buồn. Sự cố này cho thấy công tác bảo vệ hiện vật, nhất là các hiện vật quan trọng, trong quần thể di tích cố đô Huế chưa được cơ quan quản lý chú trọng đúng mức.
Theo ông, mức độ tổn hại của ngai vàng ra sao và có thể phục chế được không?
- Qua hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội, tôi thấy ngai vàng thiệt hại không quá lớn. Ngai hoàn toàn có thể phục chế nhờ đội thợ thủ công tay nghề cao ở Huế. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là tính nguyên gốc của hiện vật sẽ bị ảnh hưởng do đã từng sửa chữa nhiều lần.
![]() |
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngai vàng (hay ngai vua) triều Nguyễn là hiện vật độc bản mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. |
Ứng xử đúng cách với bảo vật quốc gia
Theo ông, trách nhiệm các bên liên quan trong sự việc nghiêm trọng lần này?
- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDT Cố đô Huế) phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra việc một đối tượng bị loạn thần là khách tham quan xâm nhập vào khu vực cấm trong điện Thái Hòa, ngồi lên ngai vàng và thực hiện các hành vi phá hoại chiếc ngai.
Lực lượng bảo vệ của Trung tâm này không được đào tạo bài bản và đầy đủ như các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp. Họ chủ yếu làm các nhiệm vụ như: kiểm soát vé tham quan, giám sát hiện vật trưng bày, "trông chừng" và hướng dẫn du khách tuân thủ các tuyến tham quan trong di tích.
Nguyên nhân của thực trạng này còn nằm cơ chế tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ cho đội ngũ bảo vệ. Họ nhận một mức lương rất thấp, lực lượng mỏng, lại không được huấn luyện, trang bị các kỹ năng căn bản để ứng xử khi có xảy ra các sự cố như đã xảy ra đối với ngai vàng triều Nguyễn vừa rồi.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Hình ảnh đối tượng đập phá và một số bộ phận của ngai vàng bị hư hại. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế. |
Cần có chính sách gì cho việc bảo vệ bảo vật quốc gia?
- Việt Nam hiện có 265 bảo vật quốc gia được công nhận, nhưng cơ quan chức năng chưa ban hành quy chế cụ thể để hướng dẫn cách thức quản lý, trưng bày, bảo vệ an ninh... cho các bảo vật này.
Giữa bảo vật quốc gia và cổ vật thông thường có sự khác biệt rõ ràng về danh phận, thể hiện qua quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chế độ bảo quản, bảo vệ giữa bảo vật quốc gia và hiện vật thông thường hiện nay vẫn như nhau; chưa có sự phân cấp hay các quy chuẩn riêng biệt cho các nhóm hiện vật đặc biệt như bảo vật quốc gia.
Theo tôi, cơ quan chức năng ở Trung ương cần ban hành quy chế riêng để bảo vệ bảo vật quốc gia: từ hoạt động bảo quản hiện vật ở trong kho, ở nơi trưng bày, tránh các tác động xấu do môi trường, khí hậu, nhiệt độ thay đổi bất thường… ảnh hưởng đến hiện vật; đến cơ chế bảo đảm an ninh, tránh cho bảo vật quốc gia bị xâm hại, mất mát. Tóm lại, cần "luật hóa" quy chế bảo vệ dành riêng cho bảo vật quốc gia.
Sự cố lần này là bài học như thế nào cho toàn ngành văn hóa và bảo tồn di sản tại Việt Nam?
- Sự cố lần này là bài học rất lớn cho toàn ngành di sản văn hóa. Đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế bảo quản, bảo đảm cho bảo vật quốc gia như tôi đã đề cập trên đây, có thể tham khảo cách thức mà các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, phương Tây... đã làm từ nhiều thập kỷ trước.
![]() |
Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn ngồi trên ngai vàng. Ảnh: Tư liệu. |
Ở Nhật Bản, tất cả di sản văn hóa được xếp theo ba cấp độ bảo vệ với đầu tư tương xứng: Quốc bảo (Kokuho: báu vật quốc gia); Trọng yếu văn hóa tài (Di sản văn hóa quan trọng) và Văn hóa tài (Di sản văn hóa). Hàn Quốc cũng chia di sản thành các cấp độ bảo vệ riêng biệt, trong đó cấp cao nhất là Quốc bảo (Kukpo), được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Các nước này đều bảo vệ bảo vật quốc gia của họ rất nghiêm, chỉ cho du khách quan sát từ xa, không được xâm nhập khu vực trưng bày và tiếp cận hiện vật trực tiếp. Các bảo vật trưng bày có hàng rào cách ly và có hệ thống cảm biến điện tử, khi du khách vượt qua "lằn ranh" cảnh báo, hệ thống báo động phát thanh để du khách biết mà rút lui và bảo vệ kịp thời xuất hiện để can thiệp.
Ông có đề xuất nào cho công tác trưng bày bảo vật quốc gia như ngai vàng triều Nguyễn?
- Tôi phản đối việc dùng bản sao để trưng bày trong khi hiện vật gốc vẫn còn nguyên, hay đặt ngai vàng trong tủ kính cường lực như một số ý kiến "đòi hỏi" trên mạng xã hội.
Trưng bày hiện vật trong chính điện Thái Hòa, cũng như trong điện thờ các vua là hình thức trưng bày "tái hiện lịch sử" nên hiện vật trong các di tích này luôn được bài trí giống như đã được bài trí, thờ tự trước đây.
Theo tôi, chúng ta không nên cho du khách thâm nhập vào nội điện Thái Hòa, mà giữ khách ở bên ngoài, mở 3 ô cửa lớn ở mặt tiền điện để du khách đứng trên thêm tiền điện, có hàng rào ngăn cách và nhìn vào bên trong. Điều này nên áp dụng cho cả Thế Miếu và những điện thờ các vua ở các lăng.
Vì vậy, TTBTDT Cố đô Huế nên tổ chức lại tuyến tham quan trong nội thất điện Thái Hòa và cả Thế Miếu thành tuyến tham quan bắt đầu từ bậc thềm tiền điện, đi vào vào chái hữu của điện Thái Hòa, dẫn ra hậu điện rồi ra ngoài, không cho du khách thâm nhập nội thất chính điện.
Sau cùng, nên áp dụng cách thức mà cung điện Potsdam, cung điện Versailles… và nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng: đó là dùng hệ thống cảm biến (sensor) để kiểm soát du khách cố tình thò tay, thò đầu qua "lằn ranh" ngăn cách khu vực tham quan với khu vực trưng bày. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng du khách đột nhập vào khu vực cấm mà nhân viên bảo vệ không biết, như đã xảy ra.
Cảm ơn ông về buổi chia sẻ.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình