17 năm tủi nhục của gia đình ông Nén
Ông Huỳnh Văn Nén kết hôn với bà Nguyễn Thị Cẩm vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước và sinh được 3 con trai. Vợ chồng họ gánh đồ ăn đi bán dạo (cháo lòng, bánh canh) kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ.
Cuối tháng 4/1998, bà Lê Thị Bông ở gần nhà bị kẻ gian siết cổ, lấy đi nhẫn một chỉ vàng. Nghe tin hàng xóm bị sát hại, ông Nén cùng người thân nạn nhân lo ma chay. Không ngờ, gần một tháng sau, người đàn ông này bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ vì nghi ngờ là hung thủ giết bà Bông.
Bà Cẩm vẫn nhớ như in khoảnh khắc chồng mình bị công an bắt: "Lúc đó, tôi chết lặng, suy sụp tinh thần suốt thời gian dài". Trong xã, nhiều người cảm thông vì cho rằng ông Nén bị bắt oan, cũng không ít người xì xào bàn tán vì bà Cẩm có chồng tù tội.
Bà Cẩm tâm sự với phóng viên. Ảnh: K.T. |
Từ ngày ông Nén bị bắt, bà Cẩm chịu biết bao đắng cay, tủi nhục nuôi 3 đứa con khôn lớn và kêu oan cho chồng. Hàng ngày, người phụ nữ thức dậy từ 3h rồi gánh hàng bánh canh, cháo lòng trên vai đi khắp đường làng, ngõ xóm. Ngày nào bán được thì 4 mẹ con còn được bữa cơm, hôm nào ế thì phải ăn bánh canh trừ bữa.
Khổ nhất là những lần con nhỏ đau ốm, bà phải chạy vạy khắp nơi, bán hết đồ đạc trong nhà nhưng vẫn không đủ. Những lúc như vậy, người phụ nữ chỉ biết ôm con khóc cho số phận hẩm hiu.
Có lúc bà Cẩm muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến 3 đứa con thơ và chồng bị bắt oan, lại gắng gượng để sống. Vì nhà nghèo, nên 3 đứa con phải nghỉ học từ lớp 1, 2. "Đứa nào cũng không chịu, đòi tôi cho đi học tiếp. Lời chúng nói như xé lòng tôi, mẹ nào chẳng muốn con mình học hành thành đạt, nhưng hoàn cảnh gia đình, tôi buộc phải để con nghỉ học giữa chừng", mắt bà Cẩm rơm rớm.
"Chung sống với anh ấy hơn 10 năm, tôi biết chồng tôi hay uống rượu, nhưng bản tính hiền lành, không thể là nghi can giết người. Vì thế, dù chịu bao đói khổ, tôi vẫn cố gắng dành dụm tiền để kêu oan", bà Cẩm nói tiếp.
Mỗi lúc bà lên thăm chồng, ông Nén đều khẳng định mình không giết người và động viên vợ cố gắng nuôi con. Chắc chắn một ngày ông sẽ được giải oan, khi đó sẽ bù đắp cho vợ con. Hơn 17 năm chờ đợi, cuối cùng niềm tin, sự cố gắng của người phụ nữ tảo tần ấy cũng được bù đắp, chồng bà đã được trả tự do.
Bà Cẩm mong pháp luật trừng trị thích đáng những cán bộ điều tra năm xưa đã đẩy gia đình bà vào bi kịch. Đồng thời bà mong nhận được mức bồi thường xứng đáng. "Số tiền đó, tôi sẽ làm lại cuộc sống, sửa sang nhà cửa và tạo công ăn việc làm cho con, tuổi thơ của chúng đã chịu khổ quá nhiều rồi", người phụ nữ chia sẻ.
Được biết, 3 người con của ông Nén do không học hành gì nên một người không có công ăn việc làm ổn định, một người đi phụ hồ, người còn lại làm lơ xe.
Tôi luôn tin mình sẽ được minh oan
"Lúc bị công an bắt, tôi vô cùng ngạc nhiên và nói với họ rằng bắt nhầm người, bởi thực tế tôi không biết gì về vụ án. Nhưng rồi, điều tra viên tên Hùng cùng nhiều người khác thay nhau đánh đập. Quá đau đớn, tôi phải kí vào biên bản nhận tội do họ làm", ông Nén mở đầu câu chuyện.
Ông Nén: "Họ đánh đau quá buộc tôi phải nhận tội". Ảnh: K.T. |
Dù bị oan, nhưng vào trại giam ông Nén không quậy phá mà chấp hành tốt nội quy. Theo lời ông, thì việc gây rối làm cho việc kêu oan càng thêm khó khăn.
"Có lẽ, điều tốt nhất sau 17 năm tù oan của tôi là bỏ được rượu. Trước uống dữ lắm, nhưng vào trại không được tiếp xúc với chất kích thích nên tôi cai được rồi", ông Nén cười hiền.
Buổi sáng ngày ra trại, ông Nén không nghe thông tin gì. Nhưng cuối giờ chiều, một quản giáo nói vọng vào buồng giam "Huỳnh Văn Nén thu xếp đồ để về". Ông mừng đến run người, bỏ hết mọi đồ đạc, chỉ mang theo vài bộ quần áo.
Đón ông hôm đó ngoài người thân còn có ông Nguyễn Thận, người thầy suốt 15 năm qua kêu oan cho học trò. Gặp nhau ngoài cửa trại giam, 2 thầy trò ôm nhau khóc.
Về nhà sau gần 20 năm xa cách, mọi thứ với ông Nén đều trở nên xa lạ. Người vợ trẻ năm xưa nay tóc hoa râm, mấy đứa con nhỏ đã trưởng thành. Ngôi làng nghèo ven quốc lộ đã thành thị trấn, căn nhà tranh được bà Cẩm gom góp tiền xây lại.
"Ở trong trại, tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi, nhưng không ngờ lại thay đổi chóng mặt như thế này. Lạ nhất là chiếc điện thoại, ngày xưa lúc tôi đi máy to đùng, nay đã nhỏ như 2 ngón tay", ông Nén nói.