Sau khi cứu sống một phụ nữ ngừng tim, 18 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV từ bệnh nhân này. Đặc biệt ê-kíp cấp cứu còn có một số y bác sĩ nữ đang mang thai nên rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật. Ảnh: Diệu Anh. |
Với trường hợp này, BS CKII, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc điều hành Phòng khám đa khoa Dr.Binh Teleclinic, Nguyễn Thúy Lan cho biết về mặt lý thuyết, chỉ khi nào có sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của cơ thể người có HIV thì mới có nguy cơ lây nhiễm.
Chẳng hạn, khi bị máu, chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da tổn thương (chàm, bỏng, vết loét, xây xước từ trước) hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng...). Ngoài ra, chúng ta còn có thể bị lây nhiễm thông qua các tổn thương qua da do ống đựng máu hoặc chất dịch của người có HIV bị vỡ đâm vào hoặc vết thương do bị bơm kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn đã hoặc đang dùng cho người có HIV.
Để biết kết quả chính xác nhất, người nghi nhiễm cần phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên cách này lại phải chờ lâu mới có kết quả.
Sau khi có tiếp xúc với người nhiễm HIV, chúng ta phải ngay lập tức liên hệ với trung tâm HIV - AIDS để xin thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm (2 hoặc 3 loại). Điều trị chống phơi nhiễm bắt buộc phải tiến hành sớm ngay sau khi có các hành vi nguy cơ.
Lưu ý khi dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV
- Chỉ hiệu quả khi dùng sớm: Những người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần phải dùng thuốc càng sớm càng tốt. Tốt nhất là điều trị sớm từ 2-6h sau khi bị phơi nhiễm và không điều trị muộn quá 72h (3 ngày) kể từ khi có hành vi nguy cơ. Thời gian điều trị kéo dài liên tục trong 28 ngày.
- Sau 10 tuần kể từ thời điểm bị phơi nhiễm hoặc có hành vi nguy cơ, bạn cần tái xét nghiệm HIV. Nếu kết quả âm tính, bạn có thể yên tâm không bị nhiễm.
- Địa chỉ mua thuốc: Các loại thuốc chống phơi nhiễm HIV này không bán lẻ ở bên ngoài. Có thể điều trị tại phòng cấp cứu các bệnh viện, phòng khám ngoại trú Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS địa phương. Ví dụ, tại Hà Nội Bệnh viện Đống Đa, Nhiệt đới... đang có loại thuốc này.
- Chi phí điều trị: Thuốc chống phơi nhiễm do nước ta sản xuất khoảng 1,2 triệu đồng, nếu thuốc ngoại khoảng 4,5 triệu đồng.
- Khuyến cáo: ARV gây một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, nhưng người phơi nhiễm tuyệt đối không được bỏ thuốc.
Theo chia sẻ của bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật, 11h ngày 4/7, biết tin bệnh nhân nhiễm HIV, TS.BS Nguyễn Mạnh Trí, Phó giám đốc bệnh viện đã liên hệ Trung tâm điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS để lấy thuốc ARV cho các y bác sĩ. 14h, toàn bộ 18 người tham gia cấp cứu, phẫu thuật đã được uống thuốc, lấy máu xét nghiệm.
Sau khi sự việc xảy ra, các bác sĩ vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường, sức khỏe chưa xuất hiện triệu chứng khác thường. Họ sẽ tiếp tục được theo dõi trong vòng 28 ngày.