Kiarash Hossainpour đã tìm ra con đường tắt để trở nên giàu có. Khi chưa đến tuổi trưởng thành, anh đã tổ chức các hội thảo trực tuyến về tinh thần khởi nghiệp.
Nhưng vào mùa xuân năm ngoái, tài sản của Hossainpour biến mất khi tiền điện tử mất giá, sụp đổ. Từ ngày này sang ngày khác, anh chứng kiến từng khoản đầu tư của mình tiêu tan.
Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn khó khăn như vậy, nhà đầu tư 22 tuổi người Đức gốc Iran vẫn không bỏ cuộc. Dù đã mất tới 90% các khoản đầu tư vào tiền ảo, Hossainpour nói với Business Insider rằng anh sẽ tiếp tục đầu tư vào Bitcoin vì "tin tưởng chắc chắn vào tương lai của tiền điện tử".
Kiarash Hossainpour thành triệu phú và trắng tay đều vì tiền ảo. |
Từ triệu phú thành trắng tay
Hossainpour nói rằng sự sụt giảm giá trị tài sản kỹ thuật số chỉ khiến anh lo lắng đôi chút, bởi vì anh không có kế hoạch bán chúng.
Chàng trai tự nhận mình là "nhà đầu tư chiến lược" - một người không khuất phục trước "những cơn hoảng loạn bất chợt".
"Tôi đã không bán trong những thời điểm bùng nổ không kiểm soát và dĩ nhiên, tôi cũng sẽ không bán khi giá trị suy giảm hoàn toàn".
Ngày 29/8, giá Bitcoin giảm mạnh, về dưới mốc 20.000 USD/coin, khác xa mức cao kỷ lục là trên 67.000 USD/coin được xác lập vào tháng 11/2021.
Hossainpour phá sản nhưng vẫn tin tưởng vào tương lai của tiền ảo. |
Tuy nhiên, Bitcoin vẫn ổn định nhất trong số các loại tiền điện tử mà Hossainpour đã đầu tư. "Đòn đánh" thực sự hạ gục nhà đầu tư 22 tuổi đến từ Luna, tiền điện tử mà anh đã đặt cược vận may để đầu tư. Tháng 5 vừa qua, Luna đã mất 99% giá trị.
Hossainpour cho rằng nhiều loại tiền ảo sụp đổ do "sự kém cỏi" của nhóm phát hành. Anh thừa nhận rằng mình đã không lường trước được điều đó.
"Giác quan thứ 6" cho phép Hossainpour tích lũy hàng trăm nghìn người theo dõi trên các kênh tư vấn tài chính thông qua mạng xã hội, nhưng đã không thể giúp ích trong tình huống này.
Tiền ảo mất giá không chỉ làm bay hơi giá trị tài sản ròng, mà còn khiến Hossainpour mất đi sức ảnh hưởng với vai trò là một nhà tư vấn đầu tư. Theo đúng lời của cố vấn thị trường chứng khoán Mỹ đồng thời là người dẫn chương trình radio Clark Howard, Hossainpour có thể bị xem là "một người đàn ông vô trách nhiệm đã khiến hàng nghìn người phá sản".
Hình mẫu "cô bé Lọ Lem" gây hại
Kiarash Hossainpour sinh năm 1999 tại Berlin, trong một gia đình người Iran tị nạn ở Đức để trốn chạy cuộc cách mạng Hồi giáo hỗn loạn.
Cha Hossainpour, nhà khoa học máy tính, đã tặng con trai chiếc máy tính đầu tiên khi anh 10 tuổi.
Thời trẻ, Hossainpour từng sử dụng máy tính để cá cược thể thao online, nhưng cha của anh, "một người ngay thẳng, hơi cổ hủ", đã nghiêm cấm anh tham gia hoạt động này.
"Nếu muốn máy tính giúp con kiếm tiền, trước tiên hãy học lập trình", cha anh cảnh báo.
Giống như nhiều thanh thiếu niên tham gia đầu tư tiền ảo, Hossainpour hoàn toàn tự học và ra mắt kênh YouTube đầu tiên ở tuổi 13.
Đến cuối năm 2015, Hossainpour đã đầu tư gần 40.000 USD vào Bitcoin.
Thời gian đầu, Hossainpour kiếm được rất nhiều tiền từ các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, anh còn "rao bán" sự thành công của mình thông qua mạng xã hội.
Trên kênh tư vấn tài chính, chàng trai trẻ đưa ra nhiều lời khuyên có vẻ hợp lý, thiết thực như "chỉ đầu tư số tiền còn lại sau khi trang trải cuộc sống của bạn và gia đình". Tuy nhiên, những bức ảnh Hossainpour lái siêu xe Rolls-Royce hoặc Lamborghini lại kể câu chuyện siêu thực đối lập.
Hossainpour mở kênh tư vấn tài chính để nói về cách làm giàu nhanh chóng. |
Cuối năm 2021, khi Bitcoin và các loại tiền điện tử đạt giá trị kỷ lục, báo chí quốc tế bắt đầu chú ý đến Hossainpour.
David Thompson của Tech Times mô tả Hossainpour là chàng trai trẻ "chạm đến cây đũa phép" và sẵn sàng "chia sẻ kinh nghiệm làm giàu qua mạng xã hội".
Còn Arianna Rodriguez của International Business Times viết rằng Hossainpour là một trong số ít những thanh niên châu Âu đã đạt được sự độc lập hoàn toàn về tài chính ở tuổi 18 và là người phụ trách "một mạng lưới chia sẻ kiến thức có ảnh hưởng". Kênh tư vấn tài chính của Hossainpour, Kyle Hoss, được mô tả là "trường học ảo dành cho các triệu phú tương lai".
Theo quan điểm của Ana Cristina Silva, giáo sư tài chính tại Đại học Merrimack ở Massachusetts (Mỹ), những câu chuyện cô bé Lọ Lem kiểu này có thể gây hại và hình mẫu như Hossainpour cho thấy văn hóa làm giàu nhanh chóng đã thâm nhập vào các thế hệ trẻ.
"Bất kỳ công việc nào cũng đòi hỏi một trình độ hiểu biết kinh tế nhất định và trên hết là cơ sở tài chính vững chắc. Thật vô trách nhiệm khi khuyến khích, dụ dỗ những người trẻ đầu tư vào một lĩnh vực mang tính đầu cơ và dễ 'bốc hơi' như tiền điện tử bằng một số ví dụ thành công".
Silva nói thêm rằng nhiều sinh viên của mình "dành tiền tiết kiệm để mua tiền điện tử với hy vọng sẽ nhanh chóng trở nên giàu có. Hầu hết đều mất từng USD cuối cùng".
Quan điểm của Silva là "tiền điện tử khác xa với văn hóa khởi nghiệp thực sự, vốn đòi hỏi sự đào tạo, kỷ luật và các nguyên tắc".