Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

19 tuổi, tôi đánh bại ung thư

Tuổi 15 của tôi gắn liền với kim tiêm, ống truyền, là những tháng ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư đến kiệt quệ.

Tôi nhớ như in thời điểm vài năm trước, khi ôm chiếc bụng đau quặn thắt, loạng choạng bước vào nhà vệ sinh. Dọc hai chân, dòng máu ấm nóng đang ồ ạt chảy xuống, nhuốm đỏ cả sàn nhà. Đột nhiên, mọi thứ tối sầm.

Mở mắt ra, tôi đã nằm ở phòng Cấp cứu, hai tay được ghim đầy dây dợ. Căn bệnh ung thư ập đến với tôi theo cách không thể tệ hại hơn.

Tôi là Vũ Thị Thanh Duyên (19 tuổi, quê Thái Bình) hiện là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuổi trẻ của tôi đã có hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư máu giai đoạn 2 không thể quên.

Cơn đau thấu xương

Cuối năm 2019, trong những ngày ôn thi tuyển sinh căng thẳng, cuộc sống của tôi thường bị “quấy rầy” bởi những cơn đau. Ban đầu chỉ là đau nhẹ ở vùng đầu gối, sau đó lan dần đến hai chân.

Theo thời gian, cơn đau càng trầm trọng hơn, cảm giác hàng chục mảnh xương bên trong đang bị bẻ gãy, đi kèm là những trận sốt dai dẳng.

Những cuộc gọi giữa Hà Nội - Thái Bình ngày một nhiều hơn. Ở đầu dây bên kia, mẹ sốt sắng đòi về quê chăm con gái. Vòng xoáy “cơm áo gạo tiền” đã tách đôi gia đình nhỏ kể từ khi tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên. Bố mẹ làm việc ở Hà Nội, tôi vẫn ở quê, đảm nhận việc chăm nom hai em trai.

Đinh ninh bản thân chỉ bị đau khớp thông thường, tôi tặc lưỡi trước lời đề nghị của mẹ. Thuyết phục không thành, mẹ kiên quyết gác lại công việc, đưa tôi đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

“Có thể là ung thư”, vị bác sĩ nói với giọng ngờ vực sau khi nhìn qua hàng chục kết quả xét nghiệm, chụp chiếu. Ngay sau đó, tôi được đẩy vào phòng chọc tủy để có câu trả lời chính xác nhất.

“Chỉ bị nhiễm trùng máu thôi, trị vài hôm sẽ khỏi”, mẹ nói, cố giữ giọng bình tĩnh sau khi nhận kết quả chẩn đoán. Thế nhưng, nhìn vào đôi mắt đỏ hoe cùng nét mặt đượm buồn của mẹ, tôi tin những gì vị bác sĩ kia nghi ngờ đã trở thành sự thật.

Nửa năm đau đớn vật vã của tôi kết thúc bằng chẩn đoán ung thư máu giai đoạn 2, sắp di căn vào thận.

Với đứa trẻ 15 tuổi lúc đấy, ung thư vẫn là điều gì đó quá xa vời. Thế nhưng, nhìn cơ thể sưng phù, mỗi lần hít thở đều đau đớn, tôi đang dần thấy “ung thư” hiện hữu trước mắt.

Ngay chiều hôm đấy, tôi được chuyển sang khoa Ung bướu. Trong không gian đượm mùi thuốc và hóa chất, vài chục đứa trẻ chào đón tôi bước vào hành trình mới. Giới tính, độ tuổi khác nhau, điểm chung của chúng là mái đầu nhẵn thín, cánh tay chi chít những vết tím bầm. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy sợ hãi.

Những ngày đau đớn nhất đời

Nửa năm đầu tiên, bệnh viện như trở thành nhà tôi. Đều đặn 10h mỗi ngày, hóa chất bắt đầu được truyền vào cơ thể. Hết loại này đến loại khác, tôi như bị rút cạn sức lực. Khi kim tiêm được rút ra khỏi ven cũng là lúc đồng hồ điểm 19h.

30 viên thuốc Dexamethasone mỗi ngày hành hạ dạ dày tôi đến tột cùng, chẳng còn màng đến chuyện ăn uống. Thời điểm ấy, tôi cao 1m6 nhưng cân nặng chưa đến 40 kg.

Những lần tiêm tủy tựa như cơn ác mộng của đứa trẻ 15 tuổi lúc ấy. Khi mũi kim đâm vào sống lưng, tôi cảm thấy toàn thân tê dại, chỉ có thể nằm co quắp trên chiếc giường nhỏ, khóc không thành tiếng.

Tôi sút cân đột ngột và bắt đầu rụng tóc. Tôi sợ đến mức không dám chạm, không dám vuốt tóc vì biết mỗi lần vuốt là tóc rụng rất nhiều. Nhưng cuối cùng vẫn không thể thắng được tác dụng phụ của hóa chất, tóc tôi rụng sạch. Vài tháng vào thuốc dồn dập, các cơ của tôi teo dần. Mỗi khi đi làm xét nghiệm hay hóa trị chỉ có thể phụ thuộc vào xe lăn.

Sau khi những cơn đau dần lắng xuống, cảm giác mủi lòng lại tràn ngập. Tôi nhớ da diết những bữa cơm nhà nóng hổi. Nhìn bản thân trong gương với cơ thể sưng húp, mái đầu trơ trụi, tôi không còn nhận ra chính mình.

Trên hành trình chiến đấu với bệnh tật, đi nhanh cũng được, đi chậm cũng được, miễn là không nản lòng, không bỏ cuộc

Phác đồ điều trị của tôi cũng có thêm những loại thuốc mới. Tác dụng phụ của hóa chất khiến huyết áp tôi lên xuống liên tục, tiểu đường, rối loạn nhịp tim. Đỉnh điểm, tôi bị xuất huyết dạ dày. Cơn đau cứ âm ỉ hết ngày này qua tháng nọ đến mức đột nhiên ngất đi, khi tỉnh dậy lại thấy mình nằm ở phòng Cấp cứu.

Những ngày không hóa trị, tôi được bố mẹ chở đi khắp phố phường Hà Nội. Gia đình đã chụp rất nhiều ảnh, thế nhưng, trong những bức ảnh ấy, mắt mẹ vẫn đỏ hoe, bố thì gượng cười.

Tôi luôn mơ về khoảnh khắc gia đình đoàn tụ nhưng không phải trong tình cảnh thế này.

Phép màu có thật

Số tiền tích cóp sau mấy chục năm làm ở công trình của bố mẹ vơi dần theo những hóa đơn viện phí. Cảm giác áy náy bao giờ cũng hiện hữu trong tôi.

Nhờ tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ thể đáp ứng thuốc tốt, sức khỏe tôi dần diễn biến tích cực, tôi được chỉ định điều trị ngoại trú, mỗi tháng chỉ cần hóa trị 2 tuần, 1-2 tuần được ở nhà.

Mẹ mua cho tôi thêm thực phẩm chức năng bồi dưỡng sức khỏe và chú ý dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Bố biết con gái rất để ý vẻ bề ngoài nên lần đầu đến tiệm tóc để mua cho tôi bộ tóc giả. Từ thời điểm đó, tôi bắt đầu dùng tóc giả, thấy bản thân xinh xắn, tự tin hơn. Ròng rã như thế nửa năm, tôi được xuất viện.

chien thang ung thu anh 5

Căn bệnh ung thư đã dạy tôi mạnh mẽ, kiên trì hơn và ý thức được sự sống quý giá.

Rời khỏi kim tiêm, ống truyền, tôi chính thức bước vào cấp 3. Nhập học chậm hơn một năm so với bạn bè, điều này với tôi không là vấn đề lớn. Với tôi, chỉ cần còn sống đã là một ân huệ.

Những chuyến xe giữa Thái Bình - Hà Nội vẫn cứ nối tiếp nhau. Mỗi tháng, tôi đến viện tái khám một lần và duy trì hơn một năm sau đó. Mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế cho đến một buổi chiều năm 2022. Cầm trên tay giấy kết quả với các chỉ số đều trở về mức bình thường, tôi vẫn chưa tin đây là sự thật.

Hai năm rưỡi chiến đấu với ung thư dạy cho tôi một bài học lớn. Chúng ta luôn sợ hãi về những điều mình chưa biết, nhất là những thứ âm thầm diễn ra trong cơ thể. Thế nhưng nếu điều không may thật sự đến, ta vẫn phải đón nhận và đối mặt với nó.

Trên hành trình chiến đấu với bệnh tật, đi nhanh cũng được, đi chậm cũng được, miễn là không nản lòng, không bỏ cuộc.

Chiến Thắng Ung Thư là một series đặc biệt của Znews, kể về hành trình vượt qua căn bệnh ung thư - một trong những thách thức lớn nhất với con người. Qua mỗi câu chuyện, độc giả không chỉ hiểu thêm về tâm lý, cuộc sống của những người từng phải đối mặt với bệnh K, mà còn cảm nhận được sức mạnh phi thường từ nghị lực sống của họ. Series này mang đến niềm hy vọng, động viên và truyền cảm hứng, đặc biệt dành cho những bệnh nhân hoặc người thân đang chiến đấu với ung thư, để tin rằng "ung thư không phải là dấu chấm hết".

Kỳ Duyên (ghi)

Bạn có thể quan tâm