Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan cho biết những ngày tới các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào sẽ liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng hai cơn áp thấp nhiệt đới liên tiếp, trong đó có áp thấp dự kiến mạnh lên thành bão.
Theo bà Lan, trong 10 năm trở lại đây các tỉnh phía Nam hứng các cơn bão đổ bộ vào đất liền không còn là bất thường, do tình hình thời tiết liên quan biến đổi khí hậu, nước biển ấm lên khiến bão xuất hiện nhiều.
Tuy nhiên, hiện có hai cơn áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão cách nhau mấy ngày, ảnh hưởng đến các tỉnh miền Nam là hơi bất thường.
Chuyên gia khí tượng dự báo áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở vùng biển phía nam Biển Đông sẽ gây sóng to gió lớn, mưa tập trung bán đảo Cà Mau. Khi cơn bão sau vào, thời tiết Nam Bộ sẽ có mưa lớn trên diện rộng.
"Cơn bão số 12 hình thành do dải hội tụ nhiệt đới, đáng lo nhất khi vào Biển Đông tiếp tục mạnh lên do dải hội tụ hơi nước nhiều, biển ấm. Hiện áp thấp này đi theo hướng tây, khi vào Biển Đông mạnh lên thành bão số 12 sẽ đi chệch xuống hướng nam do có không khí lạnh tăng cường", bà Lan cho biết.
Bà Lan lưu ý do miền Nam ít hứng chịu ảnh hưởng của bão nên người dân không được chủ quan, chủ động trong công tác phòng chống bão nhằm bảo đảm an toàn.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới - Ảnh:TTDBKTTVTU |
Chiều 1/11, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM), cho biết ngay tuần vừa qua Trung ương và thành phố đã phối hợp tổ chức buổi diễn tập phòng chống cứu nạn cứu hộ khi xảy ra thiên tai trên địa bàn với rất nhiều lực lượng tham gia.
Theo ông Dũng, chỉ mới xuất hiện áp thấp nhiệt đới nhưng UBND huyện Cần Giờ đã lên kế hoạch ứng phó nếu áp thấp mạnh lên thành bão. Huyện đã huy động 1.400 cán bộ, chiến sĩ túc trực, sẵn sàng đối phó nếu bão đổ bộ.
Địa phương cũng đã thông báo đến người dân sẵn sàng di dời khi thời tiết chuyển biến xấu. Các tàu, thuyền cũng được thông báo tìm nơi trú ẩn an toàn theo chỉ đạo của TP. Tại đảo Thạnh An, với mức độ nhẹ sẽ xử lý, sơ tán dân tại chỗ. Nếu bão đổ bộ vào sẽ di chuyển người dân vào đất liền, tìm nơi trú ẩn an toàn.
“Chúng tôi sẵn sàng chằng chống nhà cửa, chuẩn bị trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết. Địa phương cũng chuẩn bị sẵn các công trình, trường hợp, trụ sở UBND kiên cố để kịp thời di dời người dân đến tránh bão”, ông Dũng nói.
Bài học bão Linda
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, bão Linda năm 1997 tuy không phải là cơn bão quá mạnh đối với cả Việt Nam và thế giới nhưng với Cà Mau, đây là cơn bão lớn nhất, gây thiệt hại đau thương về người và tài sản.
“Bài học về cơn bão Linda nhắc nhở người làm phòng chống thiên tai phải luôn tìm mọi biện pháp để giảm nhẹ thiệt hại về con người, tính mạng, tài sản của nhân dân”, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc áp thấp nhiệt đới lần này vào nước ta đúng đợt cơn bão lịch sử Linda cách đây 20 năm, Thứ trưởng nói: "Điều lo ngại nhất hiện giờ là sự chủ quan. Lần này, tổ hợp thiên tai trên diện rộng, phức tạp. Miền Trung có mưa lũ, còn đồng bằng sông Cửu Long triều cường dâng. Nếu đợt áp thấp nhiệt đới mới hình thành cơn bão số 12 thì tình hình rất căng thẳng".