Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2 cựu GĐ Điện lực Bình Thuận 'mượn tay' nhà thầu 'rút ruột' ngân sách

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn (cùng là cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận), 24 đồng phạm trong vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại công ty này và các đơn vị liên quan.

Trong vụ án, bị can Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân) bị đề nghị truy tố về các tội "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"; 4 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ", gồm: Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt (cựu Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận), Lê Quang Nghĩa (cựu Trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty Điện lực Bình Thuận.

Liên quan, 5 bị can bị đề nghị tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", 5 bị can bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và 11 bị can bị đề nghị truy tố tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước".

Theo Kết luận điều tra, Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân do bị can Huỳnh Tuấn Ân (Tập doàn Tuấn Ân) thành lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc. Tập đoàn Tuấn Ân có 2 nhà máy, 26 công ty thành viên chủ yếu sản xuất, kinh doanh, cung ứng các vật tư, thiết bị, phụ kiện ngành điện.

Tap doan Tuan An,  GD Huynh Tuan An,  CT Huynh Tuan An,  Dien luc Binh Thuan,  Nguyen Thanh Ngon,  Nguyen Trung Quan,  Tuan An Long An anh 1

Hai cựu Giám đốc Điện lực Bình Thuận (bên phải) và Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân.

Nhà máy Tuấn Ân Long An hoạt động từ năm 2010, nhưng đến năm 2016 mới cung cấp thiết bị cho Điện lực Bình Thuận với số lượng ít, giá trị nhỏ.

Cuối năm 2016, Huỳnh Tuấn Ân chủ động gặp, đề nghị Trần Ngọc Linh (khi đó là Giám đốc Điện lực Bình Thuận) nhờ tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân (một thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân) trúng các gói thầu cung cấp thiết bị.

Ân cam kết sẽ chi tiền ngoài hợp đồng 5-6% cho Điện lực Bình Thuận, trong đó riêng cá nhân Linh là 1,5% (từ 2019 là 2%); số tiền chi ngoài hợp đồng này không cố định mà thay đổi tùy thuộc lợi nhuận của Tập đoàn Tuấn Ân đối với mỗi gói thầu.

Bị can Ân còn hứa hẹn cho cựu Giám đốc Điện lực Bình Thuận góp vốn 500 triệu đồng vào Tập đoàn Tuấn Ân làm cổ đông chiến lược. Mỗi năm, Ân trả cho ông Linh khoảng hơn 20% tiền lãi.

Linh đồng ý và hứa sẽ chỉ đạo cấp dưới là Trương Tấn Đạt liên hệ, trao đổi để đảm bảo Tập đoàn Tuấn Ân sẽ trúng thầu.

Trong giai đoạn Linh làm giám đốc, Điện lực Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ấn trúng tổng 23/26 gói thầu, trị giá đã quyết toán 90 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 45 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, bị can Nguyễn Thành Ngôn được bổ nhiệm Giám đốc Điện lực Bình Thuận. Nguyễn Trung Quân (Giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân) đến gặp Nguyễn Thành Ngôn đề nghị tiếp tục kế thừa từ giai đoạn Trần Ngọc Linh tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân được trúng thầu và đề cập đến việc chi tiền ngoài hợp đồng đã có trước đó.

Bị can Ngôn đồng ý và giới thiệu gặp cấp dưới là Lê Quang Nghĩa để làm việc. Sau đó, 2 bên thống nhất tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân trúng thầu, tỷ lệ chi ngoài hợp đồng là 21% và 25% trên tổng giá trị của 2 gói thầu. Ngôn sẽ trực tiếp nhận số tiền này để phân bổ.

Trong giai đoạn Ngôn làm giám đốc, Điện lực Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng 2 gói thầu, tổng giá trị là 9,3 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 4,5 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra (CQĐT) phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao và các đơn vị liên quan tổ chức thực nghiệm điều tra tại Nhà máy Tuấn Ân Long An để xác định khả năng sản xuất, cấu thành giá vốn của 391 mặt hàng thuộc các gói thầu.

Kết quả thực nghiệm xác định giá vốn của 391 mặt hàng là hơn 48,7 tỷ đồng, giá trị quyết toán hơn 97,6 tỷ đồng. Như vậy, thiệt hại tài sản Nhà nước là hơn 49,7 tỷ đồng.

Sau khi trúng thầu, Huỳnh Tuấn Ân đã đưa hối lộ hơn 9,4 tỷ đồng cho nhiều cá nhân tại Điện lực Bình Thuận như đã thỏa thuận.Trong đó, các bị can Trần Ngọc Linh nhận tổng cộng hơn 2,3 tỷ đồng, Nguyễn Thành Ngôn nhận hơn 1,3 tỷ đồng, Trương Tấn Đạt nhận 4,1 tỷ đồng, Lê Quang Nghĩa nhận 460 triệu đồng.

Các bị can Tạ Thúc Thông (cựu nhân viên Phòng Kế hoạch vật tư) nhận 1,1 tỷ đồng hưởng lợi cá nhân 875 triệu đồng, nhưng không thỏa thuận đưa nhận tiền với Tập đoàn Tuấn Ân. Bị can Võ Tấn Thạnh nhận 460 triệu đồng là quà lễ tết. Hai người này bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, số tiền phân bổ chi chung (đối ngoại, lễ tết, hội nghị, du lịch…) năm 2017-2023 là 1,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên đã bị các đối tượng sử dụng chi tiêu cá nhân.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.

https://www.anninhthudo.vn/hai-cuu-giam-doc-dien-luc-binh-thuan-muon-tay-nha-thau-rut-ruot-ngan-sach-post609491.antd

Bùi Lâm/An ninh Thủ đô

Bạn có thể quan tâm