Trong kết luận điều tra vừa ban hành về vụ "biển thủ" hơn 3,8 triệu USD tại Công ty Dược phẩm Cửu Long, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công đề nghị truy tố ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Một cựu Thứ trưởng Y tế khác là ông Trương Quốc Cường (đang hầu tòa sơ thẩm từ ngày 12 đến 17/5 trong giai đoạn 2 của đại án VN Pharma) cũng bị xác định có liên quan đến những sai phạm của ông Quang.
Che giấu hơn 3,8 triệu USD
Theo Bộ Công an, giai đoạn 2004-2014, Dược phẩm Cửu Long là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Bị can Lương Văn Hóa là Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty này.
Năm 2005, dịch cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp nên ông Cao Minh Quang (khi đó là Cục trưởng Quản lý dược, Chủ tịch Hội đồng thẩm định) đã đại diện Bộ Y tế đặt hàng Dược Cửu Long sản xuất 6 triệu viên thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm theo kế hoạch.
Dược Cửu Long hiện nay là công ty cổ phần. Ảnh: CAND. |
Khi tham gia kế hoạch trên, ông Hóa chỉ đạo cấp dưới tìm kiếm, mua nguyên liệu sản xuất thuốc của Công ty Mambo có trụ sở tại Singapore. Sau đó, Dược Cửu Long đã mua 520 kg nguyên liệu với trị giá 9,1 triệu USD.
Đầu năm 2006, dịch cúm được khống chế nên Bộ Y tế giảm số lượng đặt hàng tại Dược Cửu Long còn 5 triệu viên. Lúc này, doanh nghiệp đã đàm phán nhập nguyên liệu và thanh toán trước cho Công ty Mambo hơn 5,2 triệu USD. Còn lại hơn 3,8 triệu USD được đối tác nước ngoài đồng ý giảm giá.
Bộ Công an xác định khi được giảm giá số tiền hơn 3,8 triệu USD, ông Hóa đã không báo cáo Bộ Y tế mà chỉ đạo thuộc cấp lập giấy tờ hạch toán, hợp thức hồ sơ rồi để ngoài sổ sách khoản tiền này. Mục đích để bổ sung vốn và tăng doanh thu, lợi nhuận của công ty.
Trong nhiều năm sau đó, bị can Lương Văn Hóa vẫn không báo cáo, báo sai sự thật với Bộ Y tế nhằm che giấu, giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD trên.
"Đến nay, Công ty Dược Cửu Long vẫn chưa thanh toán hơn 3,8 triệu USD tiền mua nguyên liệu Oseltamivir cho Công ty Mambo", kết luận điều tra nêu và xác định đây là khoản chênh lệch giá cần phải nộp hoàn trả cho Nhà nước.
Ngoài ra, quá trình tương trợ tư pháp, cơ quan chức năng Singapore cũng không thể xác minh được pháp nhân Công ty Mambo.
Trách nhiệm của 2 cựu thứ trưởng
Theo kết luận điều tra, năm 2008, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang được Bộ trưởng phân công làm Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc phòng chống dịch cúm A.
Sau đó, ông Quang cho lập đoàn kiểm tra tra liên ngành do ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý dược, đồng phạm với ông Trương Quốc Cường trong đại án VN Pharma) làm trưởng đoàn đến làm việc tại Công ty Dược Cửu Long.
2 cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang (trái) và Trương Quốc Cường đều đã bị khởi tố. |
Quá trình thanh tra, đoàn liên ngành phát hiện Dược Cửu Long để ngoài sổ sách, giữ lại hơn 3,8 triệu USD. Tuy nhiên, ông Cao Minh Quang và Nguyễn Việt Hùng đã không kiến nghị tiếp tục kiểm tra làm rõ về khoản tiền này.
Tháng 2/2009, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra Công ty Dược Cửu Long do còn nợ nhà cung cấp hơn 3,8 triệu USD. Lúc đó, ông Quang được phân công giải quyết kiến nghị này nhưng bị can vẫn không chỉ đạo kiểm tra.
Quá trình điều tra, ông Cao Minh Quang thừa nhận sai phạm trên. Ông ta lý giải bản thân nghĩ việc kiểm tra tài chính là trách nhiệm của Thứ trưởng phụ trách tài chính. Ngoài ra, ông Quang nói bận nhiều việc nên để xảy ra thiếu sót và xin được khắc phục hậu quả.
Đối với ông Trương Quốc Cường, kết luận điều tra cho rằng khi đang giữ chức Cục trưởng Quản lý dược, ông này biết Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục kiểm tra tiền tại Dược Cửu Long. Tuy nhiên, do cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang không chỉ đạo tiếp nên ông Cường yêu cầu rồi được công ty dược nói sẽ thanh toán tiền trước 20/3/2009.
Sau đó, ông Cường giao Nguyễn Việt Hùng trực tiếp báo cáo ông Quang. Bản thân ông Cường không tham gia tiếp nên không biết những diễn biến sau đó. Bộ Công an đánh giá hành vi của ông Cường không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.