Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2 năm ăn Tết xa nhà của cô dâu Việt ở Na Uy

Vì dịch bệnh, 2 năm nay, Hiên chưa thể về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán. Năm ngoái, cô cùng chồng đi chợ mua đồ để gói bánh chưng vào dịp này.

Khi kết hôn với Emil (quốc tịch Na Uy) vào cuối tháng 3/2020 và bắt đầu cuộc sống mới tại quê hương chồng, Phạm Thị Hiên (25 tuổi, quê Bắc Giang) nghĩ lấy chồng xa là năm nào cũng được ăn 3 cái Tết gồm Giáng sinh, Tết Dương lịch bên gia đình chồng, Tết Nguyên đán cùng nhà ngoại ở Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đó tới nay, cô chưa thể trở về quê hương vì dịch bệnh.

“Tết Âm lịch năm nay, vợ chồng mình cũng muốn về Việt Nam lắm nhưng dịch bệnh phức tạp, việc đi lại khó khăn và con gái Lily còn nhỏ nên chưa lên kế hoạch. Dù vậy, chúng mình vẫn theo dõi tình hình mở cửa ở Việt Nam hàng ngày. Gia đình ngoại cũng ngóng vợ chồng mình về lắm. Mình sang đây gần 2 năm rồi, điều mọi người mong mỏi nhất là được gặp Lily”, Hiên nói với Zing.

Tet xa nha cua co dau Viet o Na Uy anh 1

Vợ chồng Hiên và Emil cùng con gái nhỏ hiện sống tại Na Uy.

Nên duyên

Hiên tình cờ quen Emil qua lần đầu anh sang Việt Nam du lịch. Khi đó, cô là sinh viên năm 2 Đại học Xây dựng. Vì muốn giỏi tiếng Anh giao tiếp, cô thường xin làm “hướng dẫn viên nghiệp dư” cho người nước ngoài ghé thăm Hà Nội.

Lúc gặp Hiên, Emil vừa bước chân ra khỏi khách sạn sau chuyến bay dài.

Trước khi về chung một nhà, Hiên và Emil có 3 năm yêu xa. Đó là khoảng thời gian khó khăn với hai người vì chênh lệch múi giờ (6 tiếng vào mùa đông, 5 tiếng vào mùa hè) và công việc bận rộn. Tuy nhiên, họ chưa một ngày nào bỏ nói chuyện với nhau.

“Hôm nào cũng vậy, mình đánh thức anh lúc 5h30, hai đứa tranh thủ nói chuyện vào giờ nghỉ trưa trước khi anh đến văn phòng. Buổi tối, mình làm thêm đến 21h, về đến phòng là ngồi luôn vào máy tính vừa ăn tối, vừa nói chuyện với anh đến khuya”, Hiên nhớ lại.

Trong thời gian đó, Emil sang Việt Nam 12 lần và ăn 4 cái Tết Việt. Theo lời Hiên, anh không ngần ngại tham gia công việc chân tay hay vui chơi cùng gia đình cô như canh lợn sinh nở, tát ao bắt cá, tắm ao, xem chọi gà, lên công nông đi nghiền cám với bố vợ.

Ban đầu, Hiên và em gái là phiên dịch. Sau này, Emil cùng các thành viên trong gia đình bạn gái dùng Google dịch để nói chuyện với nhau.

Hiên sang Na Uy đầu tháng 3/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trước đó, cô thăm gia đình Emil 2 lần vào dịp hè năm 2017 và 2018.

Từ những ngày đầu, Hiên vừa tham gia lớp học tiếng Na Uy, vừa làm thêm ở nhà hàng. Khi đó, vì chưa thạo ngôn ngữ, cô thường trò chuyện với mọi người bằng tiếng Anh, nhưng giờ đã tự tin giao tiếp tiếng Na Uy hàng ngày.

Sau khi kết hôn, Hiên có bầu bé Lily (hiện 5,5 tháng tuổi) và đang trong kỳ nghỉ thai sản. Cô cũng lập kênh video để chia sẻ về cuộc sống thường ngày ở xứ lạnh.

“Sống ở Na Uy, ngoài việc nhớ người thân và món ăn Việt Nam, mọi chuyện với mình đều rất tốt. Gia đình chồng từ cô, dì, chú, bác đến anh, chị, em đều rất yêu quý, tôn trọng mình. Đặc biệt là mẹ chồng coi mình như con gái. Bà không bao giờ để mình đi bộ hay xe buýt đi đâu. Nhiều hôm, mẹ chở mình đi học rồi đón về, xong đưa mình tới chỗ làm và tối lại đến đón về, mình thấy hạnh phúc lắm. Nhưng việc gì bản thân tự làm được mình lại từ chối ngay”, cô dâu Việt kể.

Ăn Tết xa nhà

Cuối năm 2020, Hiên và Emil mua được căn nhà ngay sát bố mẹ chồng. Bởi vậy, dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, vợ chồng cô ăn mừng với họ.

Tết Âm lịch 2021, Hiên mang bầu ở tháng thứ 4, cô cùng ông xã đều bận công việc cũng như sửa sang căn bếp nên không chuẩn bị được nhiều cho cái Tết xa nhà đầu tiên.

Tuy nhiên, Hiên nhớ không khí háo hức sắm sửa Tết ở quê nhà, Emil cũng coi dịp này rất ý nghĩa. Hai người đi chợ mua đồ về gói được 10 chiếc bánh chưng nhỏ.

“Hàng ngày, mình đều gọi điện về gia đình nên cảm thấy khá bình thường. Nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, mình lại nhớ nhà rất nhiều. Với mình, Tết là dịp để những người con xa quê trở về nhà; anh em, con cháu, bạn bè sum họp; mọi người thể hiện sự yêu thương, quan tâm và gửi đến nhau lời chúc cũng như ứng xử tốt đẹp nhất. Năm nay, nếu không về được, vợ chồng mình sẽ chuẩn bị mâm cỗ Tết kỹ hơn”, cô nói.

Với Hiên, Giáng sinh là “cái Tết thứ hai” ở xứ lạnh Na Uy bởi không khí đoàn viên giống như Tết Nguyên đán. Mọi người đổ ra ngoài mua sắm, trang hoàng nhà cửa, cùng nhau vào bếp làm bánh và kẹo Giáng sinh để đãi khách. Cây thông được bày bán ngoài đường nhiều như quất, đào ở Việt Nam.

Dịp Giáng sinh năm nay, sáng 24/12, Hiên cùng đại gia đình chồng ngồi sô pha xem phim cổ tích và hoạt hình. Buổi tối, cả nhà diện đồ đẹp, cùng ăn tối và trò chuyện vui vẻ. Mẹ chồng Hiên tự tay chiêu đãi gia đình món ăn Giáng sinh truyền thống của người Na Uy như Juleribbe (thịt ba chỉ nướng) hay Ris-krem (gạo nấu với sữa).

“Năm nào mẹ chồng mình cũng nấu một bát Ris-krem thật to, bên trong để hạt hạnh nhân đã được lột vỏ trắng muốt. Ai may mắn ăn trúng hạt này sẽ nhận được món quà bí mật. Năm nay, cô của Lily là người may mắn. Sau bữa ăn, cả nhà quây quần bên lò sưởi, hào hứng mở những hộp quà xinh xắn. Mấy ngày sau đêm Giáng sinh, cả nhà mình sẽ lái xe đến nhà bác, dì để ăn mừng tiếp. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngoài trời lạnh, tuyết rơi trắng vườn nhưng trong nhà ánh nến, đèn cùng tiếng củi cháy lách cách trong lò sưởi hòa vào tiếng cười giòn tan ấm cúng”, Hiên kể.

Tết Dương lịch này, Hiên và ông xã ăn mừng cùng vợ chồng bạn của Emil. Cô dâu Việt chiêu đãi mọi người món phở gà, nem cuốn khiến 2 vị khách thích thú vì họ từng sang Việt Nam du lịch nhiều lần và mê ẩm thực Việt.

Đợi đến 0h, cả nhóm cùng ra ban công uống sâm panh, xem pháo hoa từ đỉnh đồi và đón giao thừa.

“Hiện tại ở Na Uy, hầu hết người dân đã chích ngừa 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, từ ngày có biến chủng mới, dịch bệnh vẫn phức tạp, hàng ngày có hàng nghìn ca mắc mới. Trong dịp năm mới này, mình mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống trở lại bình thường như trước. Những người con xa xứ như mình có thể trở về quê hương dễ dàng hơn”, Hiên nói.

3 năm ăn Tết xa nhà của cô dâu Việt ở Hàn

3 năm chưa thể về Việt Nam đón Tết, chị Ngọc Quyên mong dịch bệnh sớm qua đi để được đoàn tụ người thân, cho hai con gặp ông ngoại.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm