Chiếc cassette tử thần
Nhiều năm đã trôi qua nhưng ông Lê Trọng Đạt (54 tuổi) và bà Lê Thị Tình (48 tuổi), ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vẫn không thể ngăn được nước mắt rơi khi nhớ về cái ngày định mệnh ấy. Nỗi đau đeo đẳng người bố, người mẹ này mỗi khi nhìn lên di ảnh của 2 đứa con xấu số, và chứng kiến cảnh 2 đứa con còn lại đau đớn với chằng chịt những vết sẹo trên cơ thể.
Hôm ấy, ngày 8/6/2005, khi trời đã sáng rọi, vợ chồng ông Đạt như thường lệ tỉnh giấc để chuẩn bị cơm nước trước cho 4 đứa con, sau đó sang căn nhà cũ gần rẫy cao su để làm việc. Khi đến căn nhà cũ, ông Đạt bỗng phát hiện bên cạnh nhà có một bao tải lớn được buộc chặt. Tò mò, ông Đạt tháo dây và mở miệng bao ra kiểm tra thì thấy bên trong có chiếc áo dài màu tím, chiếc đài cassette cũ màu đen, gói thuốc sâu, chiếc bật lửa màu vàng... và vài kg hạt điều. Thoáng nghĩ trong đầu đây toàn là những vật dụng cần thiết chắc ai đó bỏ quên, ông Đạt liền mang bao tải cất vào căn nhà cũ rồi cùng vợ vào rừng cao su mót mủ.
Như thường lệ, mót mủ cao su khoảng một giờ là ông Đạt về căn nhà cũ cho lợn ăn. Trong lúc làm những việc lặt vặt trong nhà ông Đạt chợt nhớ trong bao tải vô chủ mới nhặt được có chiếc đài cassette liền mở bao tải ra cắm điện nghe thử. Tuy nhiên do cầu dao bị đứt dây chì, mất điện nên ông lại đem cất vào bao tải. Khi xong xuôi mọi việc, ông Đạt lên xe trở về nhà không quên đèo theo bao tải vừa mới nhặt được.
Thấy bố về, Lê Trọng Giao (sinh năm 1988) nhìn thấy bao tải bố để gần đó, tò mò liền mở ra xem. Thấy có chiếc đài cassette, Giao cắm dây vào ổ điện phòng khách nghe thử nhưng lúc này vẫn chưa có điện nên Giao bê chiếc đài vào phòng ngủ. Một lúc sau thì có điện, Giao gọi tất cả các em của mình là Lê Trọng Kết (sinh năm 1990), Lê Trọng Đoàn (sinh năm 1993) và Lê Thị Thanh Nga (sinh năm 1994) lại để cắm điện nghe thử cassette. Cầm chiếc phích cắm trên tay, Giao ấn vào ổ điện thì bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra hất tung tất cả mọi thứ xung quanh…
Lúc xảy ra vụ nổ, ông Đạt đang ngồi ăn ở phòng khách vội vàng chạy vào chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, khoảng 2 m tường tại căn buồng trong bị thổi bung, trống hoác, gạch đá văng khắp nơi, nền nhà xuất hiện một hố sâu, mái tôn bị xé rách. Hãi hùng hơn khi ông nhìn thấy 4 đứa con mình bị thương nặng, toàn thân dập nát, người bê bết máu nằm quằn quại dưới nền đất. Hàng xóm một mặt báo tin cho bà Tình đang cạo mủ cao su ngoài rẫy, mặt khác nhanh chóng cùng ông Đạt đưa 4 đứa trẻ vào bệnh viện cấp cứu nhưng bé Giao và Nga đã tử vong, còn Đoàn và Kết trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng.
Những dấu vết mờ…
Từ vụ nổ, cơ quan cảnh sát điều tra xác định trong chiếc cassette có gài thuốc nổ và đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hung thủ tỏ ra khá am hiểu về sử dụng vũ khí. Ban Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ huy các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh khám nghiệm hiện trường, xác định loại chất nổ và cơ chế hình thành vụ nổ. Kết quả cho thấy chiếc đài cassette đã được hung thủ cài sẵn thuốc nổ bên trong, sợi dây điện phía ngoài chiếc cassette chính là dây kích nổ, khi Giao cắm phích vào ổ điện, mạch điện sẽ thông và kíp nổ được kích hoạt khiến mìn nổ tung. Đặc biệt, từ mảnh vỡ của chiếc cassette thu được tại hiện trường, các chuyên viên kỹ thuật xác định đây là máy hiệu Sony do Nhật Bản sản xuất được nhập vào Việt Nam giai đoạn từ năm 1991 đến 1994. Qua thăm dò, và rà soát người dân xã Long Giao và các xã lân cận không còn ai sử dụng loại máy này…
Với quyết tâm sẽ phá bằng được vụ án làm chấn động cả một vùng quê này, Đại tá Nguyễn Phi Hùng, lúc đó là Phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai (hiện Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ công an) đã trực tiếp chỉ đạo phá án. Phòng cảnh sát điều tra Tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với công an huyện Cẩm Mỹ khẩn trương xác định động cơ gây án, tung các trinh sát vào cuộc truy tìm hung thủ. Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an tỉnh Đồng Nai khi ấy là Đội trưởng Đội điều tra trinh sát địa bàn được giao làm Tổ trưởng chuyên án.
Hàng loạt giả thiết được đặt ra cùng với việc nghiên cứu và thu thập chứng cứ, đánh giá của Ban chuyên án là hung thủ đặt chất nổ nhắm vào ông Đạt để trả thù. Đặc biệt kẻ gây án đã theo dõi để nắm được quy luật đi lại của ông Đạt để thực hiện hành vi phạm tội. Thế nhưng khi các mũi trinh sát thâm nhập các tỉnh thành, vượt hàng nghìn km, ròng rã nhiều tháng liền, dấu vết hung thủ vẫn là một ẩn số. Cho đến khi các trinh sát ra mộ của 2 cháu Giao và Nga để thắp hương thì phát hiện rất nhiều chân hương được cắm xung quanh mộ, kiểm tra lại thì gia đình ông Đạt không thắp nhiều đến vậy. Giả thiết được đặt ra là có thể kẻ thủ ác lo sợ bị quả báo trước tội ác của mình đã “bí mật” đến thắp hương sám hối, các trinh sát lập tức được bố trí tại nghĩa trang 24/24h để theo dõi “tác giả” của những nén nhang đó hòng tìm ra bóng dáng kẻ sát nhân. Nhiều tháng trời mật phục kết quả chỉ là của những người dân quanh làng, ngoài xã thương xót đến thắp hương cho 2 cháu.
Một năm ròng rã điều tra, không một chút manh mối về hung thủ khiến vụ án dần rơi vào bế tắc, hầu hết các trinh sát tham gia đánh án đều đã được cử đi làm nhiệm vụ khác…
Nghi can đáng ngờ nhất
Trong quá trình sàng lọc các mối quan hệ của gia đình nạn nhân để truy tìm hung thủ, có một chi tiết được đặc biệt chú ý là trong cuộc sống hàng ngày ông Đạt có tính cách nóng nảy nên thường xảy ra to tiếng, mâu thuẫn với hàng xóm. Trong đó đặc biệt là ông Đỗ Minh Hải (sinh năm 1954), nhà ở sát rẫy có quan hệ căng thẳng nhất với ông Đạt trước khi vụ nổ kinh hoàng xảy ra. Ngọn nguồn nguyên do là bởi gia đình ông Hải có mua một lô rẫy ở phía sau nhà ông Đạt và thường xuyên để nước phân lợn tràn sang rẫy nhà ông Đạt, ông Đạt nuôi lợn bốc mùi hôi thối sang nhà ông Hải nên 2 gia đình thường xảy ra cãi vã. Đỉnh điểm căng thẳng khi một hôm đi làm về ông Đạt phát hiện đàn lợn nhà mình có hơn 30 con lăn đùng ra chết. Nghi ngờ ông Hải bỏ thuốc hạ độc, ông Đạt đã viết đơn tố cáo ông Hải ra công an xã nhưng do không đủ cơ sở buộc tội nên vụ việc vẫn tiếp tục điều tra. Bị hàng xóm nghi ngờ, ông Hải liền rào con đường chạy trước cổng nhà khiến ông Đạt không thể chở phân bón, cây giống vào trong rẫy được nên ông Đạt đã phá hàng rào. Để trả đũa, ông Đạt làm đơn kiện ông Hải ra TAND huyện Cẩm Mỹ về việc chiếm dụng lối đi và Tòa án tuyên ông Hải phải trả lại lối đi cho ông Đạt.
Tuy nhiên, sau khi bản án được thi hành, lối đi được mở lại bình thường, có vẻ mâu thuẫn giữa 2 gia đình phần nào được hóa giải. Trong ngày cử hành tang lễ cháu Giao và Nga ông Hải còn qua phúng viếng chia buồn với gia đình ông Đạt. Thế nhưng có một điểm nghi vấn được các trinh sát phát hiện và đặc biệt chú ý, đó là vào sáng các ngày 6 và 7/6/2005, ông Hải chở con đi thi tốt nghiệp cấp III ở thị xã Long Khánh, trưa lại đón về, chiều lại tiếp tục như vậy. Nhưng trong ngày 8/6, hôm xảy ra vụ nổ, ông Hải đưa con đi thi đến tận chiều mới về. Khi các trinh sát đấu tranh với ông Hải về vấn đề này thì ông Hải cho biết là buổi cuối nên ông đợi con thi xong đón về luôn. Trong những lần làm việc với cơ quan điều tra, chính sự mạch lạc, đưa ra những lập luận logic, không để lại sự nghi ngờ gì của ông Hải đã khiến các trinh sát để ý. Mặc dù cơ quan công an đã dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tìm chứng cứ nhưng vẫn chưa cho ra được manh mối. Một lần nữa vụ án tưởng chừng lại rơi vào bế tắc thì các trinh sát bất ngờ nắm được thông tin quan trọng.
Từ những manh mối đầu tiên
Thông tin quan trọng này được bắt nguồn từ một chi tiết rất nhỏ là dù đang sống cùng vợ con ở huyện Cẩm Mỹ nhưng ông Hải lại chuyển toàn bộ lương hưu về một địa chỉ ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Khi được xác minh thì người nhận số tiền đó chính là vợ hai của ông Hải cùng 2 người con, tháng nào ông Hải cũng lên thăm nom. Khi tìm đến nhà vợ hai của ông Hải tình cờ các trinh sát phát hiện xung quanh ngôi nhà có rất nhiều cửa hàng bán đài cassette, trong đó có loại máy nhập từ Nhật tương tự chiếc đã phát nổ. Phát hiện này có thể coi là đầu mối của vụ án.
Từ đây, tiếp tục tiếp cận vợ hai của ông Hải và người em vợ thì các trinh sát được biết năm 2003, ông Hải có mua một chiếc đài cassette như mô tả với giá 280.000 đồng ở khu bán đồ điện tử gần nhà. Mở rộng điều tra, trinh sát phát hiện ông Hải từng là Thủ trưởng của ông Đạt trong một đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn xã Long Giao. Ông Hải đã tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, rất am hiểu về vũ khí, chất nổ. Sau khi xuất ngũ về nhà, ông Hải còn đi đánh mìn phá đá, bắt cá thuê cho nhiều người tại địa phương khiến “cánh cửa” vụ án dần được mở…
Khi mọi bằng chứng buộc tội nghi can được thu thập đầy đủ, ngày 4/9/2007, Ban chuyên án quyết định bắt giữ Đỗ Minh Hải, đồng thời tiến hành khám xét nhà của ông ta và thu giữ những bằng chứng quan trọng liên quan đến việc Hải mua chiếc đài cassette ở TP.HCM, xác định được nguồn gốc của chất nổ, thu giữ các vũ khí mà đối tượng này chôn giấu trong vườn nhà là một khẩu súng trường tấn công AR-15, khẩu AK không báng cùng hộp tiếp đạn, khẩu súng lục K54 và băng đạn.
Sau 3 ngày đấu tranh, Đỗ Minh Hải đã phải nhận tội. Tất cả chỉ vì mâu thuẫn âm ỉ trong việc tranh chấp lối đi với nhà ông Đạt mà Hải “nuôi” lòng hận thù với dã tâm giết chết người hàng xóm nhưng đã cướp đi sinh mạng 2 đứa trẻ vô tội, 2 đứa trẻ còn lại với nỗi đau thương tật cơ thể đến 73% vĩnh viễn. Với 2 tội danh Giết người và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, Đỗ Minh Hải đã bị tuyên phạt mức án tử hình trong phiên tòa xét xử không lâu sau đó.